Luật Chăn nuôi có hiệu lực góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững
Luật Chăn nuôi năm 2018 (số 32/2018/QH14) có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam có Luật Chăn nuôi. Luật Chăn nuôi là một trong những bộ luật được xây dựng rất chi tiết, Quốc hội cùng các Bộ, ngành thẩm định hết sức chặt chẽ, khoa học.
Theo đánh giá, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng, ngành chăn nuôi vẫn phát triển ổn định. Qua đó, cho thấy sự quan tâm của Chính phủ, nỗ lực của toàn ngành nông nghiệp và các địa phương.
Theo kế hoặch năm 2020, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu sản xuất trên 5,8 triệu tấn thịt, 16 tỷ quả trứng và 1,2 triệu tấn sữa, cơ bản đáp ứng nhu cầu của gần 100 triệu dân. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, tương lai ngành chăn nuôi Việt Nam phải hướng tới xuất khẩu, bởi không gian của ngành hiện nay lớn hơn rất nhiều, giống cũng đa dạng, phong phú hơn.
“Với việc ban hành Luật Chăn nuôi và các văn bản dưới luật, chúng ta đã “hợp long” được mọi khía cạnh của ngành chăn nuôi, làm nên tảng để phát triển bền vững. Chúng ta hy vọng, 5 đến 10 năm tới chăn nuôi sẽ có được một vị trí to lớn trong kim ngạch xuất khẩu.
Thị trường Nhật Bản khó tính là vậy, song Việt Nam đã xuất khẩu được sản phẩm chăn nuôi. Tới đây sẽ tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư xây dựng một số nhà máy chế biến gia súc, gia cầm, trong đó có nhà máy chuyên giết mổ gà ta truyền thống của Việt Nam”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Hiện tại, các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Chăn nuôi đã hoàn thiện, hiện chỉ còn Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực chăn nuôi đang hoàn thành những khâu cuối cùng, cho phù hợp với điều kiện kinh tế, chăn nuôi của Việt Nam để khi đưa vào thực tiễn áp dụng có tính khả thi cao nhất.
Do đó, Thứ trưởng lưu ý các lãnh đạo, cán bộ được cử tham dự Hội nghị phổ biến Luật Chăn nuôi cần phải thực sự nghiêm túc nghiên cứu, bởi nếu không nắm chắc, đọc kỹ, không tham mưu được cho Sở NN& PTNT, cho UBND các địa phương thì không thể phát huy hết vai trò của luật.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, tương lai ngành chăn nuôi Việt Nam phải hướng tới xuất khẩu
Cũng tại Hội nghị, Cục Chăn nuôi đã công bố phụ lục biểu mức, căn cứ thu phí trong chăn nuôi. Trong đó, mức phí cao nhất là phí thẩm định cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi (trường hợp phải đánh giá điều kiện thực tế) với 7 triệu đồng/cơ sở/lần nếu do Cục Chăn nuôi cấp và 5 triệu đồng/cơ sở/lần nếu Sở NN&PTNT cấp.
Căn cứ để thu phí là Điều 32, Luật Chăn nuôi, Điều 10 Nghị định số 13/2020/NĐ-CP.
Còn mức thu phí thấp nhất là thẩm định cấp giấy phép nhập khẩu lần đầu đực giống, tinh, phôi giống gia súc với chi phí 200.000 đồng/1 giống/lần. Căn cứ thu được quy định tại Khoản 4, Điều 20, Luật Chăn nuôi, Điều 15 Thông tư số 22.
Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT còn thu một số loại phí như phí thẩm định nuôi thích nghi, nghiên cứu, khảo nghiệm, mẫu phân tích sản xuất gia công nhằm mục đích xuất khẩu là 400.000 đồng/sản phẩm/mục đích/lần; thẩm định cấp giấy phép trao đổi nguồn gen giống vật nuôi quý...
Minh Kiệt