Lợi ích của việc đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử Hiểu thế nào về 3 nguyên tắc của chương trình OCOP? Chủ thể OCOP cần biết gì về tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm? |
Mục đích của chương trình
Tham khảo các chương trình OVOP của Nhật Bản và OTOP của Thái Lan, Việt Nam xác định Chương trình OCOP cần tạo ra phong trào sản xuất và kinh doanh tại các vùng nông thôn trên cả nước, dựa trên sức mạnh cộng đồng địa phương và lợi thế vùng miền.
Chương trình đặt ra một số mục đích chính như: Khuyến khích người dân địa phương khai thác các thế mạnh bản địa, thế mạnh về truyền thống và văn hóa của địa phương để nâng cao giá trị sản phẩm; bên cạnh đó phát triển kinh tế theo chuỗi giá trị, chú trọng phát triển các nghề, làng nghề truyền thống; cùng với thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thông theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Với mục đích đó, và tham khảo phong trào nền tảng OVOP và OTOP, 03 nguyên tắc chính được đề ra đối với chương trình OCOP gồm “Hành động địa phương hướng đến toàn cầu”, “Tự lực, tự tin và sáng tạo”, “Đào tạo nguồn nhân lực”.
Mục tiêu của chương trình
Các mục tiêu cụ thể đã được đề ra nhằm hướng đến mục đích tổng quát như trên. Các mục tiêu thường xoay quanh việc tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng, miền, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; cùng với phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị; qua đó thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân.
Cụ thể, trong Quyết định số 490/QĐ-Ttg ngày 07/05/2018, phê duyệt chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 đã đề ra một số mục tiêu như: tiêu chuẩn hóa và có ít nhất 2.400 sản phẩm đạt chuẩn, củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với hợp tác xã và doanh nghiệp; Phấn đấu phát triển mới khoảng 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã tham gia chương trình OCOP;…
Trong dự thảo Đề án thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025, Bộ Nông nghiệp cũng đề xuất các mục tiêu như phấn đấu có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 3% sản phẩm OCOP đạt 5 sao đến năm 2025, ít nhất 40% chủ thể OCOP là HTX và 30% là các doanh nghiệp; ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; ít nhất 50% làng nghề có sản phẩm OCOP…
Qua đó, có thể thấy Chương trình OCOP được kỳ vọng nâng cao khả năng của địa phương, phát huy nguồn lực cộng đồng tại chỗ trong giải quyết việc làm và giảm nghèo, phát triển kinh tế nông thôn.