Những chú cá khỏe mạnh siêu sạch được thu hoạch sau gần 3 tháng thả giống của chị Huyền. |
Thu hoạch cá đều đặn trong bể giữa sân nhà
Vào khoảng đầu tháng 7 năm ngoái, trong lúc đang xây nhà, chị Đồng Thị Thu Huyền (ở Tây Hồ, Hà Nội) thấy có một khoảng sân sau nhà rộng 35m2 còn trống. Vợ chồng chị đã quyết định xây 2 bể hình chữ L để nuôi cá ở khu vực này.
Chị cho biết việc nuôi cá bắt nguồn từ gợi ý của một anh bạn cùng đam mê sở thích cây cối với chị. “Lúc đầu kinh nghiệm bằng không, tôi chỉ nghĩ là nuôi chơi chơi, được thì được không được thì thôi lấy niềm vui là chính thôi. Để cho ông cháu ở nhà có chỗ chơi, thả cá, ngắm cá và cho cá ăn. Nếu nuôi thành công, nhà tôi cũng có được một nguồn cung cấp cá sạch, cải thiện bữa ăn cho gia đình và có thể mời bạn bè”, chị chia sẻ.
Hai bể cá hình chữ L xây trong sân nhà. |
Do xây dựng cùng với ngôi nhà nên chị không tính toán được cụ thể chi phí đầu tư 2 bể nuôi cá này. Chị chỉ tính thả lứa cá đầu tiên chi phí giống khoảng 1-2 triệu đồng.
Sau khi tìm hiểu, chị lựa chọn nuôi cá trê lai và cá rô đồng. Bởi 2 loại cá này dễ nuôi và ít bệnh tật. Cứ nuôi từ 2,5 – 3 tháng, chị sẽ thu hoạch được những con cá to ăn trước, những con nhỏ lại để đó nuôi tiếp.
Chia sẻ chi tiết về bể nuôi cá, chị cho biết nhà chị có 2 bể: một bể to cỡ dài 5m, cao 1m, rộng lòng 1.1m thả cá trê; bể nhỏ hơn dài 4m, cao 1m, rộng lòng khoảng 70cm để thả cá rô đồng. Hai bể này đều được xây nổi để đảm bảo an toàn cho con nhỏ và dễ thay nước khi nước bẩn”.
Những con cá trê giống đang được chuẩn bị để thả vào trong bể. |
“Tôi nuôi bằng nước giếng khoan. Đặt bể chỗ có nắng cá mới lớn khoẻ và ít bệnh. Nếu nắng quá có thể che lưới đen buổi trưa cho cá đỡ nắng. Trong lòng bể, tôi ốp gạch sẫm màu, làm dốc nghiêng bể về phía cống thoát nước để khi cần xả được hết cặn bẩn ra ngoài. Cống xả nên làm cỡ ống to như bắp tay để xả cho nhanh”, chị cho biết thêm.
Bí quyết giữ nguồn nước sạch, cá khỏe từ một bát muối
Thông thường khi nuôi cá trong bể xi măng có diện tích hẹp nguồn nước dễ bị ô nhiễm và cá sẽ chậm lớn hoặc chết. Tuy nhiên 2 bể cá của chị Huyền luôn sạch và cá lớn đều nhờ bí quyết riêng.
Theo chị Huyền tiết lộ, khoảng 1 tháng đầu mới thả, cứ 1 tuần tắm muối hạt cho cá 1 lần và vào lúc thay nước. Chị sẽ xả gần cạn nước đi rồi vẩy đều muối lên mình cá, ngâm lần đầu 5 phút cho cá quen, lần sau tắm tăng lên 10 phút. Sau 1 tháng cá sống ổn, 2 tuần hoặc 3 tuần mới cần tắm 1 lần.
Chị Huyền chủ yếu nuôi cá rô đồng và cá trê lai vì 2 loại cá này dễ nuôi, ít bệnh. |
Theo chị, tùy thuộc vào kích thước bể và lượng cá, người nuôi sẽ cho mức muối phù hợp. Nhà chị một bể 6m3 thả 200 cá trê cả to và nhỏ, 1 bể 4m khối thả khoảng hơn 1000 cá rô đồng mỗi lần tắm sẽ dùng khoảng 1 bát con muối cho mỗi bể.
Thời gian đầu khử mùi vôi và xi măng trong bể cũng rất quan trọng. Theo chị Huyền, bể xây xong sẽ xả nước đầy bể, kiếm thân cây chuối tươi về chẻ ra cho vào ngâm cùng cho bể phai chất xi măng ra nước một tuần rồi vớt ra, tháo sạch nước, Bể sẽ được tráng lại bằng vài lần nước sạch nữa, cứ ngâm rồi lại xả khoảng 2-3 lần là thả cá được.
Trước khi thả cá, chị Thu Huyền cho biết phải thả thân cây chuối tươi vào để phai nước xi măng. |
Sau khi bể đã thả được cá, chị sẽ chọn mua giống. Thường cá trê ít bệnh nhất, thả luôn vào bể nuôi nhưng nên mua loại đầu to gần bằng ngón tay cái cho khoẻ.
Còn cá rô đồng hay bị bệnh hơn thì mua loại 150 - 200 con/ 1kg. Loại bé quá tỷ lệ chết sẽ cao. Khi nhận cá rô giống thấy cá chết nhiều và có nhiều con bị trày vẩy, loét thân, cụt đuôi nên để ở ngoài nuôi tạm trong chậu để theo dõi thêm, thay nước 1 lần 1 ngày, có sủi oxi sục và tắm nước muối loãng 1 lần 1 ngày.
Khi nuôi ngoài, người nuôi cần theo dõi cá, cần chăm sóc khoảng 5-7 hôm, liên tục 3-5 ngày không thấy cá bị chết thêm mới thả vào bể nuôi. Nếu chết nhiều, mọi người nên quay video hoặc chụp ảnh gửi cho trại giống để được đền bù.
Bí quyết cho cá tắm muối mỗi tuần một lần để nước không bị ô nhiễm và cá luôn khỏe. |
“Sau khi thả cá 1 ngày, tôi mới cho cá ăn. 1 ngày ăn 1-2 bữa, cho cá ăn ít 1, làm sao để cá ăn hết, không dư thức ăn nổi trong bể để tránh làm ô nhiễm nước. Với tránh làm cá ăn bị no quá. Thường tôi cho ăn cơm nguội là chủ yếu, ngoài ra có cám cá”, chị nói.
Khi thấy nước đục, bẩn, chị sẽ thay nước. Mùa hè 2 - 3 hôm thay 1 lần, mùa đông 5 - 7 hôm, tùy lượng cá mình thả. Vậy là bể cá trong sân vẫn luôn giữ được nguồn nước sạch. Khu nuôi cá không chỉ cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn mà còn là điểm vui chơi thư giãn cho cả gia đình. Điều thú vị hơn, khi chị Huyền chia sẻ những sản phẩm cá nuôi trong bể tại nhà ở giữa thủ đô khiến nhiều người ngạc nhiên và muốn học hỏi kinh nghiệm./.