Cây chanh dây được kỳ vọng đem lại triệu đô la xuất khẩu cho tỉnh Gia Lai. |
Trên đường trở thành thủ phủ chanh dây
Tỉnh Gia Lai hiện có khoảng 21.500ha cây ăn quả, riêng chanh leo có khoảng 4.500ha. Dự kiến đến năm 2025, tỉnh này sẽ đưa diện tích chanh dây toàn tỉnh lên 20.000ha, trở thành “thủ phủ” chanh leo của cả nước.
Tại Việt Nam, chanh dây là một loại cây trồng tương đối mới, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mặc dù “sinh sau đẻ muộn” so với nhiều loại cây trồng khác trên địa bàn, nhưng xuất khẩu chanh dây của Việt Nam đang nằm ở tốp đầu thế giới.
Riêng với Gia Lai, thiên nhiên đã biệt đãi cho vùng đất này có điều kiện khí hậu ôn hòa, đất đai rộng lớn và màu mỡ, phù hợp với việc phát triển những cánh đồng chanh dây lớn. Theo đó những năm gần đây, cây chanh dây đã dần khẳng định được vị thế của mình đối với nông dân trên địa bàn tỉnh. Không ít hộ dân đã phất lên nhờ trồng chanh dây.
Vườn chanh dây của người dân tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai phát triển xanh tốt. |
Gia Lai là một trong những vùng trọng điểm trồng chanh dây của cả nước. Với lợi thế sẵn có như đất đai màu mỡ và rộng lớn, nông dân đã làm quen với các kỹ thuật canh tác cây chanh dây... Đây chính là cơ sở để tỉnh này đề ra tham vọng trở thành thủ phủ chanh dây của cả nước với mục tiêu 20.000ha chanh vào năm 2025.
Theo đó, tỉnh Gia Lai đã có chủ trương chuyển các diện tích trồng sắn, mía, điều, cao su kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Riêng chanh dây sẽ phát triển từ 4.500 ha hiện có lên 20.000 ha vào năm 2025, lớn nhất cả nước. Đây là loại cây trồng cho lợi nhuận cao, từ 350-400 triệu đồng/ha, giúp đảm bảo đời sống và sinh kế cho bà con nông dân.
Bên cạnh đó, tỉnh đã chủ trương áp dụng các tiêu chuẩn GlobalGAP trong tổ chức sản xuất với diện tích hiện tại khoảng 9.000ha, tập trung vào hai loại cây chủ lực là chanh dây và chuối. Với cây chanh dây, hiện Gia Lai đã có 51 mã số vùng trồng, 21 cơ sở đóng gói.
Ngoài ra, các giải pháp tích cực cũng được tỉnh chú trọng xây dựng như quy trình canh tác hữu cơ, tưới tiết kiệm đến thu hoạch khoa học, bảo quản an toàn… mục đích không nằm ngoài việc phát triển cây ăn quả một cách bền vững, trong đó có sản phẩm chanh dây.
Gia Lai đề ra mục tiêu 20.000ha chanh dây vào năm 2025. |
Diện tích chanh dây tăng nóng, địa phương “hãm phanh”
Dù lộ trình phát triển cây chanh dây được địa phương định hình khá rõ, tuy nhiên thời gian qua, tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Gai lai sảy ra hiện tượng ồ ạt chặt cà phê, hồ tiêu để trồng chanh dây. Diện tích chanh dây tăng nóng và chủ yếu do tự phát vì người dân thấy giá tăng cao và chanh dây cho lợi nhuận hơn cà phê, hồ tiêu.
Tại xã Ia Nhin (huyện Chư Păh) là một trong những địa phương có khí hậu, thổ những rất phù hợp trồng chanh dây nên năng suất cao, chất lượng tốt. Chính vì vậy, diện tích trồng chanh dây tại địa phương này ngày càng tăng mạnh trong những năm qua.
Giá chanh dây tăng cao giúp người trồng tăng lợi nhuận nên tích cực mở rộng diện tích. |
Ông Hoàng Văn Hòa (thôn Ia Sik, xã Ia Nhin) cho biết, vườn cà phê của gia đình trồng từ năm 1998 nên đã già cỗi, năng suất thấp, cần phải phá bỏ để thực hiện tái canh. Tuy nhiên, trước khi tái canh cà phê, phải mất hơn 1 năm thực hiện cải tạo đất bằng cách trồng những cây ngắn ngày. Sau đó, thấy phong trào trồng chanh dây ngày càng nhiều, giá cũng cao nên gia đình quyết định đầu tư trồng.
Năm ngoái, gia đình trồng 2 sào chanh dây cho thu hoạch hơn 4 tấn/sào, giá thời điểm bấy giờ gần 20.000 đồng/kg, gia đình thu về khoảng 150 triệu đồng. Năm nay, gia đình tiếp tục phá bỏ 3 sào cà phê già cỗi để trồng chanh dây. Tuy nhiên, do năm nay chanh dây bị sâu bệnh, dẫn đến năng suất giảm, doanh thu từ 3 sào chỉ khoảng 60 - 70 triệu đồng.
Ông Phạm Bá Năm, Chủ tịch UBND xã Ia Nhin cũng thừa nhận, trên địa bàn người dân đang đổ xô trồng chanh dây ở mức báo động. Ông Năm cho biết, hàng tháng họp giao ban, ông cũng đã yêu cầu các thôn trưởng định hướng, tuyên truyền người dân phải thận trọng với việc ồ ạt tăng diện tích trồng chanh dây. Trong đó, lo ngại nhật là vấn đề cung - cầu bị phá vỡ.
“Chanh dây đang cho lợi nhuận cao, chỉ cần làm 5 sào là đã cho doanh thu cao hơn trồng 2ha cà phê nên người dân ồ ạt trồng. Biết rằng, các hộ dân chủ yếu phá bỏ cà phê già cỗi để trồng chanh dây, với ý định 1 - 2 năm sau sẽ quay lại tái canh cà phê. Tuy nhiên, cây chanh dây chưa thực sự bền vững nên chúng tôi khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích trồng thuần mà chỉ nên trồng xen canh với các loại cây khác”, ông Năm chia sẻ.
Chanh dây Gia Lai đang khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới. |
Theo ông Võ Minh Quang, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mang Yang cho biết, việc người dân phát triển diện tích trồng chanh dây được các địa phương khuyến cáo không nên vì lợi nhuận trước mắt mà ồ ạt mở rộng diện tích. Vì hiện nay, việc sản xuất của người dân còn thiếu gắn kết chặt chẽ với cơ sở chế biến.
Đa phần diện tích trồng chanh dây còn ở quy mô nông hộ, trồng xen cùng các loại cây khác hoặc tận dụng diện tích tái canh cây cà phê để trồng, do vậy chưa hình thành các vùng sản xuất có quy mô lớn theo hướng bền vững.
Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, cho biết để đưa cây chanh dây trở thành "cây trồng triệu đô," trong thời gian tới tỉnh Gia Lai sẽ nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với nhau để tạo vùng nguyên liệu, xây dựng những vùng trồng. Từ đó, các doanh nghiệp, người dân của Gia Lai sản xuất trái chanh dây có trách nhiệm và chất lượng để phục vụ cho việc xuất khẩu. Ngành nông nghiệp cùng với các doanh nghiệp sản xuất các khu giống để phát triển cây chanh dây bền vững./.