Kiểm tra vườn sầu riêng chuẩn bị tới ngày thu hoạch tại Đắk Lắk. |
Bất cập khi doanh nghiệp chờ giá giảm nông dân đợi giá tăng
Mặc dù hiện tại mùa sầu riêng Đắk Lắk không thuận lợi, trái hỏng rụng nhiều, song đây cũng vẫn là mùa sầu riêng chín rộ ở các địa bàn khác. Vì vậy, nếu không thu mua được tại địa bàn tỉnh, thương lái vẫn dễ dàng tìm được các nguồn cung ứng hàng chất lượng không thua kém; các vườn trồng không thể viện dẫn giá cao vì lý do mất mùa.
Các doanh nghiệp cho biết, với các đơn hàng xuất khẩu, giới thương lái xuất sang Trung Quốc đều không mua khi giá sầu tăng trên 70.000 đồng/kg sầu riêng Thái loại A. Bởi lẽ nếu cộng thêm chi phí doanh nghiệp bỏ ra cho thu hoạch, vận chuyển, làm hàng… bình quân vượt hơn 25.000 đồng/kg, tính ra giá sầu riêng vượt cao hơn các năm trước rất nhiều.
Tất cả đang tạo nên áp lực lớn cho các doanh nghiệp thu mua, chế biến sầu riêng. Một số đơn vị khẳng định họ hoàn toàn “đứng hình” vì không thể cân nhắc được nên làm sao. Giá cao, doanh nghiệp chấp nhận đơn giá sẽ làm không có lãi. Nhưng không làm hàng, doanh nghiệp vẫn gánh chịu chi phí vận hành, tiền lương cho công nhân… không hề ít. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, đây là một áp lực không đơn giản.
Quan trọng hơn, nội trong vòng 10 ngày tới, nếu giá sầu riêng giảm, các doanh nghiệp có thể thu mua thì lại quá tải năng lực sản xuất. Lượng hàng thu gom về nhiều, nhân công và kho bãi có hạn, chắc chắn doanh nghiệp không kịp đáp ứng tốt các đơn hàng. Thị trường như vậy có nguy cơ “vỡ trận” thực sự, nông dân có chấp nhận bán tháo sầu riêng cũng không kịp giải phóng các vườn trồng.
Thương lái thu mua sầu riêng tại "thủ phủ" sầu riêng Krông Pắc. |
Ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk quan ngại, thời gian đi qua đang rất nhanh, mùa vụ sầu riêng chín rộ đã tới. Nếu giữa các doanh nghiệp và nông dân không khẩn trương hợp tác điều đình lại giá mua bán, tình hình sẽ xấu đi. Đến lúc “vỡ trận”, không chỉ có nông dân thua lỗ nặng nề, mà doanh nghiệp cũng vỡ các kế hoạch sản xuất, mất đơn hàng xuất khẩu, thiệt hại sẽ rất lớn, và đặc biệt uy tín thị trường sầu riêng Đắk Lắk sẽ bị tổn hại nghiêm trọng.
“Hàng nghìn tấn sầu riêng sẽ có nguy cơ phải đổ bỏ, nếu tâm lý nông dân hiện nay vẫn quá cả tin vào các tin đồn thổi trên thị trường. Có không ít thông tin cho rằng phía Trung Quốc đang “rất hút” sầu riêng nên các đơn hàng đều đã thu mua hết rồi, thương lái và doanh nghiệp chế biến chỉ đang "ghìm hàng" để đợi giá xuống tăng lợi nhuận. Song điều đó là không chính xác. Hiện tại, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nào cũng đang rất sốt ruột vì bạn hàng từ chối tiếp nhận hàng trễ và không chịu giá cao. Nếu nông dân, các chủ vườn không thấy rõ vấn đề, tình hình sẽ rất nan giải”, bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Giám đốc Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm chia sẻ như vậy. Bà Thanh nhấn mạnh, do tin sẽ bán giá cao, hầu như các vườn trồng đều đang từ chối các doanh nghiệp thu mua, chế biến xuất khẩu như đơn vị của bà.
Rõ ràng với hiện trạng đến nay, thị trường tiêu thụ sầu riêng tại Đắk Lắk là bất ổn. Điều này cần được nhìn nhận thấu đáo và cần có sự vào cuộc, quan tâm cụ thể từ các cơ quan quản lý, tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp và sản xuất canh tác cho nông dân. Cần nhanh chóng có những động thái hợp tác giải phóng các vườn sầu riêng trước thời điểm chín rộ, kịp tổ chức các đơn hàng xuất khẩu bảo đảm chất lượng, của cả các bên mua và bán.
