Đại biểu Nguyễn Huy Thái – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu |
Phân tích chuyên sâu về vấn đề chất thải rắn sinh hoạt, đại biểu Nguyễn Huy Thái – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu chỉ rõ, theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, bắt đầu từ ngày 1/1/2025 thì chất thải rắn sinh hoạt sẽ được phân loại tại nguồn, cụ thể là tại từng hộ gia đình rồi sau đó thì thu gom, vận chuyển, tập kết và xử lý. Và nếu trong trường hợp vi phạm ở tại hộ gia đình thì mức xử phạt có thể lên tới một triệu đồng một hộ gia đình. Tuy nhiên đại biểu cho rằng, cần phải có lộ trình để thực hiện, từ nâng cao nhận thức của người dân cho đến tất cả các quy trình tiếp theo.
Để thực hiện phân loại rác ngay tại hộ gia đình thì mỗi hộ gia đình phải có ít nhất ba thùng rác. Loại rác thứ nhất là rác có thể tái chế được, loại rác thứ hai là rác hữu cơ, loại rác thứ ba là rác vô cơ. Tuy nhiên cho đến nay, trong lộ trình thực hiện các địa phương đang còn rất lúng túng. Đó là mặc dù các văn bản luật và các văn bản pháp quy, các thông tư, nghị định có rồi nhưng hướng dẫn để cho các địa phương có quy trình thực hiện thì còn những khó khăn.
Đại biểu cũng chỉ ra rằng, theo thống kê của ngành tài nguyên môi trường, mỗi một ngày Việt Nam chúng ta phát sinh khoảng 60.000 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó 60% là rác thải ở đô thị và dự báo cho đến năm 2025, chỉ còn một năm nữa thôi thì dự báo rằng 60.000 tấn này sẽ tăng lên từ 10 - 15%. Để các địa phương có cơ sở thực hiện lộ trình thì Bộ chủ quản phải xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn thi hành, tuy nhiên việc này đang còn chậm trễ.
Đại biểu cũng băn khoăn, văn bản hướng dẫn đã chậm rồi nhưng ngay trong Luật hiện nay cũng còn vướng mắc. Ví dụ như có những địa phương đã có hoạt động phân loại rác tại nguồn, nhưng có những địa phương hiện nay chưa có hoạt động phân loại rác tại nguồn, phạm vi điều chỉnh của dự thảo thông tư hiện nay mới chỉ quy định cho vấn đề rác sau phân loại.
Nhưng từ trước đến nay có những địa phương chưa tiến hành phân loại được. Do đó, đại biểu kiến nghị cần bổ sung một số trường hợp, một số tỉnh thành chưa phân loại rác thì áp dụng định mức kinh tế xã hội nào? Từ áp dụng được mức kinh tế đó thì mới có cơ sở để tiến hành phân loại, mới có sản phẩm để áp dụng cho các vấn đề sau phân loại. Theo đại biểu, hiện nay mới chỉ khoảng 2,3 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương là có mô hình này để có thể các địa phương khác áp dụng và học tập.
Đại biểu Nguyễn Văn An – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình |
Bên cạnh đó, trong quy trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt, luật mới chỉ đề cập đến hai quy trình. Đó là quy trình xử lý rác bằng phương pháp đốt phát điện và quy trình bằng phương pháp đốt không thu hồi năng lượng. Đại biểu kiến nghị xem xét, bổ sung quy trình, quy định đối với vấn đề về phương pháp đốt thu hồi năng lượng đối với khâu xử lý rác.
Ngoài ra, đại biểu cũng chỉ rõ, theo tinh thần, Luật Bảo vệ môi trường 2020 khuyến khích xử lý chất thải rắn sinh hoạt hữu cơ ở nông thôn thành phân bón vi sinh và trong thực tế. Nhưng thực tế hiện nay thì đầu ra của dạng phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh thiếu tính ổn định. Đại biểu kiến nghị Chính phủ và Bộ chủ quản hướng dẫn cụ thể vấn đề này, nhất là quan tâm đến vấn đề bao tiêu sản phẩm và vấn đề thị trường tiêu thụ đối với loại rác hữu cơ và phân bón vô cơ này.
