Giá gạo, học phí và giá dịch vụ y tế đẩy CPI tháng 11 tăng 0,25% Gạo Việt Nam dồn dập đón tin vui Giá lúa gạo hôm nay (4/12) ít biến động |
![]() |
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam lập đỉnh mới, đạt 663 USD một tấn |
Dữ liệu từ Hiệp hội Lương Thực Việt Nam cho thấy tuần qua, giá gạo xuất khẩu liên tục tăng mạnh. Kết phiên 4/12, gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam tăng từ 650 USD lên 663 USD một tấn. Mức này cao nhất từ trước đến nay (không tính năm 2008, giá gạo 5% tấm xuất khẩu có lúc đạt 1.000 USD một tấn, nhưng khi đó Chính phủ ngừng xuất khẩu nên gần như không có thương nhân nào bán được giá này).
Tương tự, gạo Thái Lan từ dưới 600 USD cũng bật lên 625 USD một tấn, tăng 8% so với tháng trước đó. Với hàng Pakistan, trước đây chỉ quanh 500-550 USD một tấn, nay lên sát 600 USD.
Ông Phạm Quang Diệu - Kinh tế trưởng Công ty CP Phân tích và dự báo thị trường Việt Nam (Agro Monitor) cho rằng, để có thể tận dụng cơ hội xuất khẩu trong năm 2024, các doanh nghiệp phải hết sức thận trọng khi quyết định ký hợp đồng giao xa vì nguồn cung hạn hẹp, vốn tín dụng khó khăn.
Trường hợp, các ngân hàng có thể thúc đẩy tín dụng cho ngành gạo, các doanh nghiệp hưởng lợi nhiều hơn trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu.
Ông Dương Đức Quang - Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, hiện nay, giá bán gạo của Việt Nam đang cao hơn gạo xuất khẩu của Thái Lan và Ấn Độ, tuy nhiên nhu cầu đối với gạo Việt Nam vẫn khá lớn.
“Với những lo ngại về sụt giảm nguồn cung nghiêm trọng do ảnh hưởng của El Nino, tôi cho rằng giá gạo vẫn còn nhiều dư địa tăng trong những tháng tiếp theo, giá cao hoàn toàn có thể tăng thêm từ 15 – 20%", ông Quang cho hay.
Hiện tại, nhiều nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long đang xuống giống vụ Đông Xuân (vụ quan trọng nhất trong năm) và chỉ khoảng hơn 3 tháng nữa là Việt Nam có thể tiếp tục trở thành nguồn cung gạo quan trọng cho thế giới.
Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, Việt Nam có số lượng giống lúa năng suất, chất lượng cao chiếm 85-90% giúp đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu. Với sản lượng trên 43 triệu tấn lúa, ngoài việc dành cho tiêu thụ nội địa, chế biến, dự trữ, Việt Nam có thể đảm bảo xuất khẩu 7,5-8 triệu tấn gạo.
![]() |
Ảnh Vnexpress |
Thống kê mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy 11 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt con số kỷ lục với giá trị là 4,4 tỷ USD, tăng 36,3%; về lượng đạt 7,75 triệu tấn.
Hiện, gạo Việt Nam được nhiều quốc gia như Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ghana... tranh mua với số lượng lớn vì chất lượng ngày càng nâng cao, nguồn cung dồi dào. Hôm 30/11, gạo Việt cũng vừa được vinh danh ngon nhất thế giới do The Rice Trader (Mỹ) tổ chức.
Mới đây, ngành lúa gạo cũng nhận tin vui khi Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký quyết định phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030".
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định, vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở ĐBSCL là nội dung mang tính đột phá trong tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa; đồng thời bảo đảm phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tăng, đóng góp vào tăng trưởng xanh...
Bộ trưởng chỉ rõ, con đường lúa gạo không chỉ dừng ở hạt gạo. Chúng ta tích hợp đa giá trị, là kinh tế tuần hoàn. Từ rơm, trấu, cám... có thể làm được rất nhiều sản phẩm khác, tại sao không tận dụng? Tích hợp đa giá trị, chúng ta bán cả gói sản phẩm từ gạo, đó là đích đến.
![]() |
![]() |
![]() |