Hỗ trợ người khuyết tật hoà nhập
Có mặt tại Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ hoà nhập cộng đồng (gọi tắt là Trung tâm) nằm trên đường Võ Trường Toản (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng), những người phụ nữ với đôi tay nhanh thoăn thoắt đang phân loại, đo vải, xâu kim,… làm cho kịp đơn hàng. Không gian ngôi nhà nhỏ nhưng lúc nào cũng rộn ràng tiếng nói cười đan xen tiếng máy may tạo ra âm thanh vui vẻ, hạnh phúc khiến những người phụ nữ khuyết tật có thêm động lực, sự tự tin cho bản thân.
Những người phụ nữ khuyết tật tham gia hoạt động tái chế vải. |
Bắt đầu hoạt động từ tháng 10/2018, Trung tâm đã tổ chức nhiều chương trình, dự án chăm sóc sức khoẻ, hỗ trợ công việc, kỹ năng cho người khuyết tật trên địa bàn thành phố mang tính nhân văn cao.
Để xây dựng nên ngôi nhà Cormis này, chị Mai Thị Dung (46 tuổi, trú quận Sơn Trà, Đà Nẵng), người sáng lập Trung tâm đã thực hiện dự án ý nghĩa cùng các cộng sự của mình để kết nối, giúp đỡ những người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống.
Dự án thu gom rác thải từ vải và làm thành những sản phẩm handmade đã thu hút được nhiều phụ nữ khuyết tật tham gia, tạo ra những sản phẩm có thể bày bán ra thị trường, tạo thêm nguồn thu nhập cho các chị em khuyết tật. Bên cạnh đó, nhiều tình nguyện viên đến từ nhiều nơi cũng sẵn sàng góp sức, hỗ trợ để sản phẩm được tái chế nhanh và thẩm mỹ hơn.
Những sản phẩm được hoàn thiện một cách bắt mắt. |
Nhận thấy được số lượng vải dư thải ra môi trường ngày càng nhiều, chị Dung bắt đầu tìm kiếm các loại vải trắng của ga trải giường, gối được thải ra từ các khu nghỉ dưỡng, khách sạn mang về xử lý, tái chế thành các loại túi, ví, quần áo,…. Sản phẩm sau khi hoàn thiện sẽ giao cho khách hàng hoặc đem đến các cửa hàng để bán.
Để duy trì dự án này dài lâu, chị nghiên cứu và tìm đến những tiệm may ở Hội An để xin phần vải thừa còn lại, đa dạng màu sắc và chất liệu khác nhau mang về tái chế nên những sản phẩm phong phú hơn như bình đựng nước, áo quần,…. Thành phẩm làm ra nhận được sự ủng hộ và lời khen của khách hàng khiến những người phụ nữ khuyết tật càng có thêm động lực để thoát khỏi vòng an toàn.
Vật liệu để ở nơi thuận tiện cho các chị em sử dụng. |
Chị Đặng Thị Nở (46 tuổi, trú quận Sơn Trà, Đà Nẵng) có hoàn cảnh khó khăn, thêm đôi chân không được lành lặn khiến chị rất mặc cảm. Khi được làm việc tại Trung tâm, chị rất vui sướng và hạnh phúc bởi những sản phẩm mình tạo ra được nhiều người đón nhận.
“Tham gia làm việc ở đây, tôi phấn khởi và mở lòng ra hơn rất nhiều. Mọi người đều yêu thương và xem nhau như chị em trong gia đình. Ngoài ra tôi còn góp phần làm sạch môi trường, tôi mong Trung tâm sẽ ngày càng phát triển để những người yếu thế như tôi có việc làm ổn định hơn”, chị Nở chia sẻ.
Việc làm nhỏ tạo nên giá trị lớn
Sản phẩm được tạo ra bởi những người phụ nữ khuyết tật trông rất mềm mại, đường may kĩ càng, sắc sảo. Nhiều tà áo dài, áo bà ba được sự trợ giúp đến từ những nhà thiết kế làm tôn vinh vẻ đẹp của chiếc áo khiến nhiều người phải trầm trồ.
Trao đổi với phóng viên, chị Dung kể: “Thời gian trước đây, các dự án cộng đồng của phi chính phủ được kéo dài từ 2-3 năm, tuy nhiên khi các dự án đi qua, mọi thứ lại như cũ mà số tiền bỏ vào cũng nhiều. Tôi quyết định thành lập Trung tâm Cormis này với mong muốn sẽ hỗ trợ cho người khuyết tật, mang đến niềm vui và kế sinh nhai cho họ.
