Cây mắc mật |
Nếu đi dọc đường miền núi phía Bắc thời gian từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm, chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều cây mắc mật mọc ở dọc đường.
Cây mắc mật, còn gọi là hồng bì núi hay củ khỉ, dương tùng (danh pháp: Clausena indica) là loài thực vật có hoa thuộc họ Cửu lý hương. Từ “mắc mật” là tiếng Tày-Nùng và có thể dịch thành “quả ngọt”.
Cây mắc mật mọc chủ yếu ở chân núi đá vôi ở độ cao dưới 1.000m, một số ít mọc trên sườn núi đá và sườn đồi. Cây thích hợp nơi có điều kiện khí hậu ôn hoà, nhiệt độ trung bình năm từ 20-23 0C, lượng mưa hàng năm trung bình trên 1500mm.
Mắc mật thuộc loại cây gỗ nhỏ, chiều cao trung bình dưới 12m, phân cành thấp, cành non có màu xanh nhạt, có lông rải rác về sau nhẵn, vỏ thân màu xám đen, có những nốt sần. Lá kép lông chim mọc cách, dài 10-30cm, chóp lá nhọn, gốc lá lệch, mép lá gần như nguyên hay có khía răng nhỏ.
Quả mắc mật khi chín có màu trắng nhờ đến trắng trong |
Quả mắc mật thịt hình cầu, đường kính 9-13mm, khi chín có màu trắng nhờ đến trắng trong và chứa 1-2 hạt. Mắc mật ra hoa tháng 4-5, quả chín vào tháng 7-8, quả còn non có màu xanh đậm, trên vỏ có túi tinh dầu, nhẵn bóng.
Mắc mật phân bố nhiều ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Nội, Thanh Hóa, Hòa Bình… Cây mọc hoang hoặc được trồng để làm gia vị, làm thuốc.
Nếu như trước đây ít ai biết đến lá mắc mật thì mấy năm gần đây, thứ lá gia vị này được bán nhiều trên chợ mạng và các chợ truyền thống.
Lá mắc mật tươi có giá khoảng 40.000 đồng/kg, trong khi đó lá mắc mật khô có giá tới 250.000 đồng/kg. Nhiều người lùng mua lá mắc mật khô về sử dụng dần trong năm. Lá mắc mật bỏ ngăn mát tủ lạnh có thể sử dụng được từ 7-10 ngày, còn nếu phơi khô và bảo quản cẩn thận thì có thể để quanh năm mà mùi vị vẫn giữ nguyên.
Là người bán các loại đặc sản núi rừng ở chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), chị Trang cho biết lá mắc mật là món chị bán rất đắt hàng. Nếu trước đây người dân vào rừng hái lá mắc mật để chế biến món ăn thì giờ đây họ hái để bán cho thương lái. Thậm chí nhiều gia đình còn trồng cây mắc mật để hái lá và quả để bán.
"Lá mắc mật có mùi thơm đặc trưng, cay nhẹ. Tôi bán cả lá tươi và lá khô, ai thích loại nào mua loại đấy. Dù phơi khô nhưng loại này vẫn giữ nguyên mùi thơm và vị đặc trưng của lá mắc mật. Loại này người ta đóng gói sẵn 3 lạng, hút chân không", chị Trang chia sẻ.
Lá mắc mật dạng tươi và khô được bán trên thị trường |
Lá mắc mật có tác dụng rất lớn đối với ẩm thực Việt Nam, làm nên bản sắc món ăn được nhiều người biết đến. Nhờ vào tình dầu thơm nên nhiều người thường dùng trong các món nướng vịt quay, lợn quay, gà quay, thịt nướng, kho cá,… Chỉ cần 2 - 3 lá mắc mật cũng đã đủ để tạo hương vị cho món ăn của bạn rồi đấy.
Ngoài ra, lá mắc mật có tác dụng tốt đến hệ tiêu hóa cân bằng hệ vi khuẩn trong đường ruột, kích thích tiêu hóa,ngăn chặn nhiễm khuẩn đường ruột. Từ đó, thảo dược giúp bạn giảm thiểu bệnh từ tiêu hóa, lá mắc mật còn loại bỏ những độc tố dư thừa ra khỏi cơ thể con người, điều trị các bệnh về tiêu hóa như ợ chua hay đầy hơi…
Lá mắc mật có các dược tính chứa cao chiết và tinh dầu ethanol bảo vệ gan tất tốt. Dược tính có khả năng ức chế men gan, tăng cường hệ thống miễn dịch trước vi khuẩn và virus gây bệnh. Vì vậy, trong Đông y, nó được áp dụng kết hợp với các vị thuốc khác để chữa bệnh gan hiệu quả.