Gắn bó với nghề nuôi cá cảnh gần 20 năm, ban đầu anh Cường cũng chỉ nuôi chơi, rồi phát triển thành trại cá khủng cho thu nhập 1 tỷ đồng mỗi năm. |
Biến vùng đất chua phèn thành trại cá cảnh, thu tiền quanh năm
Đang làm việc tại một công ty nước ngoài với thu nhập cao nhưng anh Trương Trung Cường (SN 1980, ngụ ấp 1, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) vẫn nuôi dưỡng đam mê nuôi cá cảnh. Anh nhận thấy vùng đất trồng lúa bị phèn và nước nhiễm mặn, đến khi khu công nghiệp thành lập, nguồn nước thêm ô nhiễm, cuộc sống của người dân chỉ dựa vào cây lúa nên rất khó khăn. Vậy là anh nung nấu ý tưởng chuyển đổi cây trồng vật nuôi.
Hỏi chuyện mới biết hành trình để trở thành một chủ trại nuôi cá cảnh có tiếng như hiện nay của anh Cường cũng rất gian nan. Cách đây gần 20 năm, anh biết đến con cá cảnh trong một lần đến nhà người bạn đồng nghiệp chơi. Lúc đó anh tìm hiểu rồi mua vài con về nuôi chơi để giải trí, chứ chưa nghĩ đến việc kinh doanh.
Với anh Cường, nghề nuôi cá cảnh rất cực và bận rộn hơn chăm con mọn. |
Nhưng sau khi nhân được giống, anh đã nảy ra ý tưởng nuôi kinh doanh loài cá lộng lẫy này. Để có quyết tâm, năm 2004, anh Cường quyết định nghỉ việc có thu nhập khá tại công ty nước ngoài và dồn toàn bộ thời gian vào nuôi cá cảnh.
Nhưng thời gian đầu anh đã nếm trái đắng khi nhận thất bại liên tiếp. Anh nhớ lại, thời điểm đó mới bắt đầu nuôi kinh doanh cá cảnh, và gặp rất nhiều khó khăn vì chưa có kinh nghiệm, vốn ít, khi xảy ra bệnh cá lại không biết cách chữa trị. Thời điểm đó mạng internet chưa phổ biến, mặt khác không có ai hướng dẫn cách trị bệnh cá, nên anh Cường tự tìm kiến thức trên sách vở.
Đến khi nắm được ít “mẹo” trị bệnh cá, thì chào hàng không ai mua. Do đó, anh Cường phải gửi các cửa hàng cá cảnh bán giúp, khi họ bán hết anh mới lấy tiền.
“Trong năm 2004, bán được lứa cá cảnh đầu tiên với số tiền 350.000 đồng (tương đương 5 phân vàng), tôi quyết định thuê 3.000 m2 ở ngã tư Bình Phước để đầu tư lớn, nhưng tiếp tục thất bại do chưa nắm hết kỹ thuật. Nhìn cá chết hàng loạt, tôi nản lắm, nhờ vợ động viên nên tôi tiếp tục nuôi, đến năm 2006 về xã Tân Nhựt thuê gần 4 ha nuôi cá cảnh. Năm 2014, tôi cùng vợ bỏ cây lúa để nuôi cá cảnh, rồi dời hẳn về nhà vợ để nuôi và bắt đầu xuất khẩu trên 50 loại cá cảnh nước ngọt bằng nguồn tự sản xuất và mua từ các trại cá cảnh vệ tinh”, anh Trương Trung Cường kể tiếp.
Với mô hình nuôi cá cảnh trên diện tích 3 ha, mỗi năm anh Cường thu nhập trên 1 tỷ đồng. |
Hiện tại nhà anh Cường nuôi cá trong vài trăm hồ kính và bể xi măng (diện tích 1.300 m2). Theo anh Cường, cứ 1 m3 nước thả khoảng 200 cá bột giống. Hiện nay đã tạo được con giống, giảm rất nhiều chi phí cho người nuôi. Về thức ăn, các loài ăn chung một loại, chủ yếu trùn chỉ (120.000 đồng/kg), nhưng cá dĩa phải cho ăn thêm tim bò, mỗi ngày cá cảnh trong nhà anh Cường nuôi ăn từ 5-10 kg trùn chỉ, có cho ăn thêm cám viên, thức ăn công nghiệp.
Về kỹ thuật nuôi cá cảnh, theo anh Cường không có gì khó, có thể nuôi trong bể kính, hồ xi măng, ao, thùng xốp. Do đó, nuôi cá cảnh để tăng thêm thu nhập được xem là mô hình kinh tế nông nghiệp đô thị mà ai cũng có thể làm. Ví như nuôi cá KOI, từ lúc thả cá bột đến 2,5 tháng tuổi, cá dài khoảng 10cm, giá 30.000 đồng/con cá đẹp, nếu có màu xấu chỉ 5.000-10.000 đồng/con, xấu nữa thì bán theo ký cho những người mua phóng sinh.
Đối với cá KOI dài từ 40cm trở lên, phải nuôi trên 7 tháng đến 2 năm, giá tùy theo màu sắc, vảy, thân cá, nhưng bình quân từ 40 cm là 400.000 đồng/con. Tất nhiên, không phải cá nào cũng phải nuôi 2,5 tháng, mà tùy theo loài. Ví như cá 3 đuôi khi còn nhỏ có màu xanh, lớn lên chuyển màu đỏ hoặc trắng, nuôi 3 tháng mới bán. Hay các loài: trân châu, 7 màu, hòa lan, tứ vân, thần tiên, cá đĩa, cá chép…, cũng tùy thời gian. Cá cảnh bán từ từ, không như cá thịt phải vét ao 1 lần bán hết, do đó người nuôi có thu nhập quanh năm.
