![]() |
Những trái sầu riêng Musang King ngon nhất thế giới được trồng thành công ở Cần Thơ. |
Musang King nội cao ngất so với hàng ngoại nhập
Musang King của Malaysia được đánh giá là "sầu riêng ngon nhất thế giới", đã được người dân khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long trồng thử nghiệm và cho trái ba năm nay. Chúng đang được bán ở nhiều cửa hàng trái cây TP HCM, Cần Thơ, Hà Nội.
Khảo sát mấy ngày gần đây cho thấy giá bán Musang King trồng tại miền Tây dao động 500.000-850.000 đồng một kg chưa tách vỏ, tương đương 1,5-1,8 triệu đồng một kg đã tách vỏ. Trong khi đó, loại này nhập từ Malaysia (tách vỏ, đông lạnh) có giá 1,3-1,5 triệu đồng một kg cho hàng loại A, tức rẻ hơn hàng trồng tại Việt Nam 20%.
Giá đắt đỏ nhưng loại này luôn trong tình trạng "cháy hàng", nhiều người muốn mua phải chờ hai tuần đến một tháng. Chị Oanh, người sành ăn sầu riêng ở TP HCM, cho biết cơm của chúng thơm, có độ béo dẻo. "Tôi phải đặt cọc trước một tháng mới nhận được hàng", chị nói.
![]() |
Musang King của nhà vườn tại miền Tây. Ảnh: Mạnh Khương |
Một cửa hàng trái cây ở Hà Nội cũng cho hay vừa bán 10 quả với giá 700.000 đồng một kg chưa tách vỏ (loại 2-4 kg một quả). "Vì là hàng rụng, được vận chuyển bằng đường hàng không nên chất lượng cao. Có bao nhiêu hàng, khách đều mua hết", quản lý cửa hàng này cho biết.
Lý giải giá sầu riêng Musang King trồng tại Việt Nam đắt đỏ, ông Đặng Mạnh Khương, đầu mối bỏ sỉ ở Cần Thơ, cho biết do hàng trái vụ nên chỉ lác đác vài nhà vườn trồng sớm cho thu hoạch, số lượng hạn chế.
"Tôi chuyên nhập hàng rụng, bao tiêu hết các vườn nhưng chỉ thu mua được vài chục trái một ngày, cá biệt có lúc nhiều nhất là 2-3 tạ", ông Khương nói.
Chị Hoa, người sở hữu khoảng 50 cây Musang King tại Cần Thơ, cũng cho biết vườn nhà chị chỉ có vài cây cho trái sớm, số còn lại đến tháng 8 mới thu hoạch.
Ngoài nguồn cung khan hiếm, theo các thương lái, loại trồng tại Việt Nam là hàng tươi, có chi phí vận chuyển cao hơn, bảo quản khó hơn hàng cấp đông (loại nhập) nên giá đắt hơn. "Đến tháng 7-8, khi mặt hàng này rộ vụ, sản lượng cao, giá mới có thể hạ nhiệt", ông Khương dự đoán.
![]() |
Ông Khương thu mua sầu riêng tại nhà vườn ở miền Tây. Ảnh: Mạnh Khương |
Sầu riêng nội đang rớt giá mạnh
Trái ngược với sự đắt đỏ của Musang King nội, trái sầu riêng truyền thống tại Việt Nam thời điểm này lại rớt giá mạnh. Giá thu mua sầu riêng Ri 6 tại các vườn miền Tây đang ở mức 75.000-85.000 đồng một kg, giảm một nửa so với đầu tháng 2.
Khảo sát tại các nhà vườn Tiền Giang, Long An, Bình Phước, Đồng Nai cho thấy giá sầu riêng giảm 15-20% so với tuần trước, về mốc 75.000-85.000 đồng một kg. Giá này giảm một nửa so với mức đỉnh 190.000 đồng một kg hồi đầu tháng 2.
Giá nhập kho hàng của các doanh nghiệp ở Bến Tre, Tiền Giang chuẩn bị xuất khẩu hiện cũng giảm về dưới 100.000 đồng một kg.
![]() |
Nhà vườn miền Tây đang chăm sóc sầu riêng chờ ngày thu hoạch. |
Theo đại diện Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Vạn Hòa, các đơn đặt hàng xuất khẩu vẫn đang tăng mạnh, tuy nhiên giá lại giảm nhanh. Cụ thể, giá thu mua cho hàng loại A nhập kho là 95.000 đồng, loại B khoảng 75.000 đồng một kg. "Mỗi ngày, chúng tôi thu mua 20-30 tấn từ các đầu mối", đại diện Vạn Hòa nói.
Lý giải nguyên nhân giá sầu riêng liên tục giảm, các thương lái cho rằng mặt hàng này đã bắt đầu rộ vụ. Đặc biệt, ngoài hàng miền Tây, sản phẩm từ các vườn ở Đồng Nai, Bình Phước sắp đến tuổi cắt bán nên nguồn cung dồi dào.
Ngoài ra, từ cuối tháng 3, thị trường xuất hiện nhiều trái cây nhiệt đới như chôm chôm, mận và sắp tới là vải thiều sẽ khiến sầu riêng giảm sức hấp dẫn.
Dự báo về giá sầu riêng thời gian tới, các đơn vị thu mua cho rằng từ tháng 5, giá trái cây này sẽ còn biến động khi hàng từ các tỉnh Tây Nguyên vào vụ. Trong khi đó, hàng của Thái Lan, Philippines cũng rộ mùa nên sầu riêng Việt sẽ chịu sự cạnh tranh mạnh.
Dù giá giảm mạnh nhưng theo một số nông dân, với giá 80.000-120.000 đồng/kg họ vẫn có lời. Ông Bùi Văn Phước (ngụ huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) có vườn sầu riêng RI6 đạt chứng nhận VietGAP đang bước vào vụ thu hoạch với sản lượng khoảng 50 tấn. Với giá bán 80.000 đồng/kg, ông Phước thu về lợi nhuận gần 2 tỉ đồng.
![]() |
Thời điểm này giá sầu riêng giảm nhưng vẫn đem lại lợi nhuận cao cho nhà vườn. |
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, hiện tại sầu riêng là mặt hàng sôi động nhất thị trường, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân và người kinh doanh. Trong tương lai gần, tiêu thụ sầu riêng rất tốt, DN có nhiều hợp đồng, hàng không đủ giao.
"Nhưng giờ nhiều người đổ xô vào trồng mới có thể dẫn đến việc mất kiểm soát về diện tích, kéo theo nguy cơ hàng dư thừa trong 5-10 năm tới. Chúng ta đã có bài học từ cây thanh long, hạt tiêu… khi tăng diện tích quá mức. Hiện nay, diện tích sầu riêng của Việt Nam đã vượt 100.000 ha trong khi định hướng của ngành nông nghiệp chỉ 90.000 ha" - ông Bình thông tin.
Theo các chuyên gia, thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất là Trung Quốc, các nước sản xuất sầu riêng đều hướng đến thị trường này. Do đó, việc sản xuất sầu riêng của Việt Nam cần phải tính đến khả năng cạnh tranh với các đối thủ cũng như tính toán thời điểm thu hoạch để tránh đụng mùa tại thị trường Trung Quốc. Hiện nay, lợi thế của Việt Nam là có sầu riêng gần như quanh năm nên ngay cả Thái Lan cũng cần đến sầu riêng Việt Nam để có nguyên liệu chế biến và cung cấp đơn hàng đều cho khách Trung Quốc./.