Công dụng tuyệt vời của hạt gấc ngâm rượu bạn đã biết? Công dụng bất ngờ của quả gấc đối với sức khỏe Vì sao gấc được gọi là loại quả đến từ thiên đường? |
Tên gọi khác của gấc là mộc miết, tên khoa học là Momordica cochinchinensis, thuộc họ: cây gấc thuộc họ bầu bí (Cucurbitaceae).
Gấc là một loại dây leo, mọc hoang và được trồng khắp nơi, nhiều nhất là ở miền bắc. Gấc trồng bằng hạt hay dâm cành vào các tháng 2-3, trồng một năm thu hoạch nhiều năm.
Lá cây gấc có hình dáng chân vịt và phân thành khoảng 3 đến 5 dẻ, kích thước mỗi lá khoảng 8-18 cm. Các lá của cây gấc màu xanh mọc so le nhau bằng khoảng bàn tay người lớn.
Hoa gấc được phân thành hoa đực và hoa cái, hoa đực có lá bắc to hơn hoa cái. Mỗi năm hoa chỉ nở một lần sau khoảng thời gian 2 đến 3 tháng được trồng và chăm sóc. Hoa gấc có màu vàng nhạt đặc trưng.
Quả gấc khi chín có màu đỏ tươi đẹp mắt, quả hơi thuôn hoặc tròn dài khoảng 12cm và có đường kính khoảng 10cm. Vỏ quả gấc có những gai nhỏ bao quanh, lúc còn non có màu xanh, khi chín chuyển sang cam và đỏ.
Thời gian thu hoạch quả vào khoảng tháng 9 đến tháng 12 hằng năm.
Cây gấc là một loại cây có nguồn gốc từ vùng phía nam Trung Quốc và Đông Bắc của nước Úc. Cây gấc từ lâu đời đã trở thành loại cây rất quen thuộc với người dân Việt Nam. Cây gấc vô cùng có ý nghĩa đối với đời sống, nó là nguyên liệu cho nhiều món ăn truyền thống và cũng là một trong những vị thuốc chữa bệnh hiệu quả.
Bộ phận sử dụng làm thuốc là màng hạt và nhân hạt.
Thành phần hóa học
Trong quả gấc có thành phần beta-carotene và lycopene cao gấp 54 lần so với cà rốt và 200 lần so với cà chua.
Lớp màng hạt của quả gấc chín rất giàu axit béo và carotenoid. Ngoài ra, hàm lượng vitamin E, các axit béo không bão hòa, hợp chất polyphenol và flavonoid cũng tương đối cao.
Dầu gấc còn chứa các nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể như sắt, đồng, kali và kẽm. Hàm lượng vitamin A trong dầu gấc cao gấp 1,8 lần so với dầu gan cá thu, 15 lần so với cà rốt và 68 lần so với cà chua.
Ngoài ra, bên trong hạt gấc còn chứa các thành phần như protein, lipit, đường, tannin, cellulosse, trong lá gấc chứa vitamin E, trong thân, rễ gấc chứa chondrilasterol, momorcochin, cucurbitadienol, glucoprotein và glycosid.
Theo y học cổ truyền
Hạt gấc: có vị đắng, tính ngọt. Quy vào kinh can, tỳ, vị, màng hạt: có vị ngọt, tính bình. Quy vào kinh can, tỳ, vị. Gấc được sử dụng để chữa trị mụn nhọt, quai bị, sưng vú, tắc tia sữa, trĩ.
Bài thuốc sử dụng gấc
Chữa sưng vú
Hạt gấc bỏ vỏ, sao vàng, tán bột mịn, uống mỗi ngày nửa thìa cà phê sau bữa ăn, ngày uống 2 lần, cần uống 5 ngày liền, bên ngoài dùng nhân hạt gấc mài với giấm hoặc ngâm rượu bôi vào chỗ đau, ngày 3-4 lần. 6.
Hoặc: Nhân hạt gấc, giã nát, hòa với rượu đắp vào nơi tổn thương sưng vú, cố định bằng gạc và băng dính, đắp liên tục, ngày thay thuốc một lần.
Chữa chai chân
Nhân hạt gấc (giữ cả màng hạt) đem giã nát, thêm một ít rượu trắng 35-40 độ, bọc trong một cái túi polyethylen, dán kín miệng túi, đục một lỗ nhỏ rộng gần bằng chỗ chai chân, buộc vào nơi tổn thương, 2 ngày thay thuốc một lần.
