Rau mồng tơi là một loại rau khá phổ biến ở nước ta, là loại rau trồng vào các mùa khác nhau, nhưng ngon nhất là vào mùa hè.
Đây là loại rau được các bà nội trợ thường xuyên sử dụng trong thực đơn ăn uống của gia đình. Bởi trong rau mồng tơi có nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khoẻ và giúp phòng chống được nhiều bệnh. Bài viết dưới đây giúp bạn đọc hiểu hơn về tác dụng, cũng như cách dùng của cây rau mồng tơi.
Đặc điểm của rau mồng tơi
Rau mồng tơi tên khác là mùng tơi, lạc quỳ. Tên khoa học là Basella alba L, họ mồng tơi.
Cây mồng tơi thuộc dạng dây leo, dài khoảng 1.5m-2m và sống được từ 1-2 năm. Thân mồng tơi mọc cuốn, có phân nhánh, có màu xanh nhạt hoặc tím nhạt
Cây rau mồng tơi |
Lá rau mồng tơi mọc đơn, mẫm, so le, có cuống, phiến lá hình trứng, phần đầu nhọn, phía cuống bằng hoặc hơi hẹp lại, dài 3 – 12cm, rộng 2 – 6cm.
Cụm hoa hình bông nhỏ mọc ở kẽ lá, có màu trắng hoặc tím đỏ nhạt. Những bông hoa ở dưới sẽ to hơn, hoa phía trên dài và gầy hơn. Quả mồng tơi nhỏ hình trứng hoặc hình cầu, dài khoảng 5mm, quả có màu xanh lúc xanh và chuyển màu tím đen khi lúc.
Cây mồng tơi nguồn gốc từ các nước nhiệt đới của châu Á và châu Phi. Tại Việt Nam, mồng tơi mọc hoang rất nhiều và được trồng cho leo hàng rào, leo giàn để lấy rau ăn.
Thành phần hoá học
Trong rau mồng tơi có vitamin A3, vitamin B3, vitamin C, calci, magie và vài chất chống oxy hóa, chất saponin, chất nhầy và chất sắt cùng các acid amin thiết yếu như arginin, isoleucine, leucine, lysin.
Tác dụng của rau mồng tơi
Theo y học trong thành phần của rau mùng tơi có nhiều chất có lợi cho sức khoẻ, vì vậy rau mùng tơi được sử dụng để phòng và trị một số bệnh như:
Trị bệnh trĩ: Nếu bạn bị trĩ nhẹ thì có thể sử dụng mồng tơi như sau: Lấy một nắm lá mồng tơi rửa sạch, giã nát nhuyễn cùng vài hạt muối đắp vào chỗ trĩ sưng, đồng thời nấu canh mồng tơi ăn với cá diếc (ăn cả nước và cái).
Tăng sữa cho sản phụ sau sinh: Phụ nữ sau khi sinh ít sữa, ăn rau mồng tơi sẽ nhiều sữa hơn. Trong rau mồng tơi có các vitamin A3, B3, chất saponin, chất nhầy và chất sắt nên tốt cho thai phụ… Món ăn nấu từ mồng tơi với gà ác, đậu đen ninh nhừ ăn nóng sẽ giúp sản phụ nhiều sữa, mau hồi phục sức khỏe, có làn da hồng hào, tóc đen mượt.
Trị núm vú sưng: Dùng rau mồng tơi giã nát đắp chữa vú sưng, nứt, giải độc.
Thanh nhiệt, giải độc, chữa táo bón: Lấy một nắm lá mồng tơi rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt pha thêm một ít nước đun sôi để nguội uống một lần. Sau vài lần uống sẽ đại tiện dễ. Hoặc rau mồng tơi 500g, cho mắm, muối, tương nấu thành canh ăn cơm hằng ngày. Sử dụng vài ngày là đại tiện sẽ thông, không còn táo bón.
Trị vết thương, trị đau nhức xương khớp: Nước cốt từ rau mùng tơi có thể làm mau lành vết bỏng và hầm mùng tơi với chân giò thêm chút rượu để ăn hàng ngày sẽ giúp trị đau nhức xương khớp.
Chữa yếu sinh lý nam giới: Rau mồng tơi, rau ngót, rau má, bộ lòng gà hay vịt, nấu canh ăn nóng sẽ giúp trị chứng yếu sinh lý ở nam giới hiệu quả.
Rau mồng tơi giúp chữa yếu sinh lý nam giới |
Giúp da tươi nhuận, hồng hào: Lá mồng tơi còn có tác dụng dưỡng da. Ăn rau mồng tơi giúp lưu thông khí huyết, nhuận tràng, giúp da dẻ mịn màng, tươi trẻ. Hoặc để dưỡng da, làm mịn nếp nhăn ở mặt, chống thô ráp có thể lấy vài lá mồng tơi non giã lấy nước cốt, cho vài hạt muối, thoa đều lên mặt vài lần trước khi đi ngủ.
Chữa khí hư, suy nhược: Gà ác 1 con, lá mồng tơi 1 nắm, đậu đen 1 nắm, ninh nhừ ăn nóng cả nước và cái. Tuần ăn 1- 2 lần. Khi thấy có kết quả, cho thêm một nắm đậu nành, 2 nắm lạc. Người bị đau dạ dày, ợ chua ăn cũng tốt.
