Diễn đàn trực tuyến Hà Nội 2021, kết nối cung cầu sản phẩm OCOP Hà Nội: Thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình OCOP năm 2021 Bình Thuận: Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm trong năm 2021 |
Tổng quan về chương trình OCOP
Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" – OCOP (One commune, one product) là mô hình được học tập từ phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” của Nhật Bản (One village, one product - OVOP), được triển khai ở Nhật Bản từ thập niên 70 của thế kỷ trước và đã mang lại nhiều lợi ích người dân.
OCOP - Mỗi xã một sản phẩm |
Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.
Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.
Mục tiêu của chương trình
Chương trình OCOP "mỗi xã một sản phẩm" đặt mục tiêu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.
Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất”. trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.
Thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý (hạn chế dân di cư ra thành phố), bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Việt Nam.
Về sản phẩm, chương trình đặt ra mục tiêu mỗi xã có tối thiểu một sản phẩm đạt chuẩn OCOP, không giới hạn số sản phẩm OCOP của một xã.
Đối tượng của chương trình
Chương trình OCOP áp dụng cho 6 ngành hàng dịch vụ gồm thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải-may mặc, thủ công mỹ nghệ, du lịch nông thôn kết hợp bán hàng. Đây đều là các lĩnh vực cơ bản và đầy đủ trong vùng nông thôn
Các chủ thể thực hiện gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh.
Đối tượng chương trình OCOP |
Nguyên tắc của chương trình OCOP
Chương trình OCOP được triển khai cần tuân thủ đầy đủ 3 nguyên tắc là: Hành động địa phương hướng đến toàn cầu; Tự lực, tự tin và sáng tạo và Đào tạo nguồn nhân lực.
Nguyên tắc “Hành động địa phương hướng đến toàn cầu” có thể hiểu là để gia nhập vào thị trường thế giới, các sản phẩm cần được cải tiến, thiết kế lại cho phù hợp thị hiếu của thị trường tiêu thụ (trong và ngoài nước). Các sản phẩm cần đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu về chất lượng như tiêu chuẩn Oganic, GlobalGAP, EuroGAP, VietGAP...
Nguyên tắc “Tự lực, tự tin và sáng tạo” có nghĩa là người dân cần liên tục phát triển giá trị độc đáo của riêng mình, bằng tinh thần sáng tạo của chính mình để có thể cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
“Đào tạo nguồn nhân lực” là đặt mục tiêu phát triển nguồn nhân lực bền vững, có trình độ từ các lãnh đạo, quản lý của các tổ chức kinh tế tại cộng đồng tới các chủ thể sản xuất về phương án sản xuất kinh doanh cũng như phát triển sản phẩm để đạt tiêu chuẩn tham gia Chương trình OCOP.
Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm
6 ngành nghề thuộc chương trình OCOP sẽ được phân thành 26 bộ sản phẩm, mỗi bộ sản phẩm có bộ tiêu chí đánh giá riêng.
Sản phẩm tham gia chương trình sẽ được đánh giá dựa trên 03 tiêu chí với tổng số điểm là 100 điểm, cụ thể: đánh giá sản phẩm và sức mạnh cộng đồng - 35 điểm, đánh giá khả năng tiếp thị - 25 điểm, đánh giá chất lượng sản phẩm - 40 điểm.
Tiêu chí đánh giá sản phẩm |
Phân hạng sản phẩm
Công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được chia làm 03 cấp: cấp huyện, cấp tỉnh và cấp trung ương. Khi sản phẩm được phân hạng 3-5 sao sẽ được cấp Giấy chứng nhận OCOP. Giấy chứng nhận này giá trị trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày được cấp.
Phân hạng sản phẩm OCOP |
Quy trình đánh giá sản phẩm tại các cấp
Tại Cấp huyện, hồ sơ sản phẩm sẽ được đánh giá bởi UBND và các phòng ban chuyên môn, chuyên gia OCOP. Hộp đồng OCOP cấp huyện sẽ đề xuất các sản phẩm có khả năng đạt 3-5 sao và gửi hồ sơ để Hội đồng OCOP cấp tỉnh đánh giá.
Quy trình đánh giá cấp huyện |
Tại cấp tỉnh hồ sơ sản phẩm sẽ được đánh giá bởi UBND và các sở ngành có liên quan. Các sản phẩm đạt 50-89 điểm sẽ được cấp Giấy chứng nhận công nhận 3-4 sao. Các sản phẩm trên 90 điểm sẽ được đề xuất lên cấp Trung ương để đánh giá.
Quy trình đánh giá cấp tỉnh |
Cấp quốc gia/Cấp Trung ương, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các bộ chủ trì ngành đánh giá và phê duyệt chứng nhận OCOP 5 sao.
Quy trình đánh giá cấp quốc gia |
Vai trò của Nhà nước và cộng đồng
Chương trình OCOP xuất phát từ người dân với ý tưởng sản phẩm mang lợi thế địa phương. Người dân quyết định tham gia Chương trình bằng việc đề xuất ý tưởng về sản phẩm. Sau khi xem xét ý tưởng, hệ thống quản lý chương trình OCOP của địa phương sẽ đồng hành cùng người dân trong việc triển khai ý tưởng và hoàn thiện sản phẩm.
Qua đó, các nguồn lực cộng đồng được huy động như tiền vốn, đất đai, sức lao động, nguyên vật liệu, công nghệ,... đến quản trị, quyết định các chiến lược phát triển, phân chia lợi ích có được từ sự phát triển. Các nguồn lực này được huy động trong quá trình hình thành các tổ chức kinh tế, dưới dạng góp vốn, triển khai các hoạt động theo Chu trình OCOP thường niên.
Với sự tham gia đầy đủ như vậy, người dân là chủ nhân của quá trình phát triển, dựa vào các nguồn lực cộng đồng.
Nhà nước chỉ đóng vai trò “tạo sân chơi” khi tổ chức triển khai chu trình và hỗ trợ cộng đồng những phần còn thiếu cũng như điều phối các nguồn lực và huy động các nguồn kinh phí để thực hiện đề án. Đồng thời có trách nhiệm điều phối các hoạt động của các đơn vị tham gia đề án.
Căn cứ Quyết định số 491/2009/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia nông thôn mới và Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020; UBND tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện Kế hoạch “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2013-2016. Dựa theo Kết quả và bài học kinh nghiệm thực tiễn từ Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm, giai đoạn 2013 -2016 của tỉnh Quảng Ninh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và ra Quyết định số 2277/QĐ-BNN-VPĐP ngày 05/06/2017 phê duyệt đề cương đề án “Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030. Tiếp đó, căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Căn cứ Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020; Căn cứ Quyết định số 1760/QĐ-TTg ngày 10 tháng 11 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020; Căn cứ Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 32/2016/QH14 ngày 23 tháng 11 năm 2016 của Quốc hội về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp; Và xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 490/QĐ-Ttg ngày 07/05/2018 phê duyệt chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020. |
Cao Bằng tạo chỗ đứng và nâng cao chất lượng cho sản phẩm OCOP |
Lai Châu đã có 60 sản phẩm đạt OCOP |
Hà Nội thí điểm mô hình “Chợ đêm trên mây” hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP |