Tuyên truyền, hướng dẫn về Chương trình OCOP
Mục đích của bước này nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết của cộng đồng về chương trình Mỗi xã một sản phẩm, nhất là đối với các chủ thể sản xất và các cán bộ OCOP tại địa phương.
Với các chủ thể sản xuất, công tác tuyên truyền sẽ nhằm hỗ trợ các chủ thể hiểu được kế hoạch và nội dung chương trình, hình dung được quy trình và nắm được tiêu chí và các nguyên tắc của chương trình, qua đó có cơ sở xây dựng ý tưởng sản phẩm.
Các cán bộ thuộc chương trình OCOP ở các cấp tỉnh, huyện, xã sẽ được hướng dẫn về cách thức triển khai và vận hành Chương trình OCOP theo 06 bước của “Chu trình OCOP thường niên”, cùng với các kiến thức về bộ tiêu chí, công tác đánh giá OCOP cũng như về tư vấn, vận dụng chính sách, hỗ trợ các tổ chức kinh tế OCOP…
Các UBND cấp tỉnh, huyện và xã có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền đồng thời rà soát các sản phẩm tiềm năng trong phạm vi địa bàn mình để xác định đối tượng tuyên truyền.
Việc tuyên truyền, hướng dẫn về OCOP thường tập trung vào các tháng đầu năm khi bắt đầu chu trình OCOP. Hoạt động này được kỳ vọng sẽ nâng cao khả năng hình thành ý tưởng sản xuất của người dân.
Sơ đồ chu trình OCOP thường niên |
Khi đã có nhận thức về hoạt động sản xuất và các tiêu chí đánh giá, người dân và các chủ thể sản xuất có ý tưởng sản xuất sẽ đăng ký ý tưởng tới cán bộ phụ trách OCOP cấp xã, huyện để đánh giá, hỗ trợ hoàn thiện ý tưởng sản phẩm đăng ký. Sau khi xem xét và đánh giá tính khả thi, chủ thể có ý tưởng sẽ được tập huấn để biến ý tưởng thành kế hoạch kinh doanh bên cạnh sự hỗ trợ của cán bộ OCOP tại địa phương. Các hoạt động này thường được dự kiến thực hiện vào tháng 3 hàng năm.
Sản phẩm tham gia Chương trình OCOP ưu tiên các sản phẩm đặc trưng, truyền thống, lợi thế của địa phương, gắn với đời sống và có tiềm năng mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng. Sản phẩm đã hình thành nhưng chưa hoàn thiện, sản phẩm tiềm năng đều được đưa vào kế hoạch của địa phương;
Ý tưởng sản phẩm có thể được coi là khởi điểm của chu trình OCOP khi các giai đoạn tiếp theo chủ yếu nhằm mục đích hỗ trợ hoàn thiện, cải tiến ý tưởng và sản phẩm để đạt chuẩn chương trình cũng như có khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Xây dựng phương án, dự án sản xuất kinh doanh
Sau khi có ý tưởng sản phẩm, người dân và các chủ thể sản xuất cần triển khai phương án, dự án kinh doanh. Phương án kinh doanh được xây dựng và lựa chọn ngoài các yêu cầu chung, cần phải xác định rõ các định hướng, giải pháp để thực hiện các yêu cầu tương ứng với mục tiêu phân hạng sản phẩm theo Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm.
Những phương án không đạt sẽ trả lại chủ thể và yêu cầu xây dựng lại, những phương án được chấp nhận sẽ được tập huấn, tư vấn, hướng dẫn để triển khai phương án.
Nội dung tập huấn là về các kiến thức về sản xuất và kinh doanh như thành lập doanh nghiệp/HTX; nhu cầu, thị hiếu của thị trường; vùng nguyên liệu; nhân lực qua đào tạo; quản trị sản xuất, tiếp thị; tài chính doanh nghiệp,... (sửa đổi bổ sung, cập nhật theo từng năm phù hợp theo từng đối tượng học viên tham gia và theo điều kiện thực tế).
Các hoạt động này thường được dự kiến thực hiện vào tháng 4 trong năm nhưng còn tùy thuộc vào kế hoạch triển khai của từng địa phương. Hầu hết không thực sự triển khai vào tháng 4.
Nếu kế hoạch kinh doanh sau cùng vẫn không đạt yêu cầu, sẽ tiếp tục được hoàn thiện và tham gia vào chu trình OCOP năm sau.
Triển khai phương án, dự án sản xuất kinh doanh
Lúc này chủ thể sẽ tiến hành triển khai, đưa phương án/dự án sản xuất kinh doanh vào thực tế. Các bên liên quan như cán bộ OCOP, cơ quan nhà nước và các chuyên gia tư vấn sẽ tư vấn và hỗ trợ tại cơ sở.