Lập tổ hợp tác, dạy nghề miễn phí để cùng làm giàu
Vậy là phải mất 10 năm, anh Trương Trung Cường mới bắt đầu thu quả ngọt từ nghề nuôi cá cảnh. Kiên trì và chịu khó tìm tòi nên anh đã nắm bắt được bí quyết nuôi, hình thành mạng lưới tiêu thụ khắp cả nước.
Nhận định về hiệu quả của mô hình nuôi cá cảnh của anh Cường, ông Mai Ngươn Khánh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bình Chánh cho biết, anh Trương Trung Cường là người có trình độ, năng động và sáng tạo, nhiệt huyết với nghề nuôi cá cảnh, dám bỏ việc lương cao để thử nghiệm mô hình cá cảnh. Anh Cường là một trong những hộ nông dân đi đầu ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh; áp dụng mô hình sản xuất gắn với bảo quản, thuần dưỡng nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần phát triển mô hình cá cảnh tại huyện Bình Chánh.
Cũng theo ông Khánh, khi thành công với mô hình nuôi và xuất khẩu cá cảnh, anh Cường còn hăng hái tham gia nhiều hoạt động xã hội, tương thân tương ái trong sản xuất, kinh doanh; giúp đỡ những hộ nghèo, hộ chính sách, hộ khó khăn ở địa phương vươn lên vượt qua nghèo khó; đóng góp quỹ vì người nghèo, vì biển đảo, quỹ hỗ trợ nông dân.
Với mô hình nuôi cá cảnh trên diện tích 3 ha (đất nhà và thuê), mỗi năm anh Cường thu nhập trên 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho 16 lao động (người ít nhất 5 triệu đồng/tháng, cao nhất 10 triệu đồng/tháng). Với vai trò là tổ trưởng tổ cá cảnh, anh đã vận động 11 hộ vào tổ để cùng áp dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất. Ngoài ra, anh Cường còn tích cực dạy miễn phí nghề nuôi cá cảnh (kỹ thuật nuôi, chọn giống, nhân giống, nuôi đến cá lớn…), bao tiêu sản phẩm cho tổ hợp tác, góp phần tham gia vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và thoát nghèo bền vững ở địa phương.
Bằng kinh nghiệm nuôi cá cảnh có được, anh Cường đã hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật cho hàng nghìn người trên khắp cả nước. |
Còn theo anh Cường, hiện nay ngoài diện tích 3 ha nuôi cá tại địa phương, anh vẫn hợp tác với các cơ sở vệ tinh ở các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, TP Cần Thơ…, nuôi cá cảnh trên diện tích khoảng 30 ha.
“Hiện tại không có loại cá cảnh nào được chuộng nhất, do vậy người nuôi phải nắm được nhu cầu, sở thích của thị trường, nên không thể xác định cá nào mắc nhất. Mỗi đợt xuất tùy theo đơn hàng, có khi xuất 2.000 con, có khi 10.000 con, do đây là hàng giải trí, không phải để ăn nên không có quy luật cố định. Vì cá cảnh là hàng giải trí nên khi xuất khẩu qua các nước, đòi hỏi rất nhiều tiêu chuẩn khắt khe”, anh Cường chia sẻ.
Nghề nuôi cá cảnh cũng giúp cho anh có nhiều mối quan hệ và cũng nhiều người học hỏi từ kinh nghiệm của anh để làm giàu từ nghề này. Tới nay, anh Cường cũng không nhớ nổi số người được anh hướng dẫn kiến thức nuôi cá cảnh. Theo anh Cường con số có thể là vài nghìn người. Vì có rất nhiều người ở các tỉnh, thành phía Bắc cũng vào học nuôi cá cảnh, và được anh Cường truyền kinh nghiệm. Theo anh Cường, hầu như không có trường lớp nào dạy nuôi cá cảnh, có chăng chỉ hướng dẫn chung chung. Vì vậy khi ai đến học, đều được anh tận tình chỉ dẫn với mong muốn những người nuôi cá cảnh có thêm thu nhập nuôi gia đình.
Anh Cường ví von nghề nuôi cá giống như có con mọn. Bởi để chăm sóc được đàn cá cảnh theo quy mô công nghiệp phát triển tốt rất vất vả. Đầu tiên phải chú ý đến độ pH của nguồn nước, rồi đến hàm lượng ôxy hòa tan. Công đoạn cho cá ăn cũng rất quan trọng vì nếu thức ăn thừa sẽ làm bẩn nước khiến cá bị bệnh.
Ngoài ra, phải thay nước trong ao định kỳ hằng tuần, phải thường xuyên dùng chế phẩm sinh học để xử lý đáy ao giúp phân hủy thức ăn dư thừa. Bí quyết cho cá ăn hợp lý được anh đúc kết: “Sau khi cho thức ăn xuống nước 10 phút, thức ăn không còn nổi trên mặt nước là vừa đủ. Nếu thức ăn dư phải vớt bỏ đi để tránh nguồn nước bị nhiễm bệnh làm cá chết”. Gần 20 năm nuôi cá đã cho anh nhiều kinh nghiệm cũng như những thành công, thất bại trong nghề./.