Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 98/2018/NĐ-CP năm 2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Thông tin tại hội nghị này, trong giai đoạn 2018 - 2023, tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện phát triển liên kết sản xuất trong 5 năm của tỉnh Thanh Hóa khoảng hơn 865 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí trên ngành nông nghiệp đã phối hợp hỗ trợ xây dựng phát triển hạ tầng, phát triển các mô hình khuyến nông, mô hình sản xuất hiệu quả; hỗ trợ giống, bao bì, nhãn mác sản phẩm và hỗ trợ phát triển khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.
Kết quả, toàn tỉnh Thanh Hóa đã hình thành và phát triển được hơn 1.800 chuỗi liên kết bền vững, tăng hơn 1.000 chuỗi so với năm 2018, với sự tham gia liên kết của 26 đơn vị khoa học - công nghệ, trên 65.000 hộ nông dân, 523 hợp tác nông nghiệp và 800 doanh nghiệp. Trong đó có 30 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với 23 địa chỉ kinh doanh đã được cấp giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Thanh Hóa là một tỉnh có tiềm năng thế mạnh để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, phát triển các sản phẩm nông nghiệp |
Đặc biệt, tỉnh Thanh Hóa đã có hơn 1.000 chuỗi liên kết sản xuất, phát triển các sản phẩm chủ lực, như: Lúa gạo, ngô, rau quả, mía đường sản phẩm từ sữa bò, các sản phẩm từ tre luồng, vầu....Nhờ đó, tỷ lệ giá trị các sản phẩm nông nghiệp được liên kết sản xuất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tăng 25,9% so với năm 2018. Một số sản phẩm chủ lực đạt tỷ lệ hợp tác và liên kết cao như mía đường đạt 100%; cây ngô đạt 65,36%; bò sữa và sản phẩm từ sữa bò đạt 100%, một số sản phẩm khác có tỷ lệ đạt từ 20 - 30%.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị định này tại Thanh Hóa cũng gặp những khó khăn, vướng mắc, như: Nguồn kinh phí không được phân bổ hằng năm mà lồng ghép từ các chương trình, dự án khác. Nhận thức của nông dân về liên doanh, liên kết hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp chưa cao. Cùng với đó, các doanh nghiệp, HTX khó tiếp cận nguồn hỗ trợ do vướng mắc về trình tự, thủ tục hồ sơ, các điều kiện để được hỗ trợ khá cao...
Tại hội nghị, các đại biểu đề xuất UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Chính phủ chỉnh sửa những điểm bất cập trong nội dung Nghị định 98/2018/NĐ-CP, làm rõ điều kiện thụ hưởng theo từng nội dung chính sách; quy định rõ tỷ lệ phần trăm hỗ trợ hạ tầng đối với dự án để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện.
Đề nghị các bộ, ngành có liên quan hướng dẫn cụ thể thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển liên kết; bố trí, lồng ghép các nguồn lực của Trung ương để thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP từ nguồn vốn các chương trình khác...
Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa |
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa Cao Văn Cường nêu rõ sự cần thiết rà soát văn bản, tham mưu trình HĐND sửa đổi nghị quyết ban hành hỗ trợ theo đúng nội dung, hồ sơ, trình tự theo quy định tại Nghị định 98 của Chính phủ và bố trí nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh để thực hiện.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đề nghị các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai lồng ghép các nguồn vốn để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định 98 của Chính phủ. Cần đánh giá thực trạng năng lực các chuỗi sản xuất của tỉnh để đề ra các giải pháp phù hợp. Tập trung thực hiện đồng bộ các chính sách, linh hoạt điều hành, đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ sản xuất, nâng cao năng lực dự báo thị trường để thông tin, định hướng Nhân dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.