Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đại biểu tham quan khu trưng bày sản phẩm đặc trưng của địa phương. Ảnh: Tạ Quang |
Xây dựng hệ thống nông nghiệp hữu cơ
Sản xuất nông nghiệp giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế của Vĩnh Long. Đặc biệt, những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển với tốc độ khá theo hướng hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, đã tạo ra khối lượng nông, thủy sản hàng hóa lớn đảm bảo tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân trên 2%/năm, trong đó có một phần đóng góp của nông nghiệp hữu cơ.
Đến nay, tại Vĩnh Long đã xuất hiện nhiều mô hình sử dụng phân hữu cơ hoặc sản xuất theo hướng hữu cơ như: Cánh đồng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tân Tiến ở xã Mỹ Lộc (Tam Bình), mô hình sản xuất gạo hữu cơ thảo dược Tấn Đạt của HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt ở xã Trung Ngãi (Vũng Liêm), mô hình chuỗi giá trị lúa gạo hữu cơ tại HTX Nông nghiệp Làng hữu cơ Hiếu Thuận (xã Hiếu Thuận, huyện Vũng Liêm), mô hình trồng cam hữu cơ của HTX Nông nghiệp cam sành Organics huyện Trà Ôn…
Toàn tỉnh có 24 cơ sở sản xuất nông nghiệp- thủy sản và 31 trại, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm được chứng nhận các tiêu chuẩn sản xuất tốt, tiên tiến.
Trong đó, có 13 cơ sở sản xuất cây trồng (hơn 300ha), 2 cơ sở chăn nuôi và 9 cơ sở nuôi thủy sản thương phẩm (gần 6ha cá tra, 60.732m3 nuôi thủy sản lồng bè và 5,5ha nuôi thủy sản khác) được chứng nhận tiêu chuẩn GAP và tương đương.
Nhiều mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP trên cây ăn trái đặc sản được chứng nhận đạt mới hoặc tái chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP.
Điển hình trong các cơ sở nêu trên có thể kể đến HTX Nông nghiệp Làng hữu cơ xã Hiếu Thuận ở ấp Quang Mỹ, xã Hiếu Thuận (Vũng Liêm). Vào cuối tháng 7/2019, HTX ra đời với 24 thành viên, hoạt động chủ yếu là sản xuất lúa 3 vụ/năm trên diện tích 20ha, đến nay đã lên đến 35ha.
Bên cạnh hiệu quả từ sản xuất hữu cơ mang lại (nhất là cải thiện môi trường đồng ruộng ở khu HTX), nhờ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp nên hiệu quả kinh tế tăng lên đáng kể.
Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao giá trị gia tăng, phát triển kinh tế bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái và tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Kết quả bước đầu nêu trên tạo điều kiện cho tỉnh mở rộng loại hình sản xuất này trong thời gian tới.
“Vĩnh Long là nơi hội tụ các yếu tố của vùng ĐBSCL, vựa lúa, trái cây, thủy sản, tất cả đều có ở Vĩnh Long. Với vị trí tiếp giáp với 7 tỉnh, là trung tâm vùng, được bao quanh bởi sông Tiền và sông Hậu, là vùng đất hiền hòa, trù phú; có đường cao tốc, điều kiện giao thông tương đối thuận lợi. Là nơi địa linh nhân kiệt, truyền thống cách mạng hào hùng; nơi có văn hóa gạch gốm Mang Thít… Đó là những nét khác biệt và hiếm có mà Vĩnh Long cần khai thác, phát huy”, Thủ tướng chỉ rõ tại Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Vĩnh Long.
Cùng cả nước thúc đẩy tăng trưởng xanh
Thông tin tới hội nghị về các yếu tố nền tảng, định hướng lớn phát triển đất nước; thành tựu sau gần 40 năm đổi mới và các bài học kinh nghiệm trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; định hướng phát triển của Việt Nam thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, cùng với chuyển đổi số, Việt Nam lựa chọn tăng trưởng xanh là yếu tố cốt lõi của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển nhanh, bền vững.
“Kiên quyết không chấp nhận mô hình “tăng trưởng trước, dọn dẹp sau”; không tăng trưởng bằng mọi giá; chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển hệ sinh thái xanh, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp, chuyển đổi năng lượng...”, Thủ tướng chỉ rõ.
Cam sành Vĩnh Long. |
Với định hướng đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Vĩnh Long khẩn trương ban hành kế hoạch, triển khai Quy hoạch tỉnh; đảm bảo tính tuân thủ và đồng bộ trong tổ chức thực hiện quy hoạch; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành; với tầm nhìn dài hạn gắn với định hướng phát triển tổng thể, liên kết vùng, phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Vĩnh Long cần huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh hợp tác công tư, khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hệ thống đô thị; quan tâm, ưu tiên đầu tư cho giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số, đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với thế mạnh và định hướng phát triển của tỉnh; tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; bố trí đủ nguồn lực để thực hiện các công trình thủy lợi, cống ngăn mặn, kè chống sạt lở…
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Vĩnh Long đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; hoàn thiện tốt các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, chuẩn bị tốt các dự án, lĩnh vực mời gọi đầu tư để đón các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn, có tiềm năng; đồng thời, phát huy nội lực khai thác tốt hơn nữa tiềm năng để đột phá, vươn lên thành tỉnh khá, tỉnh thuộc nhóm phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm đời sống, sinh kế cho người dân.
Kết hợp sức mạnh của tỉnh với của vùng, với cả nước
Theo Thủ tướng, việc triển khai Quy hoạch của Vĩnh Long có điều kiện rất thuận lợi trên nền tảng chung của cả nước, với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử sau gần 40 năm đổi mới. Việt Nam đã thuộc nhóm 40 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới; chính trị - xã hội ổn định, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững.
Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với hơn 193 quốc gia, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Thường trực HĐBA LHQ, 7 nước thành viên G7, 16 thành viên G20; ký 16 FTA với hơn 60 nước).
Đặc biệt, mặc dù xu hướng FDI trên toàn cầu suy giảm, nhưng Việt Nam vẫn là một điểm sáng trong thu hút FDI. Năm 2023, thu hút FDI đạt gần 36,6 tỷ USD tăng 32,1%; vốn FDI thực hiện đạt gần 23,2 tỷ USD, tăng 3,5%. Trong 2 tháng đầu năm 2024, thu hút FDI đạt 4,3 tỷ USD, tăng 38,6%; vốn FDI thực hiện đạt 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% (Tính đến cuối tháng 2/2024, hiện còn trên 39,5 nghìn dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư trên 473 tỷ USD. Có 145 nước và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam).
Môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện. Xếp hạng môi trường kinh doanh năm 2023 tăng 12 bậc theo đánh giá của Tổ chức EIU. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023 xếp hạng 46/132, tăng 2 bậc so với năm 2022 theo WIPO. Chỉ số phát triển con người (HDI) tăng 8 bậc, từ vị trí 115 lên vị trí 107 (UNDP công bố tháng 3/2024). Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, xếp thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Chỉ số hạnh phúc năm 2024 xếp thứ 54, tăng 11 bậc so với năm 2023. Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam.
Thủ tướng khẳng định 5 bài học kinh nghiệm: Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; Sự nghiệp cách mạng của dân, do dân và vì dân; Tăng cường đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế; Kết hợp sức mạnh của tỉnh với của vùng, với cả nước; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong và ngoài nước; Vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định.
32 tỉnh, thành tham gia Festival Nông sản Việt Nam tại Vĩnh Long |
Vĩnh Long: Tiêu hủy 68.305 sản phẩm vi phạm |
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Vĩnh Long |