Liên quan đến vấn đề phân bón, một số đại biểu cũng cho biết, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, có ý kiến đại biểu chỉ ra rằng, hiện nay tập quán sử dụng phân bón hữu cơ chủ yếu được bà con nông dân miền Bắc và bà con nông dân miền Trung áp dụng tương đối phổ biến. Tuy nhiên, ở khu vực có đồng bằng sông Cửu Long thì bà con còn chưa có rộng rãi áp dụng cái vấn đề này.
Theo phân loại phân bón, cũng có một số loại phân bón vi sinh, một số loại phân bón hữu cơ nhưng trong tập quán sử dụng phân bón thì hiện nay bà con cũng chưa hoàn toàn sử dụng phân bón hữu cơ. Trong khi theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, chúng ta nên cố gắng để bảo vệ độ phì nhiêu, bảo vệ đất đai cũng như hạn chế vấn đề phân giả, thuốc trừ sâu, các loại vật tư nông nghiệp giả, v.v... và ổn định thị trường.
Do đó, các ý kiến đại biểu đề nghị cần có những hướng dẫn cụ thể để người nông dân đồng bằng sông Cửu Long có áp dụng được theo khuyến cáo này, để giải quyết được bài toán đầu ra cho rác thải sinh hoạt hữu cơ tại nông thôn và giải quyết được đầu ra cho đồng ruộng trong vấn đề sử dụng phân bón vi sinh.
Cùng nghiên cứu về vấn đề xử lý rác thải rắn, đại biểu Nguyễn Văn An – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình nhấn mạnh, trong vấn đề bảo vệ môi trường thì trọng tâm cần xử lý là rác thải rắn và rác thải sinh hoạt. Theo báo cáo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, công tác quản lý chất thải rắn còn nhiều hạn chế.
Thứ nhất, việc thu gom, xử lý chất thải rắn tại các khu nông nghiệp, khu vực nông thôn bằng hình thức chôn lấp, hiện nay còn rất là cao, chiếm tới 64 %.
Thứ hai, nhiều địa phương còn tồn tại các bãi rác thải tạm, bãi rác thải trung chuyển và lò đốt rác của chúng ta cũng không đạt yêu cầu.
Thứ ba, nhiều bãi chôn lấp rác thải ở một số thành phố đã quá tải và nguy cơ là ô nhiễm môi trường thường xuyên, vấn đề này gặp rất nhiều phản ánh từ người dân.
Đại biểu cũng cho biết, một vấn đề hết sức nan giải hiện nay là chúng ta chậm triển khai xử lý rác thải ở địa phương, chính là xử lý việc phân nguồn rác thải. Hạ tầng mà chúng ta thu gom, xử lý rác thải không đồng bộ, thiếu quy hoạch và dẫn đến việc không đảm bảo đúng quy định tại khoản 1 Điều 79 của Luật Bảo vệ môi trường về thời gian thực hiện phân loại rác thải. Tổng lượng rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý tại khu đô thị còn rất thấp và chỉ đạt được khoảng 17%. Hầu hết các khu dân cư nông thôn chưa có hệ thống thu gom nước thải tập trung.
Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo địa phương rà soát, đảm bảo yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, thu gom và vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; nước thải sinh hoạt đô thị, khu dân cư tập trung, nước thải ở các khu, cụm công nghiệp. Đồng thời đề nghị xem xét trong Nghị quyết kỳ họp Quốc hội có nội dung yêu cầu Chính phủ chỉ đạo thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, trong đó có việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Đưa giám sát môi trường vào giám sát tối cao là “đúng thời điểm” và “trúng vấn đề” |
Quốc hội quyết định giám sát tối cao về bảo vệ môi trường |
Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia đến 2030 |