Chương trình OCOP – Mỗi xã một sản phẩm là gì? Cao Bằng tạo chỗ đứng và nâng cao chất lượng cho sản phẩm OCOP Hà Nội thí điểm mô hình “Chợ đêm trên mây” hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP |
![]() |
Một số sản phẩm đã được chứng nhận OCOP |
Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” - OCOP được áp dụng cho 06 ngành hàng gồm: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; lưu niệm - nội thất - trang trí; và dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng.
Với các chủ thể sản xuất có dự định đăng ký sản phẩm theo chương trình OCOP, cần quan tâm đến các vấn đề về tiêu chí đánh giá sản phẩm và phân hạng sản phẩm.
Xác định nhóm/ phân nhóm sản phẩm
Chủ thể OCOP cần lưu ý rằng mỗi sản phẩm sẽ thuộc một nhóm ngành nhất định và sẽ áp dụng bộ tiêu chí đánh giá không giống nhau. Do đó, các chủ thể sản xuất cần xác định sản phẩm đăng ký tham gia OCOP của mình thuộc nhóm/phân nhóm nào để tra cứu bộ tiêu chí đánh giá cụ thể.
6 ngành hàng thuộc chương trình OCOP nói trên sẽ được phân thành 26 bộ sản phẩm tương ứng.
Trong đó, các sản phẩm thuộc ngành thực phẩm (do Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương chủ trì và quản lý) được phân thành 6 nhóm. Cụ thể: Nhóm 1 là nhóm thực phẩm tươi sống gồm rau, củ, quả, hạt tươi và thịt, trứng, sữa tươi; Nhóm 2 gồm các thực phẩm thô và sơ chế như gạo, ngũ cốc và mật ong, các sản phẩm từ mật ong, mật khác.
Các thực phẩm chế biến thuộc nhóm 3, gồm đồ ăn nhanh, sản phẩm chế biến từ gạo, ngũ cốc, rau, củ, quả, hạt, từ thịt, trứng, sữa và thủy, hải sản.
Nhóm 4 gồm các sản phẩm gia vị như tương, nước mắm, gia vị dạng lỏng và các gia vị khác;
Các sản phẩm chè và có nguồn gốc từ chè thuộc nhóm 5;
Nhóm 6 là các sản phẩm cà phê và ca cao.
![]() |
Các sản phẩm ngành đồ uống (do Bộ Công Thương và Bộ Y tế chủ trì và quản lý) được phân thành 2 nhóm gồm: Nhóm đồ uống có cồn như rượu, bia, và đồ uống không cồn như nước khoáng, nước uống khác…
Sản phẩm ngành thảo dược (do Bộ Y tế chủ trì và quản lý) sẽ được phân thành 04 nhóm gồm: Thực phẩm chức năng, thuốc từ dược liệu, thuốc Y học cổ truyền; Mỹ phẩm; Trang thiết bị, dụng cụ y tế và các thảo dược khác.
Ngành thủ công mỹ nghệ (do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì và quản lý) sẽ được phân thành 2 nhóm gồm: Thủ công mỹ nghệ, trang trí và Thủ công mỹ nghệ gia dụng.
Ngành dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng (do Bộ VHTT&DL chủ trì và quản lý) gồm có các dịch vụ du lịch, truyền thống và lễ hội.
Và cuối cùng là ngành vải và may mặc do Bộ Công Thương chủ trì quản lý.
![]() |
Các tiêu chí cơ bản
Sản phẩm tham gia chương trình OCOP sẽ được đánh giá và chấm điểm theo thang 100 dựa trên 03 tiêu chí chung gồm: Đánh giá sản phẩm và sức mạnh cộng đồng (35 điểm); đánh giá khả năng tiếp thị (25 điểm); đánh giá chất lượng sản phẩm (40 điểm).
![]() |
Các tiêu chí OCOP cơ bản |
Trong 03 tiêu chí chung này sẽ chia thành các nhóm tiêu chí nhỏ hơn với số điểm từ 0-5 điểm/tiêu chí để đánh giá nhiều khía cạnh của sản phẩm, như tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm, câu chuyện sản phẩm, tính độc đáo…
Tùy thuộc vào nhóm/phân nhóm cụ thể, mỗi sản phẩm OCOP sẽ được đánh giá theo bộ tiêu chí riêng.
Phân hạng sản phẩm
Sau khi đánh giá sản phẩm, Hội đồng đánh giá sẽ dựa vào số điểm trung bình cuối cùng để phân hạng sản phẩm. Sản phẩm đạt trên 50 điểm được coi là đạt chuẩn (từ 3 sao).
Sản phẩm đạt từ 50-89 điểm (3-4 sao) được công nhận là sản phẩm cấp tỉnh.
Sản phẩm đạt từ 90 điểm (5 sao) sẽ được công nhận là sản phẩm cấp quốc gia.
Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được ban hành kèm theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21 tháng 8 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ, dựa trên đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. |