Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản thu về gần 48 tỷ USD Xuất khẩu cà phê trong tháng 11/2023 đạt 80 nghìn tấn 6 nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD |
Những mối lo sau con số xuất khẩu rau quả cao kỷ lục. |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 11-2023, xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 4,79 tỉ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 11 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản vẫn giảm gần 3% so với cùng kỳ, ước đạt 47,8 tỉ USD.
Nguyên nhân giảm do hai mặt hàng chủ lực là thủy sản và lâm sản xuất khẩu đều giảm tới gần 20% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, nhóm thủy sản đạt 8,2 tỉ USD (giảm 19%), lâm sản 13 tỉ USD (giảm 17%), đầu vào sản xuất 1,8 tỉ USD, giảm 18%.
Riêng nhóm nông sản và chăn nuôi lại tăng ấn tượng trong 11 tháng qua.
Cụ thể, xuất khẩu nhóm nông sản đạt 24,3 tỉ USD (tăng 17%) và sản phẩm chăn nuôi 453 triệu USD (tăng 24%).
Đến nay, có 6 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 3 tỉ USD gồm cà phê (3,5 tỉ USD), gạo (4,41 tỉ USD), rau quả (5,3 tỉ USD, trong đó sầu riêng đóng góp hơn 2 tỉ USD), hạt điều (3,3 tỉ USD), tôm (3,4 tỉ USD), gỗ và sản phẩm gỗ (12 tỉ USD).
Đáng chú ý, giá xuất khẩu bình quân một số nông sản chính tăng mạnh như cà phê 2.570 USD/tấn (tăng 12%), gạo đạt bình quân 568 USD/tấn (tăng 17%), riêng tháng 11, giá gạo đạt mức 659 USD/tấn.
Cho đến nay, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 18% so với cùng kỳ và thị trường này cũng chiếm tới 23% tỉ trọng xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam.
Còn thị trường Mỹ và Nhật năm nay đều giảm nhập so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu rau quả tăng trưởng mạnh trong vài tháng qua, tuy nhiên phía sau con số đáng khích lệ này vẫn còn không ít mối lo về lỗ hổng chuỗi liên kết trong ngành hàng rau quả hay câu chuyện vi phạm quy định tại thị trường xuất khẩu vẫn diễn ra..
Đơn cử như với mặt hàng sầu riêng (đã đóng góp 2 tỷ USD trong tổng kim ngạch XK rau quả 11 tháng qua) đang diễn ra nghịch lý là được giá cao nhưng có nhiều doanh nghiệp (DN) thu mua để XK lại lỗ nặng.
Về vấn đề này, theo chia sẻ mới đây của ông Đặng Phú Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, yếu điểm “gót chân A-sin” của mặt hàng sầu riêng là mối liên kết giữa nhà vườn với DN rất lỏng lẻo. Vì lợi nhuận mà sẵn sàng phá bỏ tất cả, điều này gây thiệt hại cho các DN.
“Chẳng hạn như DN ký hợp đồng XK sầu riêng có số lượng 1.000 container trong 2 tháng trong một mức giá nhất định với nhà nhập khẩu của Trung Quốc. Thế nhưng, bất ngờ khi giá sầu riêng trong nước nhảy vọt lên. DN đứng trước hai lựa chọn, một là buộc phải chi thêm tiền với mức giá mới để mua sầu riêng cho đủ số lượng đã ký kết hợp đồng. Hai là DN phải chấp nhận chịu phạt cước khống (tiền cước của lô hàng không thực sự gửi đi - PV) hoặc chịu phạt không giao hàng từ phía đối tác nhập khẩu. Những điều này làm cho DN bị thua lỗ”, ông Nguyên chia sẻ.
Còn theo ông Nguyễn Văn Mười, phụ trách cơ quan đại diện phía Nam của Hội Làm vườn Việt Nam, những biến động về giá sầu riêng trong nước khiến cho DN trở tay không kịp. Vì thế, chuyện thua lỗ của các DN xuất khẩu sầu riêng rất là “bình thường” trong vấn đề thương mại khi mà họ ký hợp đồng giá thấp với phía Trung Quốc rồi phải mua sầu riêng trong nước với giá cao.
