Hải Dương xuất khẩu 500 tấn cà rốt sang Hàn Quốc Lâm Đồng: Xây dựng vùng cà rốt sạch mang thương hiệu Xuân Thọ 'Thủ phủ' cà rốt Hải Dương chao đảo từ một lệnh cấm nhập khẩu |
Ông Phạm Văn Tới miệt mài đưa cây cà rốt đi khắp nơi chinh phục ruộng hoang. |
Đưa cây cà rốt Cẩm Giàng đi chinh phục đất hoang
Trên cánh đồng dọc theo triền đê sông Luộc thuộc địa phận thôn My Động 2, xã Hồng Phong (Thanh Miện, Hải Dương), mùa này bạt ngàn màu xanh của cà rốt. Với tổng diện tích khoảng 40 mẫu đều do vợ chồng ông Phạm Văn Tới ở xã Đức Chính (Cẩm Giàng) đứng ra canh tác.
Qua tìm hiểu được biết, cánh đồng này trước đây phần lớn người dân để hoang, cỏ mọc um tùm cao đến đầu người. Dù đất đai màu mỡ, phì nhiêu nhưng do trồng lúa cho hiệu quả kinh tế không cao nên người dân chẳng mấy mặn mà. Từ khi gia đình ông Tới về đây, đi thuê lại những thửa ruộng hoang để biến thành vùng trồng cà rốt lớn nhất huyện.
Vùng cà rốt bạt ngàn tại xã Hồng Phong không phải là cuộc di dời đi tìm vùng đất mới của ông Tới lần đầu tiên. Bởi hành trình này đã đeo đẳng ông suốt hơn chục năm nay.
Vùng trồng cà rốt của ông Tới được đầu tư hiện đại, cơ giới hóa các khâu sản xuất. |
Công cuộc di dời cây cà rốt đầu tiên của ông Tới là từ năm 2002. Hồi đó, gia đình ông Tới đến xã Đại Đồng (nay là xã Đại Sơn, Tứ Kỳ) để thuê lại hơn 10 mẫu đất ngoài sông Thái Bình. Với đôi bàn tay cần cù, chịu khó, vợ chồng ông Tới nhanh chóng biến vùng đất này thành nơi hái ra tiền từ trồng cà rốt. Do đất tốt nên cà rốt cho mẫu mã rất đẹp. Gia đình ông Tới trồng được bao nhiêu là thương lái ở khắp nơi đến thu mua hết.
"10 năm gắn bó với mảnh đất mới này đã cho gia đình tôi có của ăn, của để. Khi kinh tế khá giả tôi tính đến phương án mở rộng sản xuất. Nếu xã Đại Đồng không chuyển đổi vùng đất đó sang mô hình VAC, có lẽ đến bây giờ tôi vẫn bám trụ ở đó", ông Tới kể.
Bàn giao lại đất cho địa phương phục vụ chủ trương chuyển đổi, vợ chồng ông Tới quay về quê nhà tiếp tục canh tác cà rốt. Nhưng đất đai chật hẹp chỉ vỏn vẹn diện tích 6 sào cà rốt của gia đình. Bởi vậy vợ chồng ông quyết chí "di lý" cây cà rốt đến những vùng đất mới.
Năm 2018, cơ duyên đã đưa ông đến xã Điệp Nông (huyện Hưng Hà, Thái Bình). Tại đây, ông đã đứng ra thuê lại ruộng của hàng trăm hộ dân với tổng diện tích 50 mẫu. Có đất, ông huy động tất cả máy móc của gia đình để cải tạo, san gạt lại. Ngoài số tiền tích cóp được, ông còn đi vay hơn 2 tỷ đồng để đầu tư vào ruộng đồng. Nghĩ lớn, làm lớn nên toàn bộ quy trình sản xuất, ông Tới áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất đến thu hoạch.
Đến năm 2022, ông Tới tiếp tục tìm về xã Hồng Phong (Thanh Miện) để thuê đất làm giàu và cà rốt vẫn là cây chủ lực. Ông đã biến cánh đồng hoang hoá ngày nào trở thành vùng cà rốt ngút tầm mắt như hiện nay. Vừa qua, 5 mẫu cà rốt được gia đình ông Tới trồng sớm nhất đã cho thu hoạch với tổng sản lượng khoảng 25 tấn, giá bán mỗi cân 4.000 đồng. Diện tích này khi trồng gặp mưa lớn kéo dài nên chất lượng và năng suất không cao. Dự kiến gần 40 mẫu còn lại sẽ cho năng suất cao hơn vì thời tiết thuận lợi hơn.
