![]() |
Cá hắc cấy hay còn gọi cá đuối ó sao, đuối đen, bề ngang từ vi cánh này sang vi cánh nọ dài độ 2 gang tay. Loại cá này có kích thước phổ biến là 1-3 con/kg, lớn nhất cũng chỉ nặng độ 3 kg.
Người dân miền biển ở Tiền Giang, Cà Mau chia sẻ, hắc cấy có cái đuôi dài cả sải, tròn nhỏ như sợi dây dù, người dân khi bắt được thường bẻ ngoặt cái đuôi xỏ ngược vào mũi cá, cột thành cái quai để xách cá về cho tiện. Trên thân còn có các đốm tròn nhỏ trông như những ngôi sao, khác biệt với bộ da trơn láng của cá đuối thường.
Một ngư dân ở Bến Tre cho biết, ngày xưa, vùng biển bao quanh đồng bằng sông Cửu Long nơi nào cũng có hắc cấy. Còn bây giờ nó trở thành “của hiếm”. Dân đánh bắt cá biển gặp nó phải nói là hên vô cùng. Hắc cấy làm thành món gì cũng ngon tới nhớ đời. Rồi ông nhắc một loạt những món hắc cấy quấn lá chuối nướng, xào bắp chuối, xào lăn, xào sả ớt, hấp mỡ hành, nấu mẽ, nấu chua... đều là những thứ thời trân hảo hạng.
Nhưng lão ngư nói rằng “tuyệt trần” hơn hết là nếu được thưởng thức hắc cấy hấp bánh tráng kèm thêm nước chấm giằm gan của nó thì đã đời cái thần khẩu, ăn hoài không biết chán.
![]() |
Thịt hắc cấy tươi hấp bánh tráng sẽ cho vị ngọt ngon tinh khiết vì không nhiễm hương vị "trần tục" của gia vị. Với lại, thịt hắc cấy tươi rất thơm ngon vì không có mùi tanh, nhất là mùi khai như cá đuối thường. Riêng gan hắc cấy được dân sành điệu ẩm thực miền Tây không ngớt lời khen tặng là quý vì vô cùng bổ.
Trên thị trường, khô hắc cấy được đóng túi zip, hút chân không, được bán với giá lên tới 270.000 đồng/kg. Vì tên gọi và hương vị lạ nên mấy năm gần đây, thứ đặc sản độc đáo này rất đắt khách, đặc biệt vào những dịp lễ Tết.
Trong nghệ thuật ẩm thực, người Gò Công đã chế biến cá đuối thành nhiều món ngon độc đáo như: Hấp mỡ hành, xào cải chua, xào lá nghệ, xào cà ri, kho tương, tái dấm, phơi khô làm “mồi” cho dân nhậu, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là khô hắc cấy.
Cách làm hắc cấy khô
![]() |
Khô cá hắc cấy |
Cá đuối đen sau khi được đánh bắt và làm sạch, chỉ cần nhúng nước biển, sau đó đem phơi khô rồi đóng gói và bảo quản sẽ giữ được hương vị tươi ngon, mùi thơm quyến rũ, vị ngọt thanh tao của thịt cá.
Dân Gò Công chuộng ăn khô hắc cấy, bởi hương vị ngon ngọt đậm đà, nhấp rượu đế, xé một miếng khô hắc cấy cho vào miệng rồi vừa nhai vừa trò chuyện thì còn thú vị nào hơn.
Khô hắc cấy không cần tẩm ướp cầu kỳ, vì hắc cấy đã có sẵn mùi thơm và vị ngọt nên cách chế biến khá đơn giản, không cần cầu kỳ, phức tạp. Chỉ cần nướng miếng cá trên lửa hồng là thưởng thức được rồi, có thể dùng với nước chấm mắm me.
Khô hắc cấy khi chín rất mềm dẻo, có mùi thơm chứ không như các loại cá đuối khô khác. Muốn có khô hắc cấy thì chủ ghe phải dặn trước hoặc “nài” bạn đáy là người làm thuê cho chủ ghe đi ra ngoài biển đánh cá, năm khi mười họa “bạn đáy” lựa được cá đuối đen xẻ phơi khô trên mui ghe làm thành khô “hắc cấy”.
Chỉ là những miếng khô hắc cấy, nhưng ai cũng đều cảm nhận được vị ngon rất đặc biệt của nó tới mức chẳng bao giờ quên được trong cái sự thòm thèm về một miếng hắc cấy tươi dường như chỉ còn trong chuyện kể về một thứ hải sản hiếm trên vùng biển phía nam.