Cà đắng là loại cây rừng, mọc ở chân núi, sườn đồi |
Cà đắng là loại cây rừng, mọc ở chân núi, sườn đồi hoặc trong nương rẫy như cây cỏ. Thân và lá có gai nhỏ, hoa màu tím, quả nhỏ hình tròn có vị đắng. Về sau người Êđê và cả người Kinh mang cây cà đắng về vườn nhà trồng như một loại cây thực phẩm.
Đến với vùng đất Tây Nguyên, bạn không khó để bắt gặp cây cà đắng cao quá đầu người, cành lá sum suê mọc dại dọc các tuyến đường hoặc trên các triền đồi.
Quả cà đắng có kích thước cỡ bằng đầu ngón tay, vỏ màu xanh, nhiều hạt bên trong ruột, phần cuống nhiều gai nhọn. Hằng năm, cứ từ tháng 3 đến tháng 10 âm lịch, nhất là từ tháng 5, cây sẽ ra hoa kết trái.
Sở dĩ có tên gọi vậy vì vị đắng đắng rất đặc trưng mà loại cà này có được. Do đó, chúng thường được người dân chế biến theo nhiều cách khác nhau. Trong văn hóa của cư dân bản địa các dân tộc Ê Đê, M’ Nông, Gia Rai … cà đắng là món ăn không thể thiếu trong nét ẩm thực của người đồng bào.
Quả cà đắng có kích thước cỡ bằng đầu ngón tay |
Theo kinh nghiệm của nhiều dân tộc thiểu số Ê Đê, C'Ho, M'Nông...cà đắng sở hữu vị đắng giúp tăng sức đề kháng, tăng cường khả năng chống chọi, phòng ngừa nhiều loại bệnh, đặc biệt là những bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, bệnh thống phong, xương khớp…
Trước đây, cà đắng là một thực phẩm quen thuộc trong bữa cơm hàng ngày của người dân tộc Ê đê. Ngày nay, những món ăn từ cà đắng đã trở thành đặc sản trong các nhà hàng đặc sản Tây Nguyên, với nhiều món ăn nổi tiếng như cà đắng hầm giò heo, canh cà đắng, cà đắng nướng dầm nước mắm... Nhưng món ăn được nhiều người ưa thích nhất phải kể đến là gỏi cà đắng cá khô vì giữ được vị đắng đặc trưng của loại quả này.
Cách làm gỏi cà đắng cá khô dân dã đậm đà hương vị Tây Nguyên
Nguyên liệu: 200 gr cà đắng, 100 gr cá khô, rau thơm, rau răm, ớt, tỏi, chanh, nước mắm, đường, bột ngọt
Cách chế biến gỏi cà đắng cá khô
Sơ chế các nguyên liệu
Cà đắng bạn rửa sạch sau đó bạn bổ đôi trái cà và thái mỏng quả cà đắng.
Sau khi thái cà bạn ngâm cà vào nước muối loãng và 1 ít nước cốt chanh. Việc này giúp cà đắng giảm bớt bị đắng và hăng ngái của cà.
Rau răm và rau thơm bạn nhặt lá bỏ cọng. Sau đó rửa sạch với nước rồi để ráo. Tỏi bạn lột bỏ vỏ, băm nhỏ tỏi rồi để ra chén riêng.
Đối với cá khô, bạn rửa sạch cá, ngắt bỏ đầu cá rồi để ráo. Nếu bạn dùng cá khô lớn thì nên xé tơi cá ra nhé.
Rang cá cơm khô
Sau khi cá khô ráo nước, bạn đặt chảo lên bếp. Mở lửa lớn và thêm 1 ít dầu ăn vào chảo. Khi dầu nóng già, bạn hạ lửa và cho cá khô vào rang giòn.
Khi cá khô vàng giòn bạn vớt ra để cho cá nguội.
Trộn gỏi
Cắt rau thơm và rau răm thành từng miếng nhỏ. Cắt ớt nhỏ, lượng ớt bạn có thể gia giảm theo khẩu vị gia đình.
Tiếp đến bạn vớt phần cà đã ngâm ra, vảy cho cà ráo nước rồi cho vào tô. Thêm cá khô và rau thơm, rau răm đã cắt nhỏ vào tô.
Cho vào chén 3 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng canh đường, 1 muỗng cà phê bột ngọt rồi khuấy đều. Thêm ớt và tỏi băm nhỏ vào chén. Khuấy đều rồi cho nước mắm vào tô gỏi.
Trộn đều cho phần gỏi ngấm nước mắm. Cho gỏi ra đĩa và vắt thêm chanh lên trên gỏi. Bạn nhớ khi nào ăn hẳn vắt chanh để tránh làm gỏi bị đắng quá nhé.
Thành phẩm
Gỏi cà đắng cá khô có vị đắng bùi thơm đặc trưng của hương vị Tây Nguyên. Bạn có thể ăn kèm món gỏi này cùng cơm nóng hoặc dùng để làm mồi nhắm cùng bia cũng rất ngon đấy.
Gắp một miếng gỏi cho vào miệng và thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận được sự tổng hòa của các hương vị. Đó là vị đắng của cà, vị mặn của cá khô, cái cay xé lưỡi của ớt, hương thơm của rau... Tất cả hòa quyện vào nhau làm nên món ăn đậm đà, ngon miệng mang hương vị độc đáo của núi rừng Tây Nguyên.