Trồng chanh dây từng hấp dẫn và là cứu cánh người dân sau nhiều vụ mùa cà phê thất bát, lỗ vốn. |
Chanh dây xuất khẩu cao gấp 10 lần chanh dây thường
Thời gian qua, giá chanh dây xô ở Gia Lai tiếp tục đà giảm sâu xuống chỉ khoảng 3.000 đồng/1kg. Trong khi đó, giá trái chanh dây xuất khẩu vẫn ở mức 35.000 đồng/1kg. Điều này khiến đa số người trồng chanh dây ở Gia Lai lo lắng, nhưng cũng là cơ hội để bà con tái cơ cấu lại sản xuất theo hướng gia tăng chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Anh Lê Văn Tuấn, ở xã Ia Kha (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) có 1,5 ha chanh dây đang thu hoạch. Anh cho biết, tổng sản lượng của vườn đạt khoảng 15 tấn, trong đó 5 tấn là loại xuất khẩu, bán được giá 35.000 đồng/1kg, còn 10 tấn chanh xô (hay còn gọi là chanh múc, chanh chiết dịch), chỉ bán giá 3.000 đồng/1kg. Anh Tuấn ước tính, nguồn thu năm nay chưa đủ lấy công làm lãi.
Theo anh Tuấn: "Chi phí phân thuốc cho chanh cao lắm, chiếm hơn một nửa. Hơn 10 ngày phải bón phân thuốc 1 lần. Tình hình giá cả thế này, mình định hướng phá bỏ vườn này, tuyển chọn giống thật sạch bệnh rồi chăm bón, lấy chanh đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thôi, không chú trọng chanh múc nữa”.
Người nông dân ở tỉnh Gia Lai bên vườn chanh dây sau khi phá bỏ diện tích cây cà phê. Ảnh: Thanh Tuấn |
Ông Trần Xuân Khải - Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật Gia Lai cho biết, hiện tỉnh có hơn 4.600ha chanh dây. Gia Lai có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển chuỗi giá trị chanh dây, với 5 nhà máy chế biến lớn, hàng chục cơ sở đóng gói, 32 mã vùng trồng. Định hướng đến năm 2025, tỉnh phấn đấu có vùng nguyên liệu chanh dây đạt 20.000 ha.
Tuy vậy, những năm qua, nông dân vẫn phập phồng nỗi lo chanh mất giá. Nguyên nhân là do sản lượng chanh dây tại Gia Lai đa phần là chanh xô, loại chiết dịch. Từ đầu năm 2023 tới nay, giá chanh xô giảm từ 18.000 đồng/1kg, xuống 5.000 đồng/1kg vào tháng 5, nay chỉ còn 3.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá chanh xuất khẩu quả loại 1 vẫn luôn ổn định trên 35.000 đồng/1kg trong suốt nhiều năm nay. Tín hiệu của thị trường cho thấy, ngành chanh dây ở Gia Lai cần phải được cơ cấu lại theo hướng nâng cao chất lượng.
Thay vì chặt bỏ cần tổ chức lại sản xuất, nâng tầm giá trị chanh dây
Tây Nguyên hiện là địa bàn trồng chanh dây lớn nhất cả nước với tổng diện tích gần 10.000ha; trong đó, Gia Lai hiện có khoảng 4.500ha trồng cây chanh dây, chiếm diện tích lớn nhất của cả nước.
Diện tích chanh dây hiện được trồng chủ yếu ở các địa phương như Đak Đoa (1.080ha), Ia Grai (962ha), Chư Prông (714ha), Chư Sê (474ha), Mang Yang (302ha), Kbang (211ha), Chư Pưh (149,1ha) và thành phố Pleiku (230 ha)... Cơ cấu giống chanh dây chủ yếu là Đài Nông 1, Đồng Giao 1 (ĐG1).
Ngoài ra, toàn tỉnh có hơn 2.470ha chanh dây ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; gần 2.500ha chanh dây sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Bên cạnh đó, việc cung ứng giống, thu mua, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ chanh dây đang được thực hiện hiệu quả đã và đang mở ra cơ hội lớn cho chanh dây phát triển.
Tỉnh đã bình tuyển, công nhận 8 vườn cây chanh dây đầu dòng với 1.195 cây, hàng năm có khả năng cung cấp khoảng 2,65 triệu hom giống, đảm bảo cho diện tích trồng mới từ 4.240-5.300ha/năm.
Ông Trần Xuân Khải cho biết: “Gia Lai tập trung đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất; tăng cường công tác khuyến nông theo quy trình nông nghiệp hữu cơ, sử dụng vật tư đầu vào tiết kiệm, hiệu quả, an toàn, xây dựng mã số vùng trồng kết nối bà con nông dân thực hành theo quy trình chung, tạo sản phẩm chanh dây đồng nhất chất lượng, số lượng lớn, đáp ứng yêu cầu thị trường các nước".
Người nông dân Gia Lai hy vọng có lợi nhuận hấp dẫn từ đầu tư trồng chanh dây. |
Tỉnh Gia Lai cũng đang nỗ lực cụ thể hóa mục tiêu 20.000ha chanh dây vào năm 2025, ngoài việc khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng giống, thu mua, chế biến sản phẩm, tỉnh Gia Lai còn có nhiều giải pháp đồng bộ như ưu tiên quỹ đất; xây dựng quy trình canh tác hữu cơ, tưới tiết kiệm đến thu hoạch khoa học, bảo quản an toàn... cho cây ăn quả một cách bền vững; trong đó có sản phẩm chanh dây.
Đặc biệt, tỉnh Gia Lai đã chủ trương áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP trong tổ chức sản xuất nông nghiệp với diện tích hiện tại khoảng 9.000ha, tập trung vào 2 loại cây chủ lực là chanh dây và chuối.
Cùng đó là những sự đầu tư xây dựng nhà máy, dây chuyền sản xuất đặc thù cho cây chanh dây càng mở ra cơ hội lớn cho cây chanh dây xây dựng vị thế.
Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, cho biết để đưa cây chanh dây trở thành "cây trồng triệu đô," trong thời gian tới tỉnh Gia Lai sẽ nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với nhau để tạo vùng nguyên liệu, xây dựng những vùng trồng.
Từ đó, các doanh nghiệp, người dân của Gia Lai sản xuất trái chanh dây có trách nhiệm và chất lượng để phục vụ cho việc xuất khẩu. Ngành nông nghiệp cùng với các doanh nghiệp sản xuất các khu giống để phát triển cây chanh dây bền vững./.