Những tiền đề phát triển chuỗi liên kết
Sơn La có trên 350.000 ha đất sản xuất nông nghiệp với nhiều sản phẩm có lợi thế, cùng với nguồn lao động dồi dào, một bộ phận lớn nông dân đã được tiếp cận với tư duy sản xuất hàng hóa. Từ những năm 1958 nhiều nông trường, lâm trường trên địa bàn tỉnh hình thành và phát triển mạnh, nhất là nông trường Mộc Châu, thành công với chăn nuôi bò sữa, sản xuất các sản phẩm từ sữa; nông trường Cờ Đỏ, Chiềng Ve, huyện Mộc Châu với sản phẩm chè; Nông trường Tô Hiệu, Nông trường Chiềng Sung, huyện Mai Sơn với các sản phẩm mía đường, ngô...
Vùng chè của Công ty TNHH trà Thu Đan, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu. Ảnh: PV |
Nhận thức sâu sắc về vai trò của công nghiệp chế biến, tránh tình trạng “được mùa, rớt giá” khi vùng cây ăn quả, cây công nghiệp mở rộng. Đồng chí Hoàng Văn Chất, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh, cho biết: Tỉnh đã hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết với các hợp tác xã đầu tư nhà máy chế biến, đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại các trung tâm thương mại trong và ngoài nước. Khi thu hút các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến, tỉnh tiếp tục giúp doanh nghiệp tăng cường mối liên kết hộ gia đình - hợp tác xã - doanh nghiệp; hoàn thiện thêm một bước quan hệ sản xuất phù hợp với lực lượng sản xuất đang phát triển, nhất là về khoa học và công nghệ; tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông và công nghiệp phụ trợ, góp phần giảm giá thành, ổn định giá mua, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Sơn La.
Bên cạnh đó, tỉnh đã khuyến khích, hướng dẫn thành lập các hợp tác xã nông nghiệp theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Đầu tiên là hỗ trợ giám đốc 10 HTX học tập tại một số HTX nông nghiệp ở tỉnh Lâm Đồng, để xây dựng HTX điển hình tại tỉnh và là điểm cho các HTX mới thành lập đến học tập. Giữa hình thức tổ chức HTX và tổ hợp tác, tỉnh chọn mô hình phát triển HTX để đảm bảo bước đầu chặt chẽ hơn, phù hợp với trình độ và khả năng tư duy về phát triển nông sản hàng hóa của các hộ thành viên. Cán bộ HTX là người phải “cầm tay chỉ việc” giúp kiểm soát các hộ thành viên thực hiện quy trình sản xuất nông sản sạch; là đầu mối để tiếp tục đưa khoa học kỹ thuật, giống mới vào sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Những tiền đề này đã giúp việc triển khai thực hiện Nghị định 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều thuận lợi. 5 năm qua, tỉnh Sơn La đã cụ thể hóa chính sách với thực tiễn của địa phương, nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn kết doanh nghiệp - hợp tác xã - hộ nông dân hình thành và nhân rộng.
Điển hình, phát triển công nghiệp chế biến nông sản, như: Công ty cổ phần mía đường Sơn La ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ mía với hơn 10.000 hộ; các doanh nghiệp, HTX tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ cà phê với 12.000 hộ; Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu liên kết với gần 580 hộ chăn nuôi bò sữa và hàng trăm hộ trồng ngô cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến thức ăn bò sữa TMR; các nhà máy chế biến chè đã ký trên 7.000 hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ chè.
Cùng với đó, tỉnh ta đã có chính sách hỗ trợ phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm, in 840.000 tem nhãn điện tử thông minh Qr-code cho 40 doanh nghiệp, HTX... Với những nỗ lực này, đến nay hầu hết các sản phẩm đã tham gia vào chuỗi cung ứng của các hệ thống phân phối lớn trong nước và 17 sản phẩm nông sản tỉnh xuất khẩu sang thị trường 21 nước và vùng lãnh thổ.
Điểm sáng xây dựng phát triển chuỗi liên kết
Trước đây, Công ty cổ phần mía đường Sơn La, từng là đơn vị làm ăn thua lỗ triền miên. Từ khi được chuyển đổi, công ty đã có nhiều bước cải tiến trong đầu tư và sản xuất, nhất là thực hiện liên kết chặt chẽ với hộ trồng mía, tạo vùng nguyên liệu ổn định cho nhà máy. Cùng với đó, Công ty chỉ đạo Xí nghiệp nguyên liệu tăng cường cán bộ nông vụ đồng hành với nông dân trong sản xuất, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, cung ứng phân bón phù hợp với cây mía, xây dựng mô hình thâm canh giống mới; vận động bà con tận dụng phụ phẩm cây mía, phát triển chăn nuôi gia súc, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập.
Ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần mía đường Sơn La, cho biết: Để người dân yên tâm, gắn bó với cây mía, Công ty hỗ trợ bà con phát triển vùng nguyên liệu, đầu tư hàng chục tỷ đồng cung cấp giống, phân bón cho các hộ ký hợp đồng trồng mía. Hỗ trợ làm đường vận chuyển mía nguyên liệu; tạo điều kiện người dân vay vốn đầu tư phục vụ sản xuất, sửa chữa nhà ở, tạo niềm tin và sự gắn kết chặt chẽ giữa người dân - doanh nghiệp.
