Bắt đầu triển khai từ năm 2019, chương trình OCOP - "mỗi xã một sản phẩm" của tỉnh Cao Bằng đã có những tác động tích cực đến kinh tế - xã hội khu vực nông thôn trong tỉnh; giúp tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động địa phương.
Sản phẩm miến dong của HTX Tân Việt Á, huyện Nguyên Bình |
Hiện tỉnh Cao Bằng có khoảng 184 sản phẩm có lợi thế, thuộc 6 nhóm sản phẩm gồm: thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; đồ lưu niệm - nội thất - trang trí; dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng. Qua đánh giá phân hạng, đã có 24 sản phẩm của 21 chủ thể sản xuất đạt tiêu chuẩn sản phẩm cấp tỉnh từ 3 sao trở lên.
Các sản phẩm nổi bật như: gạo nếp Hương Bảo Lạc (Doanh nghiệp tư nhân 668 Bảo Lâm); thịt xông khói, lạp sườn (HTX Tâm Hòa); miến dong Tân Việt Á (HTX Nông sản Tân Việt Á); thạch đen Hằng Hoàng (hộ kinh doanh Trần Thị Hằng); đường phên Bó Tờ (HTX Sản xuất đường phên, chế biến rượu mía Bó Tờ, Quảng Hòa); dao Minh Tuấn (HTX Minh Tuấn, Phúc Sen, Quảng Hòa)…
Là một trong những đơn vị sản xuất tiêu biểu trong thực hiện Chương trình OCOP và có sản phẩm được phân hạng OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2020, hai sản phẩm chè là Hồng Trà và Lục Trà đang được Công ty TNHH Kolia hướng tới sự khác biệt của từng loại sản phẩm; áp dụng mô hình trồng và sản xuất trà sạch, an toàn theo tiêu chuẩn hữu cơ; chú trọng vào việc nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm,...
Sản phẩm Lục Trà của Công ty TNHH Kolia |
Không chỉ tiêu thụ trong nước, 2 sản phẩm chè là Hồng Trà và Lục Trà được Công ty TNHH Kolia còn được xuất khẩu sang các nước như Australia, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)...
Sản phẩm tham gia chương trình OCOP và đạt chứng nhận 3 sao đã giúp tạo đà cho việc phát triển thương hiệu, đưa sản phẩm có mặt trên các thị trường lớn trong và ngoài nước, hướng tới phát triển nâng sao cho sản phẩm.
Cũng được phân hạng OCOP 3 sao và có tiềm năng lớn, sản phẩm lạp sườn, thịt hun khói của Hợp tác xã (HTX) Tâm Hòa tại phường Hợp Giang đã được đăng ký độc quyền “Lạp sườn - đặc sản Cao Bằng” và tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Sản phẩm đã có mặt tại một số chuỗi siêu thị và đại lý, các cửa hàng bán lẻ tại thị trường ngoài tỉnh như: Hà Nội, Thái Nguyên... Đồng thời, từ việc xây dựng thành công thương hiệu lạp sườn và thịt hun khói, HTX Tâm Hòa đã tạo công ăn việc làm cho hơn 20 xã viên có nguồn thu nhập ổn định.
Thời gian tới, HTX Tâm Hòa sẽ mở rộng hơn nữa thị trường tiêu thụ sản phẩm, phấn đấu để sản phẩm lạp sườn, thịt hun khói được chứng nhận OCOP lên 4 sao.
Sản phẩm của HTX Tâm Hòa |
Để đạt được những kết quả đó, song song với việc thực hiện mục tiêu của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. UBND tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo các ban ngành liên quan tập trung hỗ trợ các đơn vị sản xuất có sản phẩm tham gia chương trình OCOP, nhất là các sản phẩm chủ lực của địa phương; hỗ trợ tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền, các đơn vị sản xuất định hướng sản phẩm theo chuẩn hóa chất lượng,... từng bước xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm.
Chương trình OCOP là động lực để phát triển thương hiệu và nâng tầm các sản phẩm thế mạnh của địa phương. Theo Chi cục phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng, thời gian tới, ngành chức năng tỉnh Cao Bằng sẽ bố trí 58,8 tỷ đồng từ nguồn vốn Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ 63 kế hoạch, mô hình liên kết cấp tỉnh và địa phương bằng việc: phát triển vùng nguyên liệu, tư vấn xây dựng liên kết sản xuất, hỗ trợ nhãn mác, bao bì sản phẩm,...
Bên cạnh đó, tỉnh Cao Bằng vận động người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng cải tiến mẫu mã sản phẩm OCOP. Đồng thời áp dụng những giải pháp khoa học công nghệ vào sản xuất để mở rộng quy mô, thị trường tiêu thụ và tăng cường truyền thông, quảng bá và nâng tầm các sản phẩm lợi thế của tỉnh. Dần tạo chỗ đứng vững chắc và nâng cao chất lượng cho sản phẩm OCOP địa phương.