Mua gừng về ăn không hết đừng vứt xó, làm theo cách này có gừng ăn quanh năm |
Gừng là một trong những loại gia vị không thể thiếu trong căn bếp của mỗi gia đình. Không chỉ vậy, gừng cũng là một vị thuốc tốt trong Đông y. Gừng chứa gingerol, axit amin, axit xitric, axit ascorbic, protein, chất béo, thiamine, riboflavin, caroten, cellulose thô và các nguyên tố vi lượng như vì canxi, sắt và phốt pho có giá trị dinh dưỡng cao. Gừng có mùi thơm và vị cay đặc biệt, có tác dụng cải thiện mùi vị, khử mùi tanh, nhất là đối với thịt lợn, thịt bò, cá...
Cách lựa chọn gừng đạt chuẩn chất lượng
Chọn theo vỏ ngoài của gừng
Thông thường, bề mặt của củ gừng sẽ tương đối thô ráp, không mịn và cũng không nhẵn bóng. Khi dùng ngón tay cạo ít lớp vỏ bên ngoài, nếu thấy phần vỏ và thịt gừng có sự khác biệt màu sắc khá rõ ràng thì đó là củ gừng thơm, cay chuẩn. Ngược lại, nếu màu sắc của thịt và củ gừng tương đồng nhau thì củ này sẽ kém cay, kém thơm hơn.
Chọn theo mùi hương của gừng
Với những củ gừng tươi ngon đạt chuẩn, khi dùng tay cạo nhẹ lớp vỏ thì bạn sẽ ngửi thấy được mùi thơm nồng, ấm nóng rất đặc trưng, còn nếu cạo ra chỉ thấy mùi thơm cay nhẹ thì đấy là củ gừng ít cay, kém ngon hơn. Ngoài ra, bạn cũng cần phải tránh mua những củ gừng có mùi lạ vì nó có thể đã bị hỏng.
Chọn theo kích thước củ gừng
Để chọn được những củ gừng tươi ngon, bạn nên hạn chế mua những củ gừng to, vỏ bóng, sạch sẽ và nhẵn nhụi mà ngược lại nên mua những củ gừng nhỏ, vỏ sần sùi nhưng cầm chắc tay vì đó chính là những củ còn tươi, thơm nhiều và cay chuẩn.
Không mua gừng bị mọc mầm
Cũng giống như tỏi, gừng khi bị lên mầm thường là gừng đã héo, bị mất nước và sẽ có mùi vị lẫn chất lượng kém đi rất nhiều. Vì thế, để tránh việc ăn phải những củ gừng không ngon, bạn không nên mua các củ gừng đã bị dập hay mọc mầm mà nên chọn những củ trông căng mẩy, vỏ không héo và khi bẻ thử thì thấy còn tươi, bắn ít nước.
Cách bảo quản gừng tươi được lâu
Bình thường, chúng ta thường hay mua nhiều gừng một lúc về để ăn dần tuy nhiên gừng để lâu thường hay bị mọc mầm, héo, hỏng. Do đó, đầu bếp mách, có những cách bảo quản gừng rất đơn giản, để cả nửa năm vẫn chẳng mọc mầm hay héo, các bạn hãy cùng tham khảo nhé:
Cách bảo quản gừng tươi lâu bằng muối
Bảo quản bằng muối là một phương pháp đơn giản, tiện lợi. Nó tương đương với phương pháp “muối chua”, giống như thịt, cá, rau muối dưa... có thể bảo quản được lâu, đối với gừng cũng vậy.
Cách bảo quản gừng này không khó, bạn chỉ việc cho muối ăn vào khăn giấy rồi bọc gừng lại, sau đó dùng màng bọc thực phẩm bọc kín lại, vừa bọc vừa gạt hết không khí ra ngoài, để gừng cách ly hoàn toàn với không khí. Sau đó cho gói gừng vào ngăn mát tủ lạnh bảo quản. Với cách này, bạn có thể để gừng từ nửa năm tới 1 năm mà không hỏng.
