Rau bạc hà đã được EU đưa ra khỏi danh mục kiểm soát |
Cụ thể, ngày 27/1 vừa qua, EU đã đăng công báo Quy định số (EU) 2023/174, ban hành ngày 26/1/2023, sửa đổi Quy định (EU) 2019/1793 về việc áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp một số thực phẩm được nhập khẩu vào EU.
Theo đó, đối với Việt Nam, các mặt hàng gia vị vốn bị kiểm soát ở mức 50% tại lần thông báo trước như rau mùi, húng quế, bạc hà, mùi tây đã được đưa ra khỏi danh mục kiểm soát. Hiện tại chỉ còn ớt nằm trong danh mục kiếm soát tại cửa khẩu của EU với tần suất kiểm chất lượng là 50%.
Tuy nhiên, đậu bắp đã bị chuyển từ phụ lục I sang phụ lục II với yêu cầu chứng thư kiểm soát thuốc trừ sâu của Việt Nam và tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật tại cửa khẩu EU là 50%.
Thanh long và mỳ tôm vẫn nằm trong phụ lục II với yêu cầu chứng nhận thuốc bảo vệ thực vật của Việt Nam và tần suất kiểm tra tại cửa khẩu EU là 20%.
Quy định này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ 20 kể từ ngày đăng công báo.
Thanh Long vẫn nằm trong phụ lục II với yêu cầu chứng nhận thuốc bảo vệ thực vật của EU |
Trước đó, ngày 23/1/2023, EU đăng công báo quy định implementation regulation (EU) 2023/147 ngày 20/1/2023 về sửa đổi phụ lục II, III và V của quy định 396/2005 về ngưỡng dư lượng cyromazine (chất trừ sâu), topramezone (diệt cỏ) và triflumizole (diệt nấm) trong hoặc trên một số sản phẩm.
Theo đó, ngưỡng dư lượng của cyromazine trên trái cây tươi/đông lạnh và các loại hạt là 0,01 mg/kg; trên rau tươi/đông lạnh là 0,01 mg/kg; trên hạt dầu và quả có dầu là 0,01 mg/kg; trên ngũ cốc là 0,02 mg/kg; trên trà, cà phê, trà thảo dược và cacao là 0,1 mg/kg; trên sản phẩm từ động vật từ 0,01-0,05 mg/kg
Ngưỡng dư lượng của topramezone trên trái cây tươi/đông lạnh và các loại hạt là 0,005 mg/kg, trên rau tươi/đông lạnh là 0,005 mg/kg, trên hạt và quả có dầu là 0,005 mg/kg, trên ngũ cốc là 0,01 mg/kg; trên trà, cà phê, trà thảo dược và cacao là 0,02 mg/kg; trên sản phẩm từ động vật từ 0,002-0,01 mg/kg.
Ngưỡng dư lượng của triflumizole trên trái cây tươi/đông lạnh và các loại hạt là 0,02 mg/kg, trên rau tươi/đông lạnh là 0,02 mg/kg, trên hạt và quả có dầu là 0,02 mg/kg, trên ngũ cốc là 0,02 mg/kg; trên trà, cà phê, trà thảo dược và cacao là 0,1 mg/kg; trên sản phẩm từ động vật từ 0,01-0,05 mg/kg.
Quy định này có hiệu lực sau 20 ngày đăng công báo và sẽ được áp dụng sau 6 tháng có hiệu lực.
Chính vì vậy các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thực phẩm, các sản phẩm có nguồn gốc động, thực vật cần sớm cập nhật để thực hiện đúng quy định mới tại thị trường này.
Tiềm năng thị trường, nhu cầu tiêu dùng rau quả nhiệt đới mới lạ tại EU tăng cao, trong đó sản phẩm rau quả tươi tăng từ 15-20%/năm; sản phẩm chế biến tăng trên 30%. Quy định thủ tục đối với sản phẩm thực vật của EU theo hướng hậu kiểm, khác với quy định một số nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Bộ NN&PTNT đánh giá, thị trường EU ngày càng có nhu cầu cao đối với các loại rau quả nhiệt đới của Việt Nam. Chất lượng rau quả của Việt Nam ngày càng cải thiện, có khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường. Nhiều dòng rau quả nếu như trước đây chịu mức thuế suất 10-20% thì nay về 0%, tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn đối với các nước chưa có FTA như Thái Lan, Trung Quốc và một số nước châu Mỹ Latinh.