Tăng cường kiểm soát ở những "điểm nóng" sầu riêng
Đắk Lắk hiện có 22.500 ha sầu riêng, với sản lượng trên 200.000 tấn, thời gian thu hoạch từ cuối tháng 7 đến tháng 10 hằng năm. Một số địa phương có diện tích trồng sầu riêng lớn như huyện Krông Năng, Krông Pắc, Cư M’gar, Ea H’leo, Krông Búk, thị xã Buôn Hồ...
Tại "thủ phủ sầu riêng" của tỉnh là huyện Krông Pắc, hiện nay, ngoài việc hướng dẫn bà con chăm sóc tốt vườn sầu riêng đang bước vào giai đoạn thu hoạch để nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, thì chính quyền địa phương cũng tăng cường công tác tuần tra bảo vệ các khu vực sản xuất của người dân; sử dụng hệ thống loa, đài tuyên truyền đến toàn thể bà con nâng cao cảnh giác, không được chủ quan, lơ là, nhất là thời điểm sầu riêng chuẩn bị thu hoạch. Ngoài ra, nhiều hộ dân đã đầu tư thêm hệ thống đèn điện, camera giám sát để kịp thời phát hiện người lạ ra vào rẫy, chủ động liên kết với các nhà rẫy xung quanh hợp sức bảo vệ loại cây có giá trị kinh tế cao này.
Tới thời điểm này, kho bãi tập kết sầu riêng mọc lên khắp nơi, các đoàn xe và người mua người bán tấp nập cùng giá sầu riêng cao kỷ lục, dự kiến sẽ đem lại cho Thủ phủ sầu riêng Krông Pắc hàng nghìn tỷ đồng. Song song với cơ hội, mùa vụ thu hoạch sầu riêng cũng tạo ra những áp lực đối với địa phương, nhất là trong công tác quản lý thị trường, giữ gìn an ninh, trật tự và đảm bảo cạnh tranh lành mạnh.
Theo ông Trần Quốc Vĩnh, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Krông Pắk, năm nay theo dự báo thì bà con Krông Pắk sẽ có tối thiểu khoảng 80.000 tấn sầu riêng. Với một sản lượng lớn như vậy mà giá cả hiện nay thì đang rất là cao. Do vậy mà hiện nay gần như là hàng ngày, hàng giờ là mọc lên rất nhiều kho bãi để là thu mua, chế biến, cấp đông, vận chuyển để đảm bảo được sản phẩm sấu riêng đạt chất lượng cao nhất để xuất khẩu cũng như là chế biến để phục vụ cho thị trường trong nước. Từ cái hiệu quả cao như vậy thì rất nhiều doanh nghiệp từ trong và ngoài nước đến đây để làm ăn.
Chính quyền và Hiệp hội sầu riêng cùng vào cuộc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đảm bảo vụ sầu riêng an toàn hiệu quả. |
Để tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự trong mùa thu hoạch sầu riêng, UBND các huyện trọng điểm trồng sầu riêng của tỉnh đã có văn bản chỉ đạo công an các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát động phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" nhằm tuyên truyền, cảnh báo những phương thức, thủ đoạn của các đối tượng tội phạm nổi lên trong mùa thu hoạch sầu riêng; tăng cường tuần tra, kiểm soát ban đêm tại các địa bàn trọng điểm, tập trung vào những rẫy sầu riêng xa nhà dân; làm tốt công tác quản lý cư trú đối với doanh nghiệp, người lao động ở nơi khác đến địa bàn trồng, kinh doanh sầu riêng; kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động thu mua, tiêu thụ sầu riêng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, nhất là hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, giả mạo mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Theo Sở NN-PTNT, để giúp người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh trong vụ sầu riêng 2023, Sở đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các doanh nghiệp, HTX, cơ sở kinh doanh thu mua sầu riêng và các tổ chức, cá nhân có mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu trên địa bàn hỗ trợ nông dân sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ theo tiêu chuẩn quy định; có cơ chế thu mua phù hợp với phân hạng quả sầu riêng, không ép giá; liên kết thu mua sản phẩm sầu riêng cho nông dân thông qua hợp đồng kinh tế theo đúng quy định hiện hành. Đối với các tổ chức, cá nhân đã được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu cần phải quản lý chặt chẽ đối với chất lượng của sản phẩm, đảm bảo chất lượng sản phẩm xuất khẩu, giữ uy tín trên thị trường./.