Sầu riêng Việt Nam đang trên đường tạo dựng thương hiệu. |
Sầu riêng nghìn đô mỗi quả, sức mạnh ở thương hiệu
Sau khi Trung Quốc chính thức cấp “visa” cho trái sầu riêng Việt Nam, giá loại quả này đã tăng gấp 3-5 lần, hiện đang dao động 150.000 – 200.000 đồng/kg. Cơn sốt sầu riêng cũng tiềm ẩn nguy cơ mạo danh mã vùng trồng, sử dụng không đúng mã số để xuất khẩu, làm ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt.
Tại Diễn đàn “Thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam - Trung Quốc (Vân Nam)”, bà Phan Thị Trà My, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc cho biết, thực tế chất lượng trái cây Việt Nam không thua kém các nước bạn nhưng vấn đề xây dựng thương hiệu lại rất nan giải.
“Một trái sầu riêng Việt hiện được bán với giá 200.000 đồng/kg, nhưng nếu thương hiệu sầu Việt được đăng ký sở hữu trí tuệ tại các nước thì giá sẽ cao hơn. Đơn cử như trái sầu riêng gai đen của Malaysia có thể bán với giá 1.000 USD/trái. Thương hiệu mang lại giá trị kinh tế cao hơn nguyên liệu đơn thuần”, bà My nói.
Bà My cũng nhận định, việc coi Trung Quốc thị trường dễ tính là quan điểm sai lầm, thực tế thị trường Trung Quốc khó tính ngang với Mỹ và Nhật Bản. Qua thời gian làm việc, bà My nhận thấy một số doanh nghiệp trong nước đang “gò ép” số lượng mà quên đảm bảo chất lượng.
“Hôm trước tôi đến một kho hàng sầu riêng, thấy nhiều quả vẫn còn sâu, rệp trên vỏ. Nếu chúng ta cứ cố đóng những container hàng như vậy thì khả năng cao sẽ bị trả lại.
Trái sầu riêng gai đen (Black Thorn) có giá 1.000 USD nhờ chất lượng và thương hiệu. |
Không những thế, việc xuất hàng không đảm bảo chất lượng sẽ ảnh hưởng xấu đến uy tín ngành hàng. Việc một số doanh nghiệp mượn mã số để xuất khẩu sẽ gây hậu quả rất lớn”, bà My cảnh báo.
Trước thực trạng này, bà cảm thấy đáng tiếc khi nông dân và doanh nghiệp chưa chủ động học cách nghiên cứu về việc bán tận nơi cho đối tác Trung Quốc. Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp, nhà vườn chủ yếu bán tại kho bãi cho phía Trung Quốc.
Sầu riêng Malaysia đỉnh cỡ nào?
Sầu riêng gai đen (Black Thorn) là một trong những loại sầu riêng được săn lùng nhiều nhất trên thị trường với chất lượng quả cao, dễ dàng bán được với giá ít nhất 80 ringgit/kg (khoảng hơn 434.000 VNĐ/ kg), đôi khi hơn.
Trên thực tế, giống này được đánh giá rất cao, không có gì lạ khi nó được nhắc đến cùng lúc với vua sầu riêng Musaking của Malaysia, thậm chí có thời điểm còn cao hơn.
Chưa hết, Black Thorn còn được gọi là Duri Hitam, hoặc Chee hoặc Heici, chỉ mới vài năm trước đây còn khá xa lạ, mặc dù đã có mặt trên thị trường từ năm 2010.
Giống như nhiều loại trái cây hấp dẫn khác, Black Thorn đến từ bang Penang phía bắc Malaysia. Tuy mới xuất hiện trên thị trường, nhưng lập tức loại trái cây này đã tạo sức hút toàn cầu. Chính là nhờ nỗ lực trong chiến lược xây dựng thương hiệu sầu riêng.
Sầu riêng Black Thorn chuẩn phải có mùi thơm mạnh và cơm mềm, có màu lòng đỏ trứng. |
Malaysia nhắm đến thị trường Trung Quốc không phải là chuyện gần đây. Họ đã thấy tiềm năng của thị trường đông dân nhất thế giới này đối với mặt hàng tài nguyên bản địa của họ cách đây gần chục năm, âm thầm quảng bá loại quả này ra các thị trường trong khu vực. Hoạt động tiếp thị sầu riêng được tổ chức bài bản thông qua các lễ hội và đặc biệt là trong các hoạt động của nguyên thủ quốc gia. Nổi bật là việc Thủ tướng Malaysia tặng 43 quả sầu riêng cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Cách mà Malaysia quảng bá trái cây thật bền vững. Họ không nhắm tới việc cạnh tranh về giá mà là cạnh tranh về chất lượng, dù sầu riêng không phải là sản phẩm duy nhất họ có (ngoài Việt Nam, Singapore, còn có Thái Lan, quốc gia đang đứng đầu xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc) nhưng luôn khẳng định và thể hiện sầu riêng của họ là ngon nhất. Mà đúng là họ làm hay thiệt, trái nào trái nấy đều tăm tắp, vàng ươm, nhìn thiệt bắt mắt, luôn nhấn mạnh sự khác biệt là sầu riêng được thu hoạch chín cây.
Mới đây Hai tập đoàn hùng mạnh trong ngành trồng trọt là PLS Plantation của Malaysia và MYFARM Inc của Nhật Bản chính thức thành lập liên doanh trồng 1.000 ha sầu riêng sẽ tiếp tục nâng tầm để trái sầu riêng Malaysia khẳng định vị thế tại thị trường khó tính bậc nhất thế giới.
Theo đó, PLS Plantation và MYFARM Inc đã chính thức bắt tay vào dự án phát triển 1.000 ha sầu riêng, canh tác nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản ở Pahang, bang rộng thứ ba ở quốc gia Đông Nam Á.
Việt Nam cần phát huy lợi thế để nâng tầm trái sầu riêng bằng chất lượng và thương hiệu. |
MYFARM là tập đoàn công nghệ nông nghiệp của Nhật Bản chuyên tái tạo đất nông nghiệp và kinh doanh nông sản, hạt giống, đào tạo và chuyển giao công nghệ, trong khi đó tập đoàn PLS Plantation đang sở hữu và quản lý nhiều đồn điền lớn nhất Malaysia.
Theo các nguồn tin, tập đoàn công nghệ nông nghiệp Nhật Bản sẽ đầu tư 210 triệu ringgit (1 ringgit tương đương 0,22 USD) vào một liên doanh giữa công ty liên kết sở hữu 49% vốn của PLS Plantation là PLS LESB Sdn Bhd, Millennium Agricultural Technology Sdn Bhd (MAT), MYFARM và Akar Barat Jaya Sdn Bhd.
Tổng cộng liên doanh có trị giá 429 triệu ringgit là khoản đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực trồng sầu riêng ở Malaysia.
Câu chuyện xây dựng thương hiệu đã nâng tầm trái sầu riêng Malaysia. Không chỉ cạnh tranh ở thị trường Trung Quốc, trái sầu riêng Malaysia còn tạo sức cạnh tranh vượt trội ngay tại Việt Nam vốn cũng có thế mạnh về sầu riêng. Điều này cho thấy, dù có rất nhiều lợi thế, nhưng sầu riêng Việt mới chỉ khai thác được phần ngọn. Cái gốc rễ là chất lượng và thương hiệu tạo nên đẳng cấp trái sầu riêng còn là một hành trình gian nan./.