Rau sam có vị chua, không độc |
Rau sam là một loại cây thân cỏ, thuộc họ rau sam, có tên khoa học là Portulaca oleracae L.Trong dân gian, có một số cách gọi khác cho loại cây này như mã xỉ hiện, mã xỉ thái, trường thọ thái...
Rau sam có nguồn gốc từ Ấn Độ và Trung Quốc nhưng hiện nay, nó sống được ở rất nhiều nơi, thích nghi tốt với nhiều môi trường khác nhau. Tại Việt Nam, rau sam xuất hiện ở hầu hết các tỉnh thành, thường mọc dại ở vùng đất ẩm ướt ven đường, kênh rạch, ao hồ...
Rau sam có vị chua, không độc, có tính lạnh và giàu giá trị dinh dưỡng. Các bộ phận của cây như thân, lá, nụ hoa đều có thể sử dụng được trừ phần rễ. Có thể kể đến một số món ăn thơm ngon từ rau sam như: rau sam xào tỏi tôm, canh rau sam thịt bằm, nộm rau sam... Đây không chỉ là một loại thực phẩm dùng để chế biến được nhiều loại thức ăn ngon mà đây còn là một vị thuốc có nhiều công dụng. Có thể dùng rau sam ở dạng tươi hoặc phơi khô, dùng dần.
Thông thường, rau sam được thu hái vào mùa hè và mùa thu và chỉ sử dụng loại sam có thân to, đỏ. Tuy nhiên, nếu dùng với mục đích chế biến món ăn, có thể tìm thấy rau quanh năm. Việc giã nát rau với ít muối và đắp trực tiếp vào chỗ bị thương hoặc vắt lấy nước uống thường được áp dụng. Ngoài ra, còn có thể giã nát rồi phơi khô để dùng dần. Khi được sơ chế khô, để giữ được lâu nhất cần đặt rau vào trong các túi kín và bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát.
Rau sam là một loại cây chứa rất nhiều thành phần dinh dưỡng |
Rau sam là một loại cây chứa rất nhiều thành phần dinh dưỡng hữu ích. Cụ thể, rau có chứa trên 44 hợp chất bao gồm flavonoid, alkaloid, terenoid, acid hữu cơ,vitamin, khoáng chất và các hợp chất khác.. Các loại vitamin và khoáng chất có trong rau như vitamin PP, vitamin B1, vitamin B2, vitamin C, vitamin A, acid folic, choline, sắt, magie, natri, canxi, kali, oxalic... Flavonoid được xem là hợp chất chủ yếu và có nhiều tác dụng sinh học nhất của rau sam.
Trước đây, ở các miền quê Việt Nam, rau sam mọc dại ở khắp nơi, xen vào những vườn hoa màu. Còn bây giờ, thứ rau dại này đã trở thành đặc sản lạ ở thành phố.
Chị Ngô Thị Lan Anh - một tiểu thương bán rau ở chợ Xa La (Hà Đông) chia sẻ, chị quê ở Hà Tây, chiều nào chị cũng đi thu gom các loại rau của người dân ở trong xã rồi sáng sớm mang ra chợ bán. Các loại rau quê đều rất được ưa chuộng, trong đó có rau sam.
"Hễ có mớ rau sam nào là khách mua hết veo. Tôi bán 10.000 - 12.000 đồng/mớ khoảng 3-4 lạng. Tính ra 1kg rau sam có giá khoảng 30.000-40.000 đồng. Có khách vừa đặt mua hôm trước, hôm sau đã hỏi mua. Loại rau này mọc tự nhiên trong vườn, xem lẫn vào các ruộng hoa màu chứ không gieo trồng phổ biến như các loại rau cải, rau muống, mồng tơi... nên số lượng cực kỳ hạn chế, ai đi chợ sớm mới mua được", chị Lan Anh nói.
Vừa mua được 2 mớ rau sam, chị Bích Lân hớn hở khoe: "Thật sự lâu lắm rồi tôi mới mua được mớ rau sam đúng chất quê. Trước đây, rau sam là rau nhà nghèo, mọc dại ở khắp nơi, chỗ nào trống hay ẩm ướt là rau sam lại phát triển. Hồi đó rau củ quả có đầy vườn, có mấy ai để ý đến rau sam, mọi người thường hái về cho lợn hoặc cắt nhỏ cho gà ăn, thi thoảng mới hái nấu canh cùng rau tập tàng hoặc luộc chấm mắm.
Giờ đi chợ thấy rau sam được bán tôi thấy bồi hồi lắm, nhớ về những ngày nghèo khó. Rau sam ăn có vị chua chua, giòn và rất mát, rất có lợi cho tiêu hoá nên tôi rất thích".
Rau sam luộc |
Ở nhiều nước châu Âu, rau sam được dùng trong các món ăn khá phổ biến, người Hà Lan dùng rau sam làm dưa chua, người Pháp cũng rất thích rau sam và chế biến thành nhiều món ăn đặc biệt, hoặc ở Mỹ, có món rau sam trộn dầu giấm...
Người Trung Hoa xưa gọi rau sam là "rau trường thọ". Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ và Úc, trong rau sam có chứa nhiều axít béo omega-3 hơn các loại rau ăn lá khác. Nó là một trong số rất ít các loài cây có chứa EPA omega-3 chuỗi dài, có tác dụng rất tốt trong việc ngăn ngừa bệnh tim mạch và tăng cường sức miễn dịch của cơ thể.
Đây cũng là loại rau chứa nhiều loại vitamin (chủ yếu là vitamin A, C và một số vitamin B cùng các carotenoit), cũng như các chất khoáng dinh dưỡng như magiê, canxi, kali và sắt.