Giảm chất béo, cholesterol: Chất nhầy của rau mồng tơi có tác dụng hấp thu cholesterol, cholesterol nội sinh và ngoại sinh đều bị giữ lại trong ruột. Vì cholesterol bị khóa hoạt tính nên chất béo trong thực phẩm không ngấm được qua màng ruột, cholesterol sẽ bị thải ra ngoài qua phân. Do đó, ăn rau mồng tơi giúp thải chất béo, tốt cho người có mỡ và đường trong máu cao.
Ăn rau mồng tơi giúp giảm béo |
Trị hơi thở nóng khó chịu: Nếu bị chứng mũi thở phì phò ra hơi nóng rất khó chịu thì nấu canh rau mồng tơi thái nhỏ cùng cua đồng giã nát lọc bã ăn vào các buổi trưa.
Chữa chảy máu cam: Mồng tơi tươi giã nát rồi lấy bông thấm vào nước cốt nhét vào lỗ mũi bên chảy máu, máu sẽ cầm ngay.
Trị đầy bụng: Rau mồng tơi 50g, rau đay 50g, khoai sọ 1 củ (bóc vỏ thái nhỏ) nấu canh ăn vài ba ngày. Hoặc dùng 4 loại rau sau đây với lượng bằng nhau là : Mồng tơi, đay, rau khoai, rau má nấu thàn canh.
Chữa đinh nhọt: Lá rau mồng tơi tươi, giã nát, đắp vào chỗ bị bệnh, ngày thay 2 - 3 lần.
Trị chứng đi tiểu nóng buốt: Lấy lá mồng tơi cho vào cối sạch giã nát, vắt lấy nước cốt pha thêm một ít nước đun sôi để nguội và vài hạt muối rồi uống lúc sáng. Bã dùng để đắp vào bụng dưới.
Lá rau mồng tơi chữa đinh nhọt |
Lưu ý khi sử dụng mồng tơi
Rau mồng tơi là loại rau có lợi cho sức khoẻ, tuy nhiên nếu không sử dụng đúng cách lại có hại cho sức khoẻ. Dưới đây là một số lưu ý khi sử dụng rau mồng tơi:
Không ăn rau mồng tơi chưa chín kỹ: Nấu chín rau mồng tơi giúp loại bỏ vi khuẩn, kí sinh trùng từ đó giúp cơ thể hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn. Đồng thời còn hạn chế tình trạng bị đầy bụng, đau bụng do khó tiêu và các bệnh liên quan đến tiêu hóa khác.
Không ăn canh rau mồng tơi để qua đêm: Vốn dĩ trong rau mồng tơi đã chứa lượng lớn nitrat, nếu để món canh rau mồng tơi qua đêm thì chúng sẽ biến đổi thành nitrite - chất có nguy cơ gây ung thư, ngộ độc, rất ảnh hưởng tới sức khỏe nếu thói quen này không được loại bỏ.
Không ăn quá nhiều rau mồng tơi: Rau mồng tơi ngoài tác dụng là cải thiện hệ tiêu hóa, làm mát cơ thể... Tuy nhiên nếu ăn quá nhiều rau mồng tơi chắc chắn sẽ gây ra tác dụng ngược lại. Bản thân rau mồng tơi có chứa hàm lượng cao axit oxalic nên khuyến cáo chỉ ăn khoảng 2 lần trong tuần.
Người đang bị tiêu chảy không nên ăn mồng tơi: Dù có tác dụng cải thiện hệ tiêu hóa, chống táo bón, nhưng rau mồng tơi được khuyến cáo không dành cho người bị bệnh tiêu chảy hay đại tiện lỏng, nếu không bệnh tình sẽ càng không được cải thiện.
Người bệnh gút nên tránh ăn nhiều mồng tơi: Người mắc các bệnh về xương khớp, đặc biệt là bệnh gút được yêu cầu tránh xa hoàn toàn loại rau này, bản thân thứ rau có khả năng khiến cơ thể tích tụ axit uric và làm tình trạng bệnh thêm đi xuống.
Không ăn rau mồng tơi kết hợp thịt bò: Trong nấu ăn, nếu có thịt bò thì không có rau mồng tơi và ngược lại. Đây là điều tiên quyết bởi sự kết hợp của chúng khiến hệ tiêu hóa hoạt động kém hơn và người bị bệnh như táo bón sẽ không được cải thiện.
Mắc bệnh thận không nên ăn rau mồng tơi: Do chứa nhiều purin - hợp chất khi được hấp thụ vào cơ thể sẽ biến thành axit uric, làm tăng nguy cơ sỏi thận hình thành. Vậy nên rau đay mồng tơi được khuyến cáo không nên ăn với những người mắc bệnh thận.
Người bệnh đau dạ dày không nên ăn rau mồng tơi: Liên quan đến bệnh dạ dày, không nên ăn rau mồng tơi bởi chúng sẽ làm bệnh không hề khả quan hơn hơn, các triệu chứng như: Khó tiêu, đầy hơi, đau bụng sẽ chỉ trầm trọng hơn.
Hy vọng với những thông tin mà Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm cung cấp sẽ giúp bạn đọc có sự lựa chọn thêm cho mình về thực đơn hàng ngày trong khẩu phần dinh dưỡng của gia đình. Tuy nhiên để phát huy hết tác dụng của loại rau loại này, thì nên gặp các chuyên gia y tế để tư vấn thêm.