Ba kích là cây dược liệu tốt cho sức khỏe được trồng trên vùng đất cằn đem lại hiệu quả kinh tế cao. |
Thu tiền tỷ từ cây dược liệu ba kích trên đất cằn
Đến thôn Tân Lập, xã Ngọc Linh (Vị Xuyên, Hà Giang) hỏi thăm gia đình ông Phạm Văn Sơn thì mọi người ai cũng đều biết; bởi ông là người tiên phong đi đầu trồng cây dược liệu tại địa phương. Cuối năm 2018, ông Sơn mạnh dạn vay vốn và đầu tư gần 1 tỷ đồng để phát triển mô hình trồng cây Ba kích tím dưới tán cây sơn. Ông mua 20.000 gốc cây Ba kích tại huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh về trồng. Sau hơn 1 năm, ông chọn ra những nhánh to khỏe để giâm hom, nhân giống ra 80.000 gốc.
Để cây Ba kích tím sinh trưởng, phát triển tốt dưới tán cây rừng, ông thuê 2 lao động làm giàn leo và thường xuyên làm cỏ, chăm sóc và vun gốc định kỳ 2 – 3 tuần/lần.
Tuy nhiên thời gian đầu vợ chồng ông Sơn cũng gặp rất nhiều khó khăn. Suốt 3 tháng từ khi xuống giống do diện tích trồng lớn cùng với địa hình đồi dốc cao, thời tiết hanh khô khiến số lượng cây chết rất nhiều. Không nán chí, ông lại tiếp tục mua thêm cây giống trồng lại những chỗ cây bị chết.
Hơn nữa, do không sử dụng thuốc diệt cỏ nên hai vợ chồng ông Sơn phải tự tay nhổ, xới cỏ bằng tay. Thậm chí còn phải thuê thêm người làm cỏ để giúp cây có thể vươn cao lên được.
“Nhà tôi cứ làm sạch cỏ mảnh này thì cỏ ở mảnh kia lại tốt ngang người. Mãi sau 3 tháng, cây mọc khoẻ mạnh, tốt tươi thì việc làm cỏ cũng đỡ bận rộn hơn”, ông Sơn nói.
Cây dược liệu ba kích trồng dưới tán rừng chỉ sau 4 năm cho thu hoạch. |
Khi cây lớn, vợ chồng ông lại tiếp tục làm dàn dây thép cho cây leo cao, đón ánh sáng. Tiếp đó là công đoạn tỉa nhánh và tỉa ngọn hàng năm để chất dinh dưỡng tập trung nuôi củ.
Sau 4 năm trồng và chăm sóc, tháng 10/2022, gia đình ông Sơn đã bắt đầu khai thác củ ba kích tím. May mắn, số lượng củ ba kích khai thác đến đâu được thương lái về tận nơi thu mua đến đó với giá 130 nghìn đồng/kg.
Với 3 tấn củ khai thác đợt 1 ở mảnh rừng rộng 1.000m2 được thị trường đón nhận, tháng 12/2022, gia đình ông lại tiếp tục khai thác tiếp, vừa bán buôn vừa bán lẻ cho người dân địa phương và các vùng lân cận. Ước tính, nếu khai thác hết, gia đình sẽ thu được khoảng 10 tấn củ ba kích, cho doanh thu khoảng hơn 1 tỷ đồng.
Bí quyết giúp ba kích phát triển tốt cho hiệu quả cao
Ông Sơn cho biết: So với những nông sản truyền thống, cây Ba kích là cây dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao. Cây ưa mát, phát triển tốt dưới tán rừng, phải làm giàn và trồng ở nơi cao ráo, không ngập úng, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Để đảm bảo an toàn, gia đình tôi sử dụng hoàn toàn các loại thuốc, chế phẩm sinh học để phòng, trị sâu bệnh hại cho cây.
Chia sẻ về bí quyết để cây ba kích phát triển tốt, ông Phạm Văn Sơn cho biết, cây Ba kích là cây dây leo ưa ẩm, chịu bóng, thích hợp trồng dưới tán cây rừng. Cây Ba kích ít khi bị bệnh, tuy nhiên có thể xuất hiện một số bệnh, như: Lở cổ rễ, vàng lá trong điều kiện thâm canh cao; do đó, cần xác định mật độ trồng phù hợp để cây sinh trưởng, phát triển tốt. Sử dụng các loại thuốc, chế phẩm sinh học để phòng, trị sâu, bệnh hại cho cây; đồng thời rắc vôi bột xung quanh gốc để chống kiến, chuột.
Với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương thì chỉ mất khoảng 3 – 4 năm trồng là cây Ba kích có thể cho thu hoạch; mỗi gốc cho từ 3 – 4 kg củ, càng để lâu năm, sản lượng càng cao, chất lượng dược liệu càng tốt. Bắt tay vào trồng loại cây mà ở địa phương chưa ai trồng, ông Sơn lựa chọn chăm sóc cây hoàn toàn bằng phân hữu cơ, không sử dụng bất kỳ loại thuốc hoá học hay thuốc kích thích nào.
Gia đình ông Phạm Văn Sơn có thu nhập hàng tỷ đồng từ cây dược liệu ba kích. |
Ba kích còn có tên là dây ruột gà, ba kích thiên. Là loại dây, leo bằng thân quấn, thân non có màu tím, cành non có cạnh, lá mọc đối, dầy và cứng, cuống ngắn, màu xanh lục. Cụm hoa mọc thành tán ở đầu cành. Quả hình cầu, rời nhau hoặc dính liền thành khối, khi chín có màu đỏ.
Sau khi thu hoạch, rễ cây cần được chế biến sơ bộ, rửa sạch, phơi khô se, đập nhẹ cho bẹp, bỏ lõi, rồi cắt thành đoạn 3 – 5 cm, phơi hoặc sấy khô. Khi dùng tùy theo yêu cầu, có thể tiến hành chích rượu, chích muối ăn, chích cam thảo.
Trong Dược học cổ truyền, nguyên liệu ba kích được xếp vào nhóm thuốc bổ dương, có vị cay ngọt, tính ấm, có công năng chủ trị bổ thận dương, mạnh gân cốt, thận dương suy nhược dẫn đến di tinh, liệt dương, xuất tinh sớm… Do đó, nhiều người truyền tai nhau về tác dụng rượu ba kích trong việc tăng cường bản lĩnh đàn ông.
Câu chuyện về người nông dân vùng cao tiên phong đưa cây ba kích trồng trên vùng đất cằn đã tạo sự quan tâm của chính quyền và người dân địa phương. Trồng ba kích dưới tán rừng vừa bảo vệ diện tích đất rừng chỉ sau 4 năm có nguồn thu nhập hàng tỷ đồng. Đây là một hướng đi hiệu quả cho bà con nông dân miền núi./.