Làm đẹp da mặt
Rửa sạch mặt, cho một chút dầu gấc (khoảng 5ml) ra tay sau đó thoa đều lên mặt và xoa đều nhẹ nhàng từ 15 - 20 phút cho thấm đều vào da. Tránh các vùng mắt và miệng. Đợi khoảng 30 phút, sau đó rửa lại mặt với nước ấm.
Trị mụn trứng cá, giúp da sáng mịn
Cùi quả gấc chín lượng vừa đủ, dằm nhuyễn, thêm vài giọt nước cốt chanh. Rửa sạch mặt, bôi hỗn hợp đó lên mặt, để khoảng 30 phút, sau đó rửa lại bằng nước sạch. Tác dụng dưỡng da, trị mụn trứng cá rất tốt./.
Chữa sang chấn đụng giập trong những trường hợp bị ngã, bị thương, tụ máu
Dùng hạt gấc đốt vỏ ngoài cháy thành than (nhân bên trong chỉ vàng, chưa cháy), cho vào cối giã nhỏ, cứ khoảng 30-40 hạt thì cho 400-500 ml rượu vào ngâm để dự trữ dùng dần. Dùng rượu ngâm hạt gấc bôi vào chỗ sang chấn, có tác dụng tốt gần như mật gấu.
Chữa trĩ, lòi dom
Hạt gấc giã nát, thêm một ít giấm thanh, đắp vào hậu môn, cố định bằng vải gạc và băng dính. Để qua đêm. Sau mỗi đêm lại thay thuốc một lần.
Chữa răng lợi sưng đau chảy máu
Hạt gấc nướng chín, giã nhỏ hòa nước ngậm khoảng 30 phút rồi nhổ đi.
Chữa khô mắt, mờ mắt
Mỗi khi mắt bị khô, mờ hoặc muốn bổ sung vitamin A để làm sáng mắt, sạm da, bạn có thể sử dụng dầu gấc trộn vào thức ăn đã nấu chín hoặc uống, mỗi ngày khoảng 10g (2 muỗng cà phê) tương đương 700 microgram vitamin A. Nếu là dầu gấc nguyên chất ép từ màng gấc đã phơi, sấy khô thì liều dùng cho trẻ em hàng ngày chỉ cần 8 giọt.
Chữa quai bị
Khi trẻ nhỏ bị quai bị, bạn có thể sử dụng 3 - 4 hạt gấc. Sau đó đốt thành than cùng quai bị cói hoặc chiếu rách 5g đốt thành than. Cứ thế, trộn đều 2 thứ trên với nhau rồi hòa với dầu vừng bôi vào chỗ viêm sưng chỉ vài hôm là khỏi.
Chữa sốt rét có báng
Hạt gấc và vảy tê tê, hai vị bằng nhau, sấy khô tán bột. Mỗi lần dùng 2g hòa với rượu ấm uống lúc đói.
Chữa sưng đau
Khi bị sưng đau, để giảm bớt tình trạng này, bạn nên dùng 2-3 hạt gấc đem mài nhỏ. Sau đó, cho hạt gấc vào giấm hay rượu bôi nhiều lần vào chỗ sưng đau.
Hoặc bạn có thể làm cách khác bằng cách sử dụng 3 - 4 hạt gấc đốt thành than, trộn đều với dầu vừng hoặc giấm thanh hay rượu. Sau đó bôi đều lên chỗ sưng ngày 3 - 4 lần sẽ có tác dụng giảm đau, tiêu sưng rất tốt.
Lưu ý khi sử dụng gấc
Trong quá trình sử dụng gấc để hỗ trọ điều trị một số bệnh bạn nên làm sạch vết thương hoặc vùng da cần điều trị để tránh vi khuẩn xâm nhập gây bệnh.
Dầu gấc có chứa nhiều dưỡng chất và rất tốt cho sức khỏe nhưng ăn quá nhiều lại dẫn đến nhiều nguy hại cho sức khỏe. Người lớn chỉ nên uống 1 – 2ml dầu gấc mỗi ngày. Nên uống trước khi ăn và có thể chia thành 2 lần uống trong ngày.
Cẩn thận khi dùng hạt gấc để tránh ngộ độc. Chỉ nên dùng hạt gấc để bôi da, không nên dùng qua đường uống một cách bừa bãi. Chỉ sử dụng hạt đã nướng chín.
Rượu hạt gấc chỉ dùng bôi ngoài da và không bôi vào những vùng có vết thương hở. Liều lượng bôi mỗi ngày chỉ từ 2g - 4g.
Rượu ngâm hạt gấc khi sử dụng để uống cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ quả vải |
Loại quả mọc dại có nhiều công dụng với sức khoẻ |
Ăn gì, uống gì để giữ giọng nói khỏe mạnh? |