Rau đay là loại rau quen thuộc trong bữa cơm của người Việt. |
Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Trần Như Thủy - Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM (cơ sở 3) cho biết, rau đay là loại rau quen thuộc trong bữa cơm của người Việt. Tuy nhiên, do tính chất đặc trưng rau đay nhờn nhờn (nhớt) khi nấu nên một số người không thích ăn. Bác sĩ Thủy cho rằng, đây là điều vô cùng đáng tiếc vì rau đay không chỉ là thực phẩm mà còn là vị thuốc có giá trị chữa bệnh.
Bác sĩ Như Thủy tư vấn, tác dụng rõ ràng nhất của rau đay với sức khỏe là nhuận tràng, phòng ngừa táo bón. Theo đó, chính chất nhớt có nhiều trong rau đay là một chất tự nhiên chống lại các triệu chứng táo bón do chất này làm kích thích nhu động ruột và bôi trơn đường ruột để thức ăn dễ di chuyển xuống đại tràng, từ đó, giúp đại tiện dễ dàng và đều đặn hơn. Ngoài ra, rau đay chứa nhiều chất là Polysaccharid có khả năng ngăn ngừa ứ đọng phân và tăng chuyển động đường ruột, Sucrose và Inositol giúp tạo khối và làm mềm phân giúp dễ đi đại tiện hơn.
Còn trong y học cổ truyền, bác sĩ Thủy chia sẻ, rau đay có tác dụng tẩm bổ, giải nhiệt, lợi tiêu hóa, nhuận tràng, lợi tiểu, lợi hô hấp, tiêu đờm, kháng viêm, cầm máu, lợi sữa và an thai. Theo các sách cổ phương, rau đay có thể dùng làm rau, làm thuốc có tác dụng phòng ngừa say nắng, trị táo bón, bí tiểu, tiểu buốt, tiểu rát, tiểu ra máu, chữa ho ra máu, nôn ra máu.
“Với bà mẹ mang thai và cho con bú, các món ăn chứa rau đay có tác dụng an thai và lợi sữa giúp sữa về nhiều và nhanh hơn”, bác sĩ Thủy cho hay.
Rau đay có nhiều tác dụng với sức khỏe, nhất là người bị táo bón. |
Theo các nghiên cứu hiện đại về thực vật học, dược tính học thì rau đay là loại rau tương đối giàu chất dinh dưỡng. Cứ 100g rau đay có thể chứa các dưỡng chất sau: Sắt 3140mg, Leucine 306mg, Threonine và Lysine: 144mg, Methionine: 51mg, Vitamin C:33 mg và một số vi chất khác (< 1mg) như Vitamin K, Vitamin B6, Vitamin A, Đồng, Polysaccharid, Sucrose, Inositol.
Với những chất dinh dưỡng như vậy, rau đay rất tốt cho trẻ em, bà mẹ mang thai, bà mẹ sau sinh, những bệnh nhân thiếu máu do thiếu sắt.
“Hiện có nhiều thông tin cho rằng, rau đay giúp kéo dài tuổi thọ, hay nhiều người thường ví von một số loại rau là “rau trường thọ”, tuy nhiên đây là thông tin không chính xác. Hiện không có tài liệu nào nói về việc ăn rau đay giúp kéo dài tuổi thọ. Mỗi loại rau đều có tác dụng riêng, chúng chỉ tốt khi ăn đủ và khoa học. Hơn nữa, mọi người cũng không nên nói quá về công dụng, nếu không nhiều người học theo, lạm dụng ăn quá nhiều dẫn tới lợi bất cập hại”, bác sĩ Như Thủy tư vấn.
Dù có tác dụng cho cơ thể, bác sĩ Thủy đưa ra một số lưu ý khi ăn rau đay như sau:
Rau đay không hề kỵ với thực phẩm gì, tuy nhiên trẻ dưới 5 tuổi thì nên hạn chế sử dụng. |
Người dễ bị tiêu chảy, dễ lạnh bụng không nên ăn nhiều và liên tục. Khi rửa rau, không nên làm dập rau, hạn chế vò rửa quá kỹ làm mất chất nhầy từ rau.
Đến nay, chưa có nghiên cứu hay báo cáo nào cho thấy rau đay kỵ hoặc khắc với một nhóm hay một loại thực phẩm nào. Vì thế, có thể yên tâm khi lựa chọn rau đay để chế biến món ăn hằng ngày và nấu cùng các thực phẩm khác.
Người khỏe mạnh ăn một lượng rau đay vừa phải, khoảng 2-5 lần/tuần giúp thúc đẩy nhu động đường ruột. Tuy nhiên, nếu như ăn quá nhiều rau đay có thể gây khó tiêu, nên người đang bị bệnh đường tiêu hóa không nên ăn quá nhiều.
Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi không nên ăn quá nhiều rau đay vì có thể gây cản trở sự hấp thu canxi và kẽm trong cơ thể, ảnh hưởng đến sự phát triển xương và trí não.