Kiểm tra cá bố mẹ chuẩn bị sinh sản tại trại cá giống của gia đình ông Phúc. |
Biến vũng trâu đằm thành trại cá khủng
Nằm giữa trung tâm thôn Luổng Đơ (xã Cốc San, TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai), trang trại rộng 4ha của ông Hoàng Xuân Phúc được quy hoạch 16 ao nuôi kiên cố bờ bao bê tông với hệ thống che chắn mặt ao, lọc nước tuần hoàn... đảm bảo sinh trưởng cho hơn 2.000 con cá bố mẹ và 2 triệu con giống mỗi năm.
Đứng trên khu trang trại quy mô được gây dựng được hơn 20 năm, ông Phúc nhớ lại: “Khu vực này là đất của trại nuôi cá giống giải thể năm 1986. Năm 1990, gia đình thầu lại. Lúc này là bãi đất hoang. Trên diện tích hơn 3ha chỉ còn lại những hố trũng trâu đằm. Do hệ thống ao trước đây không được kè, người dân chăn thả gia súc dẫm nát hết bờ bao nên gia đình sử dụng để trồng lúa”.
Nỗ lực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nâng cao thu nhập, ông Phúc bàn với vợ đào lại ao trên nền ao cũ để nuôi cá thịt. Chưa từng có kiến thức về nuôi trồng thủy sản, cũng không có vốn liếng nhưng ông Phúc vẫn quyết tâm làm kinh tế nhờ vào thuận lợi từ nền đất cũ và một người bạn là công nhân kỹ thuật của trại cá. Ông thế chấp căn nhà gỗ 3 gian vay 250.000 đồng tiền đầu tư ban đầu, mua được 5 chén cá bột về ương. Cũng may năm đó thành công, ông trả được hết nợ và lãi thêm được một ao cá thịt đủ loại: Trắm, chép, trôi, mè, rô phi...
“Gọi là nuôi cá nhưng vẫn là theo cách truyền thống, cứ thả vào đấy chứ không chăm sóc, chúng tôi cũng chưa có kỹ thuật gì nên năng suất thấp, thu nhập từ nuôi cá không được nhiều”, ông Phúc kể.
Ông Hoàng Xuân Phúc kiểm tra cá giống. |
Mấy năm tâm huyết vừa làm vừa học cách chăm sóc, kỹ thuật nuôi, làm cá giống, ông Phúc nhận thấy nhu cầu cá giống của bà con trên địa bàn khá lớn. Trong khi, việc mua và vận chuyển cá giống từ địa phương khác về lại vất vả, tốn kém do giao thông đi lại khó khăn, mất 2-3 ngày mới đến nơi. Ông Phúc bỏ công đi lùng, chọn được 40 con cá bố mẹ các loại: Trắm, chép, trôi.. to khỏe về chăm sóc, mời kỹ thuật đến hỗ trợ cho cá sinh sản. Một năm cũng cho ra 600 vạn cá bột, ương được khoảng 15 vạn cá giống cung cấp cho bà con quanh vùng.
Bước ngoặt từ nuôi cá đặc sản và chép lai
Trước đây, ông Phú từng chạy xe đến khắp các vùng miền Bắc và miền Trung nhập cá giống về bán cho các trang trại trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Vừa làm, ông vừa chịu khó ghi chép, học hỏi kỹ thuật nuôi cá và đưa về áp dụng vào nuôi cá tại trang trại của gia đình.
Sau nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, ông đã thuần thục trong việc sản xuất cá giống. Khi thị trường cá giống truyền thống gặp khó khăn, ông Phú chọn nuôi thêm cá bỗng - một loại cá đặc sản ở địa phương.
Theo ông Phú, khác với các loại cá khác, cá bỗng là loài có sức đề kháng tốt, chi phí đầu vào thấp, kỹ thuật chăm sóc đơn giản, cá chủ yếu ăn bèo, thân chuối, rau, giun lại nuôi được với mật độ cao, có đầu ra tương đối ổn định, giá bán cao hơn so với các loại cá trắm, chép, rô phi... nên ông quyết định đầu tư nuôi cá đặc sản thương phẩm.
"Thời điểm những năm 2013-2015, bình quân một năm doanh thu từ nuôi cá bỗng của tôi đều đạt khoảng 800 triệu đồng, trừ chi phí thì lợi nhuận của gia đình cũng đạt khoảng 300 triệu đồng, chưa kể tiền bán các loại cá giống khác" - ông Phú kể.
Trung bình mỗi năm, trang trại của ông Phúc bán ra thị trường các tỉnh, thành hàng chục triệu con cá chép giống. |
Trong một dịp đi tham quan mô hình nuôi cá chép ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), tìm hiểu kỹ thuật nuôi cá hiện đại và giống cá chép lớn nhanh, to, khỏe..., ông tìm mọi cách đưa giống cá này về nuôi theo đúng quy trình đã học được. Với kết quả ngoài mong đợi, ông Phúc quyết tâm lai giống cá chép Trung Quốc với loại chép sông bản địa.
Cá giống ra đời sống rất khỏe, lớn nhanh và đặc biệt là cho sản lượng cao, thịt chắc, thơm. Trang trại của ông không chỉ cung ứng cá giống cho bà con trong tỉnh mà cả các tỉnh khác như: Hải Dương, Quảng Ninh, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang. Nhiều cơ sở chuyên sản xuất cá chép giòn cũng tìm đến mua giống.
Ông Phúc chia sẻ: Từ năm 2010 đến nay, tôi chỉ tập trung sản xuất cá chép giống bởi nhu cầu thị trường cao và con giống đòi hỏi phải có kỹ thuật nên không phải cơ sở nào cũng làm được. Việc chăm sóc cá rất tỉ mỉ, đang cho cá đẻ mà nhiệt độ nước chênh lệch 3-5 độ là hỏng hết. Hoặc cá mẹ trứng chưa đủ chín cho đẻ cũng không thành, nên thường phải bắt từng con cá mẹ lên kiểm tra.
"Tôi chăm sóc cho cá mẹ đẻ tự nhiên chứ không đẻ vắt, trứng không bị tổn thương, cá con khoẻ. Hiện, tôi đang áp dụng quy trình nuôi vỗ cho cá đẻ quanh năm. Ngoài ra, gia đình còn định kỳ cải tạo ao bằng cách tháo hết nước, rắc vôi bột khử trùng, vệ sinh ao bằng các chế phẩm sinh học trước khi thả cá, cho cá ăn đủ lượng thức ăn, đúng giờ..." ông Phúc tiết lộ.
Từ khi lai tạo thành công ra giống cá chép mới, trung bình mỗi năm, trang trại của ông Phúc bán ra thị trường các tỉnh, thành hàng chục triệu con cá chép giống, thu về khoảng từ 2-3 tỷ đồng. Hàng năm, trại của ông tạo cộng ăn việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương với mức thu nhập 5-6 triệu đồng/người/tháng và khoảng 40 lao động thời vụ. Đặc biệt, gia đình ông còn sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ bà con khó khăn trên địa bàn về giống, hướng dẫn cách nuôi, cung cấp thức ăn cho đến khi thu hoạch mới hoàn trả vốn./.