Vượt khó nâng tầm cây cà rốt với khát vọng làm giàu
Hành trình đưa cây cà rốt đi chinh phục những vùng đất mới của vợ chồng ông Tới cũng gặp không ít chông gai. Một trong những "cú sốc" là thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát vừa qua. Năm đó 50 mẫu cà rốt bên Thái Bình đang đến vụ thu hoạch thì dịch bệnh bùng phát. Hải Dương lúc đó là tâm dịch của cả nước nên bị phong toả tạm thời.
Do không thể chuyển về xã Đức Chính để sơ chế, đóng gói và xuất khẩu nên hàng chục tấn cà rốt của gia đình ông Tới ùn ứ, chất đống ngoài ruộng. Tiếc của, vợ chồng ông mất ăn mất ngủ cả tuần trời. Mặc dù được cơ quan chức năng của Hải Dương và Thái Bình hỗ trợ thu mua nhưng thời điểm đó cà rốt đã rớt giá thảm hại. Vụ cà rốt năm 2020 vợ chồng ông gần như mất trắng.
Cây cà rốt trở thành cây chủ lực mở cơ hội làm giàu cho nhiều nông dân ở Hải Dương. |
Ngoài yếu tố thị trường thì thời tiết và thổ nhưỡng cũng là những rào cản lớn trong sản xuất nông nghiệp. Cứ mỗi lần di cư cây cà rốt đến vùng đất mới là những lần vợ chồng ông Tới mất ăn, mất ngủ. Vì không phải là người bản địa nên ông Tới không thể nắm được chỗ nào đất tốt, đất xấu để cải tạo hợp lý.
Hơn 40 mẫu đất mới thuê ở xã Hồng Phong là một ví dụ điển hình. Cùng trên một cánh đồng nhưng ở đây có khu trũng, khu cao nên chất đất cũng có phần khác biệt. Mặc dù đã bỏ ra hơn 3 tháng để cải tạo lại đồng ruộng, mương máng nhưng ông Tới vẫn nhận "trái đắng" ở vùng đất mới này. Vụ gieo trồng đầu tiên gần 1/4 diện tích trồng cà rốt của gia đình ông phải nhổ bỏ. Củ mọc ra chỉ trong thời gian ngắn là tách làm đôi nên không thể xuất bán.
Khó khăn là vậy nhưng vợ chồng ông vẫn kiên trì thuần đất. Khu ruộng nào cho cà rốt chất lượng không bảo đảm là ông nhổ bỏ và cho máy móc vào san gạt, bổ sung thêm dưỡng chất và phân ủ mục để cải tạo.
Để có được cánh đồng cà rốt xanh tốt như ngày hôm nay, 4 thành viên trong gia đình ông Tới đã cùng 70 lao động địa phương phải làm việc 12 giờ/ngày bất kể trời mưa hay nắng gắt. Ngoài đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình thì công việc mà ông Tới đang làm còn góp phần xoá bỏ ruộng hoang, cải thiện đời sống cho nhiều người dân với việc làm ổn định. Đặc biệt hơn là hơn 40 mẫu cà rốt mà gia đình ông đang canh tác ở xã Hồng Phong đang được chính quyền địa phương lựa chọn xây dựng sản phẩm OCOP.
Người dân thu hoạch vụ cà rốt năm 2022. |
Hiện nay toàn bộ vùng cà rốt mà gia đình ông Tới đang canh tác đều được áp dụng cơ giới hoá đồng bộ. Hệ thống tưới nước và thoát nước tự động cũng được ông chú trọng đầu tư với chi phí hàng tỷ đồng. Bên cạnh đó, ông đã làm chủ được kỹ thuật chăm sóc và sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học để đưa cà rốt đi xuất khẩu.
Chỉ tính riêng vụ đông 2021, ông xuất bán hơn 30 tấn cà rốt ra thị trường nước ngoài, chiếm trên 40% tổng sản lượng. Vụ cà rốt năm nay chuẩn bị bước vào kỹ thu hoạch kỳ vọng sẽ bội thu. Cây cà rốt giúp vợ chống ông Tới thỏa nguyện khát vọng làm giàu cũng góp phần khai phá tiềm năng của đất đai ở mỗi địa phương. Bởi vậy, hướng phát triển của ông được địa phương ủng hộ, đây là điểm tựa để nâng tầm cây cà rốt quê hương./.