Hàn Quốc nhập khẩu cà rốt của Việt Nam trở lại từ 4/3 Hải Dương xuất khẩu 500 tấn cà rốt sang Hàn Quốc Lâm Đồng: Xây dựng vùng cà rốt sạch mang thương hiệu Xuân Thọ |
Sơ chế cà rốt trong nhà máy để phục vụ xuất khẩu. |
‘Thủ phủ’ cà rốt và nghịch cảnh rớt giá
Từ nhiều năm nay, cây cà rốt là cây làm giàu trên đồng đất xã Đức Chính với diện tích mở rộng và chất lượng được nâng cao. Đến nay, trên địa bàn xã bà con nông dân đã trồng hết 9 vùng chuyên canh được quy hoạch, với tổng diện tích 329ha, tăng 14ha so với vụ đông trước. Ngoài gần 180ha bãi sông, xã đã quy hoạch mở rộng khoảng 150ha nội đồng để chuyên canh cây cà rốt.
Nhiều hộ đã thuê thêm 1.000ha ruộng, đất bãi ở các địa phương lân cận như TP Chí Linh, các huyện Nam Sách, Thanh Hà; một số địa phương thuộc các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình… để trồng cà rốt. Diện tích thuê tăng 150ha so với cùng kỳ năm trước. Khoảng 300ha trồng cà rốt được cấp chứng nhận VietGAP và GlobalGAP; các vùng trồng còn lại phần lớn nông dân đều sản xuất theo hướng VietGAP, định hướng đẩy mạnh xuất khẩu.
'Thủ phủ' cà rốt xã Đức Chính có 9 vùng chuyên canh được quy hoạch, với tổng diện tích 329ha. |
Tuy nhiên, những người trồng cà rốt ở Đức chính đang đứng ngồi không yên trước tác động từ lệnh cấm ở Hàn Quốc lập tức ảnh hưởng đến người trồng cà rốt ở một xã của Hải Dương. Theo anh Nguyễn Đức Thuật, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính cho biết: Vụ Đông năm nay đầu vụ ấm khác thường (tháng 10 và tháng 11 nhiệt độ cao nhất vẫn phổ biến trên 30 độ C) nên cà rốt trà sớm củ nhọn, lõi to. May mà tháng 12 trời trở lạnh, chất lượng củ các trà muộn hơn sẽ tốt. Đáng buồn là giá cà rốt ở Đức Chính giảm, chỉ bằng hơn một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, cà rốt năm nay rớt giá, theo anh Thuật, nguyên nhân là do cà rốt của Trung Quốc vẫn đang tiếp tục xuất khẩu sang Việt Nam. Công nhân trong các khu công nghiệp phía Nam thất nghiệp nhiều nên lượng bắp cải và cà rốt tiêu thụ ở các khu vực này giảm. Bên cạnh đó, thời tiết bất lợi đầu vụ dẫn đến củ cà rốt xấu mã, nhọn, lõi to, hình thức xấu...
Đặc biệt, một trở ngại lớn là Hàn Quốc tạm dừng nhập khẩu các sản phẩm cây lấy củ, thân củ (phần ăn được nằm dưới mặt đất) từ ngày 3/10/2022. Đây là lần thứ hai Hàn Quốc ban hành lệnh này. Lý do là họ phát hiện tuyến trùng Radopholus similis trong mặt hàng củ chuối (thân thật của chuối) xuất sang Hàn Quốc. Mà Hàn Quốc là thị trường tiêu thụ 80% cà rốt cỡ củ to nên việc xuất khẩu cà rốt Đức Chính sang thị trường này vừa qua bị khựng lại.
Cây cà rốt triệu đô và việc tuân thủ quy trình xuất khẩu
Điều anh Thuật cũng như những người trồng cà rốt ở Đức Chính trông mong nhất là thị trường Hàn Quốc mở cửa trở lại cho sản phẩm cà rốt. Hơn 20 công ty Hàn Quốc đang đợi để nhập cà rốt từ Đức Chính. Được biết, Chi cục Trồng trọt và BVTV Hải Dương có báo cáo vấn đề này với Cục Bảo vệ Thực vật và Cục đã có đối thoại để phía Hàn Quốc dỡ bỏ lệnh cấm.
Để xuất khẩu được cà rốt, bà con buộc phải tuân thủ quy định để sản phẩm đạt yêu cầu của bên mua. Năm 2020, một công ty xuất cà rốt đi Nhật Bản đã bị trả về do dư lượng Hexaconazole vượt ngưỡng cho phép. Bà con đã xử lý củ thối khô bằng thuốc sữa, hoạt chất Hexaconazole, tưới lên luống (lượng dùng quá nhiều). Chi cục BVTV Hải Dương đã tập huấn bà con chỉ được phun lên lá, không được tưới xuống đất khi xử lý bệnh cây (tưới dung dịch thuốc vào trong đất không chỉ là vấn đề dư lượng trong sản phẩm mà còn diệt vi sinh vật có lợi trong đất).
Cà rốt được thu hoạch chuẩn bị vận chuyển về nhà máy sơ chế. |
Chi cục BVTV Hải Dương cũng hướng dẫn thời gian cách ly 25 - 30 ngày. Từ đó, cà rốt chỉ được xuất đi khi thời gian cách ly tối thiểu 25 ngày và không còn gặp vấn đề về dư lượng nữa. Với diện tích cà rốt của toàn xã năm 2019 là 360ha, từ năm 2021 là 380ha, cộng thêm khoảng 1.000ha đất ngoài xã người dân thuê trồng cà rốt mỗi năm, năng suất trung bình 51 tấn/ha, doanh thu từ cà rốt của xã Đức Chính năm 2019 là 170 tỷ đồng, tăng lên 300 tỷ đồng năm 2022 (thực chất là doanh thu cà rốt trồng từ vụ đông 2021).
Về việc cà rốt và một số nông sản của Việt Nam vừa qua bị tạm ngưng nhập khẩu vào Hàn Quốc, Cục Bảo vệ Thực vật cho biết: Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục BVTV đã khẩn trương đàm phán và cung cấp các tài liệu kỹ thuật liên quan. Hàn Quốc đã có văn bản chính thức thông báo gỡ bỏ lệnh cấm kể từ ngày 21/12/2022 với điều kiện Cục BVTV kiểm tra chặt chẽ để đảm bảo các lô hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc không bị nhiễm tuyến trùng Radopholus similis.
Khi có thông tin Hàn Quốc sẽ đồng ý dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu, giá cà rốt ở Đức chính đã tăng lên. Giá bán cà rốt của HTX Đức Chính hiện 8.500 đồng/kg, cao hơn so với tuần trước 500-1.000 đồng/kg. Tuy nhiên, bênh cạnh về giá, câu chuyện xuất khẩu cà rốt vẫn luôn ẩn chứa những rủi ro. Thị trường nhập khẩu có tiêu chuẩn của họ, tuân thủ luật chơi thì làm ăn lâu dài, mà muốn vậy, người trồng cà rốt phải liên kết, đồng hành để chung một sân chơi, một tiêu chuẩn, chứ không thể mạnh ai nấy làm./.