Ông Mười cho biết đến thời điểm hiện tại, tuy chưa thể cập nhật đầy đủ dữ liệu nhưng qua khảo sát từ tháng 8/2023 thì hơn 50% DN thu mua và XK sầu riêng rơi vào khó khăn. Đó là do thị trường sầu riêng trong nước hỗn loạn, khiến cho việc kinh doanh của DN không ổn định.
“Thực ra nếu giá cả thu mua sầu riêng ổn định thì tất nhiên là các DN làm thương mại sẽ rất yên tâm hợp tác. Trong khi đó, hôm nay giá mua thế này nhưng ngày mai giá lại xuống và ngày tới giá lại lên. Đây là một những thị trường mà chúng tôi gọi là hỗn loạn đối với ngành hàng sầu riêng trong năm 2023 này. Và đó là lý do mà nhiều DN đã thông báo rời thị trường”, ông Mười bày tỏ băn khoăn.
Công ty Japan Apple LLC (có văn phòng tại Tokyo, Nhật Bản) vừa thiệt hại hàng trăm triệu đồng liên quan đến 2 lô hàng sầu riêng, ớt nhập khẩu từ Việt Nam bị cơ quan kiểm dịch Nhật Bản lấy mẫu phân tích và phát hiện tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật.
Cụ thể, lô hàng sầu riêng khoảng 1,4 tấn được nhập khẩu qua một doanh nghiệp lớn tại Việt Nam từ ngày 5/10 có giá 132.000 đồng/kg. Khi hàng đến Nhật Bản, cơ quan kiểm dịch nước này đã lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện tồn dư hoạt chất procymidone với hàm lượng 0,03 ppm, trong khi tiêu chuẩn cho phép của Nhật Bản là 0,01 ppm. Đây là hoạt chất có trong thuốc trừ sâu có tác dụng diệt nấm mốc.
Còn với lô hàng hơn 4 tấn ớt, cơ quan kiểm dịch Nhật Bản lấy mẫu xét nghiệm với 4 hoạt chất thì có 2 hoạt chất tồn dư vượt ngưỡng cho phép gồm tricyclazole 0,2 ppm và hexaconazole 0,03 ppm, trong khi tiêu chuẩn cho phép là 0,01 ppm.
Theo bà Lê Thị Kiều Oanh - Giám đốc Công ty Japan Apple LLC, cả 2 lô hàng đều bị cơ quan kiểm dịch Nhật Bản yêu cầu tiêu hủy. Riêng lô sầu riêng, doanh nghiệp thiệt hại hơn 200 triệu đồng. Còn với lô hàng ớt nếu không nhập khẩu bù thì khả năng cao sẽ còn bị phạt theo hợp đồng.
Trước đó, trong tháng 9, Công ty Japan Apple LLC nhập phải 1 lô hàng sầu riêng cắt non. Sau nhiều ngày giao hàng đến đối tác, sầu riêng không thể chín bình thường mà chín ép, có mùi chua, buộc doanh nghiệp phải thu hồi, chịu lỗ nặng.
Bà Lê Thị Kiều Oanh cho biết, cơ quan kiểm dịch Nhật Bản đang áp dụng quy định kiểm dịch tất cả sầu riêng nhập khẩu từ Việt Nam, khiến các doanh nghiệp tốn kém nhiều chi phí, thời gian hàng lưu kho kéo dài ảnh hưởng đến khâu phân phối, tiêu thụ.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam xuất hàng đi xong là gần như chối bỏ trách nhiệm. Trong một số vụ việc, doanh nghiệp yêu cầu phía đối tác chia sẻ trách nhiệm thì họ trừ bớt tiền hàng nhưng sau đó lại tìm cách nâng giá bán.
Từ yếu điểm cố hữu về tính liên kết lỏng lẻo đang đòi hỏi ngành rau quả Việt cần phải sớm vá lỗ hổng này và tránh đứt gãy những chuỗi liên kết hiện có. Một khi xoá bỏ được yếu điểm này thì mới mong rau quả của Việt Nam tiến xa trên thị trường toàn cầu.
Xuất khẩu thủy sản tháng 11 đạt gần 840 triệu USD |
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản thu về gần 48 tỷ USD |
Xuất khẩu cà phê trong tháng 11/2023 đạt 80 nghìn tấn |