Dự án thu hút các nhà hảo tâm, tình nguyên viên trong và ngoài nước. |
Việc thu gom vải vụn và tái chế để giảm thiểu rác thải, biến những thứ tưởng như bỏ đi trở thành vật phẩm có ích trong cuộc sống. Dự án tái chế từ vải vụn cũng kết nối thêm các thành viên liên quan như nhà thiết kế thời trang, nhiếp ảnh gia và sinh viên các trường cùng tham gia. Sự gắn kết giữa người với người cùng có chung mục tiêu bảo vệ môi trường, cùng chia sẻ, đồng cảm nhiều câu chuyện khác nhau, tôi đã thấy mình thành công trong dự án này”, chị Dung nói thêm.
Chị Hồ Thị Uyên Giang (34 tuổi, trú quận Sơn Trà, Đà Nẵng), người quản lý dự án tái chế vải vụn bảo vệ môi trường chia sẻ: “Tôi nhận thấy đây là một việc làm ý nghĩa, vừa giúp đỡ được những người yếu thế trong xã hội, vừa bảo vệ môi trường. Tôi mong rằng thời gian sắp tới sẽ có thêm nhiều tình nguyện viên đến đây chung tay giúp đỡ cùng chúng tôi để giảm thiểu rác thải hằng ngày.”
Trung tâm Cormis thường xuyên tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khoẻ cho người khuyết tật. |
Ngoài dự án này ra, Trung tâm còn duy trì các dự án đồng hành cùng nhóm những người khuyết tật. Họ tự ti về bản thân, ngại đứng trước đám đông để nói lên chính kiến của mình, chính vì lẽ đó khiến họ khó hoà nhập. Trung tâm chú trọng việc chăm sóc sức khoẻ tâm trí cho người khuyết tật, nhiều chương trình được tổ chức như tập yoga, hướng dẫn các bài tập giải toả căng thẳng, thiền,…. Bên cạnh đó, các buổi workshop được diễn ra cùng hoạt động trải nghiệm, từ đó tháo gỡ những rào cản, giúp họ cân bằng nhịp sống cùng cộng đồng.
Chung tay góp sức từ những người “xa lạ”
Từ một nhóm nhỏ phụ nữ khuyết tật tham gia may vá tại Đà Nẵng, nay phát triển thêm ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Huế với gần 30 người, hơn 320 nghìn sản phẩm được bán ra. Ngoài ra, họ còn tái chế lưới cũ để làm thành dụng cụ rửa chén, miếng lau chùi nhà bếp, hạn chế rác thải ra.
Vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ hoà nhập cộng đồng (Cormis) đã trình diễn bộ sưu tập tái chế “O Collection” tại phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam), nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của người dân cùng du khách trong và ngoài nước.
Các thành viên của Trung tâm thể hiện sự tự tin khi mang trên người bộ áo dài. |
Buổi biểu diễn thời trang tái chế diễn ra thành công bởi những người mẫu “đặc biệt”, đó là những người phụ nữ khuyết tật. Có người mang nạn, ngồi xe lăn nhưng sự tự tin luôn được thể hiện trên gương mặt họ.
Sự kiện mang lại nhiều giá trị nhân văn, lan toả thông điệp về công việc tái chế, góp phần bảo vệ môi trường. Đặc biệt nâng cao giá trị của nhóm người yếu thế trong cộng đồng, tự tin vươn lên trong cuộc sống.
Du khách theo dõi và cổ vũ cho người mẫu “đặc biệt”. |
Gây được sự ấn tượng mạnh mẽ với du khách trong và ngoài nước, nhiều người đã tình nguyện giúp đỡ Trung tâm bằng nhiều cách khác nhau. Có người thiết kế ra nhiều mẫu túi hiện đại, có người chụp ảnh sản phẩm để bán,… Tất cả đều là những người xa lạ, nhưng họ mang đến những người “đặc biệt” cảm giác gần gũi, tương trợ nhau như người thân.
“Từ lúc biết đến dự án này, tôi đã xin làm tình nguyện viên để giúp đỡ các chị. Tôi thấy đây là việc làm nhỏ của mình giúp đưọc rất nhiều thứ. Vì là đàn ông nên tôi không giỏi thêu thùa, tôi cùng hai người bạn của mình phụ trách việc chụp ảnh sản phẩm, đi giao hàng. Tôi cảm thấy rất vui vì việc mình làm rất có ích cho cộng đồng”, anh Nguyễn Công Khoa (34 tuổi, trú quận Hải Châu, Đà Nẵng) nói.