"Cuộc chiến" xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đang ngày càng gay gắt khi Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Myanmar cùng cạnh tranh. |
Doanh nghiệp "quay xe" vì lo thiếu đơn hàng sầu riêng
Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, tháng 1-2023, Philipines và Trung Quốc đã ký Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng tươi, quốc gia này cùng với Việt Nam, Thái Lan cung cấp trái cây tươi cho Trung Quốc.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, sầu riêng Việt Nam đã được xuất khẩu chính thức từ tháng 9-2022. Với sự có mặt của sầu riêng Thái Lan, Philippines tại thị trường Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ.
Theo ông Nguyên, hiện nay Thái Lan đã có hàng ngàn mã xuất khẩu và được xuất khẩu sầu riêng đông lạnh trong khi Việt Nam mới được cấp có 113 mã xuất khẩu và chưa được phép khẩu sầu riêng đông lạnh.
Việt Nam mới được cấp có 113 mã xuất khẩu và chưa được phép khẩu sầu riêng đông lạnh. |
“Mặc dù số lượng sầu riêng chúng ta nhiều nhưng ít mã xuất khẩu nên sẽ gặp khó khi thông quan do doanh nghiệp Trung Quốc e ngại doanh nghiệp Việt có ít mã, không thể hoàn thành hợp đồng nên họ quay xe sang Thái Lan. Đây là điều rất đáng lo”- ông Nguyên nói.
Theo ông Nguyên, khi có nhiều mã xuất khẩu, sầu riêng Việt Nam sẽ cạnh tranh tốt hơn do chất lượng tốt, ăn ngon hơn, chi phí vận chuyển gần nên giá thấp hơn. Hiện nay, sầu riêng Việt Nam chỉ mất 1,5 ngày là tới các chợ ở Trung Quốc còn sầu riêng Thái Lan mất gần 10 ngày nên chi phí logistics cao hơn, kém tươi hơn...
Bên cạnh đó, sầu riêng Việt Nam thu hoạch gần như quanh năm, không tập trung theo mùa nên tiêu thụ rất dễ trong khi Thái Lan, Philippines chỉ thu theo mùa.
Giải pháp nào giúp sầu riêng Việt Nam chưa phát huy lợi thế?
Nhân “cơn sốt” trái sầu riêng tại thị trường Trung Quốc, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết vừa mới được tin Việt Nam xuất khẩu (XK) chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc, phía Thái Lan đã làm ngay một biện pháp rất ấn tượng. Đó là tổ chức một Hội đồng tướng lĩnh và quản lý nhà nước để kiểm tra chất lượng của sầu riêng.
“Tôi nghĩ đó là một cách làm marketing (tiếp thị) quá hay. Tôi cũng nghe thông tin là người Thái đã đưa ra tiêu chuẩn để cạnh tranh với sầu riêng của Việt Nam. Họ không xuống giá, không tặng quà cho ai mua sầu riêng, mà họ cạnh tranh bằng tiêu chuẩn”, bà Hạnh nói.
Thái Lan chủ động nâng chuẩn xuất khẩu sầu riêng để khẳng định vị thế tại thị trường Trung Quốc. |
Như đã phân tích ở trên, sầu riêng Việt Nam có nhiều lợi thế khi xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là giá sầu riêng Việt Nam bán tại các chợ đầu mối của Trung Quốc thấp hơn từ 25-30 ngàn đồng/kg so với sầu riêng Thái Lan dù mẫu mã, chất lượng sầu riêng của ta không hề kém cạnh so với nước bạn. Nguyên nhân chính là do tính ổn định về chất lượng trái sầu riêng của Việt Nam vẫn là bài toán khó với doanh nghiệp (DN) xuất khẩu.
Theo ông Lưu Nam Tài, đại diện Công ty Logicstic Cương Chính, Quảng Tây, cho biết: Sầu riêng Việt Nam không phải là không ngon, mà vấn đề lớn nhất nằm ở việc không ổn định. Cùng là thương hiệu sầu riêng Việt Nam, hôm nay tôi mua được quả ngon, ngày mai mua phải quả không ra gì. Hy vọng doanh nghiệp Việt Nam sẽ xử lý tốt vấn đề này. Chỉ cần sự ổn định, chắc chắn sầu riêng Việt Nam sẽ cực kỳ được đón nhận ở Trung Quốc.
Ông Lưu nói tại thị trường Trung Quốc, vốn dĩ lâu nay Malaysia và Thái Lan gần như “thống trị” về sầu riêng. Những năm gần đây, do lợi thế địa lý, người tiêu dùng miền nam Trung Quốc đã dần biết tới, yêu thích sầu riêng Việt Nam.
Cạnh tranh về giá cả, đang là thế mạnh chính của sầu riêng Việt Nam. Tuy nhiên, điều này sẽ không giúp sầu riêng Việt khẳng định vị thế. Ông Lưu cho biết, về mặt chất lượng, sầu riêng 3 nước Đông Nam Á thuộc dạng “một chín, một mười”, rất khó nói ai hơn ai kém. Song, do đầu tư trước Việt Nam nhiều năm, chuyên nghiệp hóa toàn bộ quy trình, nên thương hiệu sầu riêng Malaysia, Thái Lan đang mạnh hơn.
Để phát huy lợi thế, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng sầu riêng. |
Ngoài đối thủ lớn nhất là Thái Lan thì sầu riêng Việt sẽ còn phải so kè với một đối thủ lớn trong ASEAN là Philippines khi nước này cũng vừa có nghị định thư xuất sầu riêng chính ngạch vào Trung Quốc. Điều này được xem như “tam hùng phân tranh” để tranh thị phần.
Tuy vậy, theo ông Đặng Phúc Nguyên, diện tích trồng sầu riêng của Philippines chỉ vào khoảng 16.000ha, trong khi diện tích trồng sầu riêng của Việt Nam hiện đã là 100.000ha.
Phía Philippines hy vọng năm 2023 kim ngạch thu về khi xuất khẩu (XK) vào Trung Quốc sẽ là 150 triệu USD. Theo ông Nguyên, đây là con số khiêm tốn so với mục tiêu XK sầu riêng của Việt Nam vào Trung Quốc đạt khoảng 1 tỷ USD cho năm nay. Nói chung, việc XK chính ngạch sầu riêng của Philippines chỉ là đa dạng hóa thêm nguồn cung thị trường chứ không phải là mối đe dọa quá lớn cho trái sầu riêng Việt tại Trung Quốc.
Ông Nguyên cho biết thêm, mỗi năm Trung Quốc nhập khoảng 4 tỉ USD sầu riêng, 90% nhập từ Thái Lan còn lại nhập từ Malaysia và Myanmar dưới dạng cấp đông. Sầu riêng Việt Nam dù chỉ mới xuất khẩu chính thức từ tháng 9-2022 nhưng Trung Quốc đã nhập khẩu đạt giá trị khoảng 400 triệu USD. Do đó, năm 2023 khả năng xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang thị trường tỉ dân này có cơ hội đạt trên 1 tỉ USD./.