Tùy vào từng trường hợp, nội dung hỗ trợ cần tập trung để giúp các chủ thể nâng cao năng lực, đáp ứng các yêu cầu của Bộ tiêu chí, như: nguồn nguyên liệu; sử dụng lao động địa phương; đào tạo/tập huấn về tay nghề; mở rộng quy mô sản xuất; tiêu chuẩn chất lượng; bao bì, nhãn mác sản phẩm; phát triển liên kết và mở rộng kênh phân phối...
UBND huyện, xã có trách nhiệm theo dõi tiến độ, nắm bắt thông tin về quá trình triển khai phương án kinh doanh để phối hợp với các cơ quan liên quan và các chuyên gia OCOP để hỗ trợ, đồng thời hướng dẫn các chủ thể tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước như: tín dụng, khoa học công nghệ, liên kết chuỗi giá trị, đào tạo nghề,...
Kết quả của giai đoạn này là chủ thể phải có sản phẩm hoàn thiện nhất có thể, chuẩn bị đầy đủ minh chứng và hồ sơ về sản phẩm.
Đánh giá sản phẩm OCOP (Ảnh minh họa) |
Đánh giá và xếp hạng sản phẩm
Hội đồng OCOP các cấp sẽ thực hiện công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm theo quy trình đánh giá cấp huyện, tỉnh, Trung ương.
Các sản phẩm sau khi hoàn thiện hồ sơ sẽ được đánh giá tại cấp huyện và cấp tỉnh. Cụ thể, cấp huyện xem xét và đề xuất các sản phẩm đạt 3-5 sao để gửi lên Hội đồng OCOP cấp tỉnh đánh giá.
Tại cấp tỉnh, sản phẩm sẽ được đánh giá một lần nữa. Các sản phẩm đạt 3-4 sao sẽ được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận. Các sản phẩm xem xét đủ khả năng đạt chuẩn 5 sao sẽ được đăng ký dự thi đánh giá, phân hạng ở cấp quốc gia theo kế hoạch năm của Chương trình OCOP quốc gia.
Các sản phẩm không được đánh giá cao (1 - 2 sao) và các sản phẩm đạt 3 - 4 sao kỳ trước có thể hoàn thiện và dự thi đánh giá và phân hạng vào năm tiếp theo.
Quá trình xây dựng hồ sơ, tổ chức đánh giá phải đảm bảo công khai, minh bạch và theo đúng quy định. Các hoạt động đánh giá thường được thực hiện từ tháng 8-11 hàng năm.
Quảng bá, xúc tiến thương mại
Hoạt động xúc tiến thương mại phải là trọng tâm của Chương trình, được cấp huyện, tỉnh tổ chức thường xuyên và liên tục.
Giới thiệu sản phẩm OCOP tại hội chợ thương mại (Ảnh minh họa) |
Những sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên sẽ được hỗ trợ xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế, chủ yếu thông qua các hình thức và các kênh như:
Hoạt động quảng cáo, quảng bá sản phẩm:Các sản phẩm đạt chuẩn (từ 3 sao) sẽ được hỗ trợ xây dựng video, tin bài quảng bá, hỗ trợ phát sóng trên truyền hình hoặc báo, tạp chí của địa phương.
Thương mại điện tử: tận dụng lợi thế của thương mại điện tử (E-commercial) để quảng bá và phân phối tại các kênh TMĐT phổ biến như các sàn TMĐT sẵn có (như Shopee, Sendo, Tiki, Lazada, Voso…) và phát triển kênh TMĐT chuyên biệt cho sản phẩm OCOP.
Tổ chức sự kiện hội chợ, triển lãm: Tổ chức quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước: Tham gia khu gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các hội chợ, triển lãm, đặc biệt là các hội chợ OCOP tổ chức tại các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh,...
Thông qua các hệ thống bán lẻ như Trung tâm, điểm bán hàng; siêu thị, chợ truyền thống; Family shop, bao gồm xây dựng các trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP…
Nhằm hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai Chu trình OCOP một cách phù hợp, hiệu quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành văn bản số 6384/BNN-VPĐP ngày 15/9/2020, hướng dẫn các địa phương triển khai Chu trình OCOP gắn với trách nhiệm của từng cấp (từ cấp xã đến cấp tỉnh). Căn cứ vào điều kiện thực tế, đặc biệt là sản phẩm tham gia Chương trình, các địa phương làm rõ nội dung, triển khai phù hợp và hiệu quả gắn với trách nhiệm của các cấp trong hỗ trợ các chủ thể. |