Hiệu quả chuỗi liên kết được minh chứng bằng con số ấn tượng, niên vụ sản xuất 2022-2023, Công ty liên kết sản xuất với 10.500 hộ trên địa bàn huyện Mai Sơn, Yên Châu trồng gần 9.700 ha mía, năng suất 65 tấn mía cây/ha. Công ty cam kết thu mua giá 980 đồng/kg mía cây.
Ông Cầm Văn Nén, bản Ý Lường, xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn, nói: Gia đình tôi có hơn 1 ha đất nương, ngày trước trồng ngô, sắn cho thu nhập bấp bênh, từ ngày ký kết trồng mía được Công ty hỗ trợ giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu toàn bộ sản phẩm, giờ đây, gia đình thu nhập ổn định hơn.
Cùng với mía đường, câu chuyện liên kết sản xuất, chế biến cà phê đang được doanh nghiệp, HTX chuyên sản xuất, chế biến cà phê triển khai. Điển hình, Công ty CP Tập đoàn Minh Tiến - MTG đang liên kết với 34 hộ nông dân của bản Chiềng Yên, xã Chiềng Cọ, Thành phố thực hiện Dự án xây dựng mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn gắn với sản xuất cà phê Arabica theo tiêu chuẩn hữu cơ, quy mô 27 ha.
Cơ sở chế biến long nhãn xuất khẩu của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu hoa quả Sơn La, phường Chiềng Sinh, Thành phố. |
Ông Nguyễn Vĩnh Đức, Phó Giám đốc, cho biết: Từ đầu năm đến nay, Công ty tổ chức 3 đợt tập huấn cho các hộ tham gia dự án về các quy định sản xuất cà phê hữu cơ; kỹ thuật ủ phân hữu cơ và thành lập HTX cà phê Yên Bình, với 33 thành viên. Dự án hỗ trợ 11.400 cây cà phê giống THA1 cho các hộ thực hiện tái canh; 1.860 cây mắc ca trồng làm cây che bóng cho cây cà phê và hỗ trợ 5 tấn phân hữu cơ/ha. Toàn bộ diện tích cà phê tham gia dự án được Công ty ký kết bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, Công ty còn bao tiêu sản phẩm của hàng trăm HTX, tổ hợp tác và hộ trồng cà phê trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, các doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các hộ thông qua các HTX, tổ hợp tác, xây dựng vùng nguyên liệu trồng chè, sắn, dứa, mắc ca, thanh long ruột đỏ... Đến nay, toàn tỉnh có 245 chuỗi, trong đó, 32 chuỗi rau, 160 chuỗi quả, 11 chuỗi chè, cà phê, 17 chuỗi thủy sản… có 145 cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP còn hiệu lực; cấp 281 mã số vùng trồng, với tổng diện tích hơn 4.600 ha cây trồng phục vụ xuất khẩu qua thị trường Úc, Anh, Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, UAE...
Giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh tăng từ 3.450 tỷ đồng năm 2016 lên 5.400 tỷ đồng năm 2020; đưa vào chế biến 100% sản phẩm sữa, cà phê, mía đường, chè, sắn; tỷ lệ sản lượng quả tươi đưa vào chế biến là 30%. Qua đó, tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động, với mức thu nhập ổn định.
Liên kết - xu hướng tất yếu để bứt phá
Tỉnh Sơn La đã thành lập Ban Chỉ đạo tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, nhằm thúc đẩy liên kết trong sản xuất tiêu thụ hàng hóa nông sản cho nông dân, đẩy mạnh xác định nguồn cung thông qua thống kê từ các HTX, địa phương. Qua đó, nắm bắt sản lượng, đưa ra giải pháp tiêu thụ linh hoạt phù hợp thị trường. Nhờ vậy, việc liên kết tiêu thụ diễn ra thông suốt, hiệu quả, hạn chế tối đa hiện tượng “được mùa mất giá” và ùn ứ nông sản do thiếu thị trường tiêu thụ.
Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, đánh giá: Liên kết chuỗi mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, người sản xuất, người tiêu dùng trong nước và tham gia xuất khẩu. Do vậy, số chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn tăng lên từng năm, hình thành các vùng sản xuất an toàn tập trung, tạo động lực cho ngành nông nghiệp phát triển theo hướng nông nghiệp sản xuất hàng hóa.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, sự tham gia của các chủ thể vào các khâu trong chuỗi cung ứng của một số sản phẩm nông sản còn lỏng lẻo, thiếu tập trung. Sự kết nối giữa nguồn cung nông sản với thị trường tiêu thụ chủ yếu dựa vào thương lái, bán buôn, bán lẻ với quy mô khác nhau. Việc tồn tại nhiều khâu trung gian làm phát sinh chi phí lưu thông, khó truy xuất nguồn gốc nông sản, khó kiểm soát chất lượng sản phẩm. Sự cam kết giữa thương lái và người nông dân cũng mang tính chất mùa vụ, bị chi phối bởi sức mạnh của các nhà thu mua lớn.
Điểm kết nối tiêu thụ nông sản an toàn Sơn La trên sàn thương mại điện tử VN Post.vn. |
Thực tế đã chỉ ra, việc liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản là xu hướng tất yếu phát triển nông nghiệp bền vững. Tùy thuộc vào từng loại nông sản, mỗi doanh nghiệp lựa chọn phương thức liên kết khác nhau. Làm thế nào tránh tình trạng “đứt gãy” chuỗi liên kết luôn là điều trăn trở, là câu hỏi mỗi chủ thể tham gia trong chuỗi liên kết đặt ra.