Đẩy nhanh thông quan hàng hóa nông, thủy sản
Một trong những giải pháp mang lại hiệu quả tích cực thời gian qua là cơ quan Hải quan đã chủ động tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy nhanh thông quan hàng hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ.
Tổng cục Hải quan đã phối hợp chặt chẽ và thường xuyên với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc xây dựng các Nghị định thư giữa Việt Nam và Trung Quốc về yêu cầu kiểm dịch các mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Một số Nghị định thư đối với một số mặt hàng nông sản đã ban hành như: măng cụt, thạch đen, sầu riêng, khoai lang, chuối, dưa hấu, dừa…
Việc ký Nghị định thư là điều kiện bắt buộc và là cơ sở để nông sản của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Qua đó tạo tâm lý yên tâm để mở rộng sản xuất, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân và doanh nghiệp, góp phần ổn định kinh tế, xã hội ở các địa phương tham gia trồng, thu hái, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm này.
Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan hàng hóa, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo cục hải quan các tỉnh biên giới phía Bắc (Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên) kịp thời nắm bắt thông tin, chủ động triển khai thực hiện các giải pháp để tạo thuận lợi cho nông sản xuất khẩu, tránh tình trạng ùn tắc hàng nông sản xuất khẩu tại các đơn vị. Trong đó có yêu cầu tạo điều kiện và thực hiện thông quan ngay trong ngày đối với hàng hóa xuất khẩu là nông sản đến thời điểm thu hoạch chính vụ nói riêng và nông sản nói chung qua cửa khẩu biên giới; giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu hàng hóa; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin với cơ quan Kiểm dịch để thực hiện nhanh chóng.
Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc. |
Để nông sản được xuất khẩu thuận lợi, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các Chi cục Hải quan tại 7 cửa khẩu đang thực hiện thông quan hàng hóa để đưa 11 loại hoa quả được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc gồm: Thanh long, chôm chôm, mít, chuối, xoài, dưa hấu, sầu riêng, nhãn, măng cụt, vải và chanh dây vào diện hàng hóa "luồng xanh" - tức luồng thuận lợi, điều này giúp rút ngắn thời gian làm thủ tục hải quan.
Đặc biệt, cơ quan hải quan luôn bố trí cán bộ, lãnh đạo phụ trách trực để xử lý tờ khai của các DN trên hệ thống nền tảng cửa khẩu số 24/24 giờ, từ đây các tờ khai của doanh nghiệp đều được giải quyết ngay; chỉ thực hiện kiểm tra thực tế khi phát hiện lô hàng có dấu hiệu vi phạm. Với việc triển khai linh hoạt các giải pháp tạo thuận lợi trong thông quan phương tiện chở hoa quả tươi xuất khẩu nhanh chóng đã góp phần thu hút nhiều doanh nghiệp xuấ nhập khẩu đến với qua tỉnh Lạng Sơn…
Để thúc đẩy thông quan nhanh chóng và thuận lợi, rút ngắn thời gian lưu bến bãi, giảm chi phí cho doanh nghiệp nhất là những mặt hàng hoa quả tươi và nông sản xuất khẩu, Chi cục Hải quan Tân Thanh và lực lượng Bộ đội biên phòng Tân Thanh đã tạo luồng "xanh" ưu tiên giải quyết các thủ tục. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn lập các tổ hỗ trợ để bám sát hoạt động của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, qua đó hỗ trợ tối ưu nhất về thủ tục thông quan.
Rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật
Song song với việc tạo thuận lợi thông quan hàng hóa, đặc biệt là nông sản mùa vụ, Tổng cục Hải quan cũng chú trọng tăng cường công tác kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu; khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về kiểm tra chuyên ngành, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế để rút ngắn thời gian thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Một số đề án đã trình Chính phủ nhưng chưa được ban hành đang được Tổng cục Hải quan đang tiếp tục hoàn thiện theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền như: Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP và Nghị định số 59/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử.
Cụ thể, thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã tham gia ý kiến đối với dự thảo Quyết định ban hành Danh mục các mặt hàng phải kiểm tra hiệu suất năng lượng và dán nhãn năng lượng do Bộ Công Thương chủ trì. Qua rà soát cho thấy nhiều hàng hóa thuộc dự thảo Danh mục hàng hóa phải kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu của Bộ Công Thương nhưng cũng thuộc Danh mục hàng hóa nhóm 2 phải kiểm tra chất lượng của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định. Do vậy, cơ quan Hải quan đã kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ để thống nhất quản lý đối với các nhóm hàng này hoặc nghiên cứu cắt giảm hàng hóa cần quản lý, kiểm tra, tránh cùng một mặt hàng nhập khẩu phải chịu sự quản lý của nhiều cơ quan và phải thực hiện nhiều biện pháp quản lý, kiểm tra.
Công chức Hải quan kiểm tra hàng hóa. |
Bên cạnh đó, góp ý đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa. Trong đó, kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ bổ sung Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 5/1/2024, Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/1/2021 vào cơ sở pháp lý sửa đổi bổ sung Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa để nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật đáp ứng mục tiêu, yêu cầu theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản này.
Ngoài ra, kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu nội dung cải cách tại Quyết định số 38/QĐ-TTg để bổ sung quy định tại dự thảo Luật sửa đổi như bổ sung quy định về cơ quan kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu bao gồm “cơ quan Hải quan khi được bộ quản lý ngành, lĩnh vực chỉ định”; quy định quản lý, kiểm tra theo mặt hàng trong lĩnh vực kiểm tra chất lượng thay vì kiểm tra, quản lý theo từng nhà nhập khẩu.
Đối với việc xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật lĩnh vực hải quan, Tổng cục Hải quan cũng tập trung xây dựng, bảo đảm tiến độ chất lượng các dự án luật; nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Trong đó, một số thông tư đã ban hành như Thông tư 06/2024/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 81/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan; Thông tư 77/2024/TT-BTC quy định về chế độ đảm bảo thực hiện các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan.
Một số thông tư đang xây dựng như Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 69/2016/TT-BTC ngày 6/5/2016 quy định thủ tục hải quan đối với xăng dầu, hóa chất, khi xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh; nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất và pha chế hoặc gia công xuất khẩu xăng dầu, khí; dầu thô xuất khẩu, nhập khẩu; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phục vụ hoạt động dầu khí; Thông tư sửa Thông tư số 50/2018/TT-BTC ngày 23/5/2018 quy định chỉ tiêu thông tin, mẫu chứng từ khai báo khi làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh đối với phương tiện đường hàng không, đường biển, đường sắt, đường bộ và đường sông…