Theo dữ liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong tháng 10 đạt 69,19 tỷ USD, tăng 5,1% (tương ứng tăng 3,35 tỷ USD) so với tháng 9.
Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 35,59 tỷ USD, tăng 4,4% (tương ứng tăng 1,51 tỷ USD) và trị giá nhập khẩu đạt 33,60 tỷ USD, tăng 5,8% (tương ứng tăng 1,84 tỷ USD). Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam tron
Lũy kế 10 tháng 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt gần 648 tỷ USD, tăng 15,8%, tương ứng tăng 88,57 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 335,59 tỷ USD, tăng 14,9% (tương ứng tăng 43,54 tỷ USD) và tổng kim ngạch đạt 312,28 tỷ USD, tăng 16,8% (tương ứng tăng 45,03 tỷ USD), xuất siêu 23,3 tỷ USD.
Thương mại phục hồi tích cực, đơn hàng xuất khẩu đi các thị trường lớn đều tăng 2 con số, nhờ đó cải thiện số thu ngân sách từ xuất nhập khẩu.
Tổng cục Hải quan cho biết, số thu ngân sách nhà nước của ngành Hải quan trong 10 tháng năm 2024 đạt 346.283 tỷ đồng, bằng 92,3% dự toán, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2024 đạt gần 648 tỷ USD. (Ảnh minh họa) |
Một số nhóm hàng có kim ngạch tăng như nhóm các mặt hàng nhập khẩu nguyên liệu, máy móc thiết bị, phụ tùng nhập khẩu phục vụ sản xuất tăng 18,6%, làm tăng thu ngân sách khoảng 29.600 tỷ đồng. Than các loại nhập khẩu tăng 31,5% về lượng và tăng 13,2% về trị giá, làm tăng thu khoảng 3.200 tỷ đồng; dầu thô nhập khẩu tăng 28,5% về lượng và tăng 25,1% về trị giá, làm tăng thu khoảng 4.200 tỷ đồng.
Tốc độ tăng của kim ngạch xuất nhập khẩu chịu thuế cao hơn tốc độ tăng của số thu một phần do thực hiện chính sách ưu đãi thuế GTGT theo Nghị định số 94/2023/NĐ-CP ngày 28/12/2023.
Đáng chú ý, kết quả thu ngân sách từ xuất nhập khẩu trong tháng 10 đạt 38.298 tỷ đồng, tăng 16,8% so với tháng 9.
Sự gia tăng này đến từ kim ngạch một số mặt hàng nhập khẩu có trị giá lớn, thuế suất cao tăng như: Xăng dầu các loại tăng 59,7% về lượng và tăng 67,9% về trị giá, làm tăng thu 858 tỷ đồng; sắt thép các loại tăng 64,3% về lượng và tăng 52,4% về trị giá, làm tăng thu 1.095 tỷ đồng; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 10,3% về trị giá, làm tăng thu 584 tỷ đồng; linh kiện, phụ tùng ô tô tăng 22,6% về trị giá, làm tăng thu 492 tỷ đồng so với tháng 9/2024.
Đặc biệt, tình hình vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ, vàng qua biên giới có dấu hiệu gia tăng ở tuyến hàng không (trong kỳ phát sinh 2 vụ việc hành khách xuất nhập cảnh vận chuyển 6kg vàng qua biên giới tại sân bay quốc tế Nội Bài).
Hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép mặt hàng pháo nổ, đường kính trắng vẫn tiếp diễn ở địa bàn các tỉnh miền Trung và tuyến biên giới Việt - Lào. Tại các khu vực giáp biên giới Việt - Trung, Việt – Campuchia, hoạt động mua bán, vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc vẫn diễn biến phức tạp, nhất là đối với các mặt hàng thực phẩm, thuốc lá điếu, lá thuốc lá.
Theo Tổng cục Hải quan, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong tháng tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng 43,4% về số vụ, 279,3% về trị giá hàng hoá vi phạm, 74,2% các vụ việc vi phạm hành chính so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, số vụ vi phạm tại tuyến đường biển chiếm gần 50% số vụ phát hiện, bắt giữ và xử lý, tăng 61,3% so với cùng kỳ năm 2023. Tình hình hoạt động của tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, tiền chất qua biên giới vẫn diễn biến hết sức phức tạp tại tuyến đường hàng không, chuyển phát nhanh, các cửa khẩu biên giới đường bộ, đường biển, đặc biệt nổi lên là tuyến đường hàng không và tuyến đường biển.
Trước tình hình trên, với vai trò Cơ quan tham mưu, giúp việc cho Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban chỉ đạo 389 Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã có văn bản chỉ đạo, cảnh báo toàn ngành tăng cường trong công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại như: Tăng cường công tác đấu tranh, ngăn chặn tôm hùm giống nhập khẩu; Phòng, chống vận chuyển trái phép lợn qua biên giới Tây Nam vào Việt Nam. Sơ kết Kế hoạch kiểm soát ma tuý và hoạt động xuất, nhập khẩu tiền chất ma tuý của Ngành năm 2024.
Triển khai chiến dịch ANNEX về kiểm soát ma tuý trên tuyến chuyển phát nhanh trong khuôn khổ hoạt động của Nhóm CECWG do cơ quan Hải quan Việt Nam chủ trì điều phối với sự tham gia của 9 nước ASEAN.