Cách bảo quản gừng tươi bằng gạo
Nhà nào cũng sẵn gạo nên cách bảo quản gừng bằng gạo vừa tiện lợi lại dễ làm. Cách bảo quản gừng này được thực hiện như sau, gừng rửa sạch, thấm khô nước trên bề mặt rồi cho vào túi gạo để gừng không bị héo hoặc mọc mầm.
Bảo quản gừng tươi trong ngăn mát tủ lạnh
Trước khi cho gừng vào tủ lạnh để bảo quản, cần rửa sạch và để ráo nước. Sau đó dùng một lớp giấy bạc bọc kín củ gừng hoặc gói gừng vào một chiếc khăn khô rồi cho vào túi nhựa kín, giữ lạnh ở ngăn mát.
Cũng có thể dùng một tờ giấy bạc hoặc màng bọc thực phẩm, sau đó quấn chặt quanh củ gừng tươi rồi để nơi thoáng mát. Với cách này, có thể bảo quản gừng trong thời gian khá lâu mà vẫn giữ được mùi thơm.
Trong tủ đông
Gừng là một trong những gia vị có thể bảo quản tốt bằng phương pháp đông lạnh. Để bảo quản gừng trong ngăn đông, cần gọt vỏ, rửa sạch cả củ gừng, đặt vào các hộp đựng kín và trữ đông.
Hoặc có thể dùng màng bọc thực phẩm quấn quanh củ gừng. Nếu dùng các loại túi zip, cần ép hết không khí ra khỏi túi rồi mới cho vào ngăn đông để bảo quản.
Gừng tươi bảo quản trong ngăn đá không cần mất thời gian rã đông trước khi sử dụng. Nên dùng dụng cụ để bào củ gừng đông lạnh với lượng vừa đủ theo nhu cầu và cất phần còn lại vào tủ đông.
Bảo quản trong cát
Bảo quản gừng trong cát rất đơn giản, nhưng lại vô cùng hiệu quả. Chỉ cần một chiếc đĩa hay rổ rộng. Sau đó cho đầy cát sạch và thật khô vào rổ hay đĩa, vùi gừng xuống đó rồi để nơi thoáng mát. Cách này giúp bảo quản gừng rất tốt, giúp gừng tươi lâu và tránh bị khô.
Bảo quản gừng bằng cách ngâm nước
Gừng rửa kỹ, loại bỏ vết bẩn trên bề mặt và các bộ phận chuyển sang màu đen. Cho gừng vào một hộp chứa đầy nước. Chú ý nước phải phủ ngập toàn bộ gừng, đóng chặt nắp và bảo quản trong tủ lạnh. Thay nước sạch mới mỗi tuần một lần. Cách bảo quản này có thể khiến gừng tươi trong khoảng một tháng.
Bảo quản gừng bằng chè khô
Chè khô là loại có khả năng hút ẩm rất tốt, giữ cho gừng luôn khô ráo, đồng thời hạn chế sự thoát hơi của gừng. Nhờ đó gừng sẽ tươi lâu và không bị mọc mầm. Cách làm như sau: Cho chè khô vào một tấm khăn giấy mỏng gói lại rồi cho vào túi nilon. Tiếp đó, bạn cho luôn gừng vào túi, đẩy hết hơi ra rồi buộc chặt miệng túi. Tre túi gừng ở nơi khô ráo thoáng mát là được.
Bảo quản gừng xay
Gừng xay là nguyên liệu phù hợp để ướp một số món ăn trước khi chế biến. Để bảo quản gừng bằng phương pháp này, có thể gọt sạch vỏ gừng, cắt thành từng miếng nhỏ rồi xay nhuyễn. Sau đó, cho hỗn hợp gừng xay vào các khay đá nhỏ, để trong ngăn đá đến khi đông cứng.
Mỗi khi cần sử dụng, có thể dễ dàng lấy một lượng vừa đủ mà không cần mất thời gian rã đông.