![]() |
Người tiêu dùng mua gạo “Cơm ViệtNam Rice” tại điểm bán của tại siêu thị E.Leclerc (Pháp) |
Gạo Việt xuất hiện tại siêu thị hàng đầu nước Pháp
Tổng Giám đốc tập đoàn Lộc Trời Nguyễn Duy Thuận cho biết, tháng 9 vừa qua, 1.000 tấn gạo đầu tiên mang thương hiệu Việt Nam “Cơm ViệtNam Rice” của tập đoàn đã chính thức được bày bán tại siêu thị E.Leclerc lớn nhất của Pháp với 40.000 điểm bán.
Lộc Trời là doanh nghiệp đầu tiên mang gạo “made in Việt Nam”, được đóng gói trong bao bì riêng và đăng ký mẫu mã quốc tế vào hệ thống siêu thị bán lẻ hàng đầu nước Pháp. Thông tin từ Tập đoàn này cho biết, điều đáng mừng là chỉ sau 4 tuần, 1.000 tấn gạo trên đã được tiêu thụ hết.
![]() |
500 tấn gạo mang thương hiệu riêng của Tập đoàn Lộc Trời- “Cơm Việt Nam Rice” xuất sang thị trường Châu Âu |
Trong năm nay sẽ không còn gạo thương hiệu “Cơm ViệtNam Rice” để bán tại hệ thống siêu thị trên bởi với thị trường châu Âu phải đặt hàng mới trồng và xuất bán được. Tuy nhiên, đây là khởi đầu tốt đẹp, tín hiệu tích cực để mặt hàng gạo nói riêng và các loại nông sản thế mạnh khác của Việt Nam có thể tiến sâu hơn vào thị trường châu Âu vốn đòi hỏi rất cao về chất lượng.
Sau đơn hàng đầu tiên của mặt hàng gạo mang thương hiệu “Cơm ViệtNam Rice” vào thị trường châu Âu, đến cuối tháng 9, tập đoàn Lộc Trời tiếp tục nhận được đơn hàng cho năm 2023 là hơn 400 ngàn tấn, mở ra giai đoạn phát triển mới cho tập đoàn và cả ngành lúa gạo Việt Nam, từng bước đưa gạo thương hiệu Việt vào phân khúc tiêu dùng cao cấp hơn.
Cần tuân thủ tiêu chuẩn xuất khẩu
Nhận định thị trường châu Âu mang đến rất nhiều cơ hội xuất khẩu nông sản nói chung của Việt Nam với giá trị gia tăng lớn. Song, nắm bắt được cơ hội này không dễ dàng. Theo CEO Nguyễn Duy Thuận, Lộc Trời đã có nhiều năm chuẩn bị và thay đổi để nhận được lời mời hợp tác của các người mua trực tiếp tại châu Âu, cụ thể là một số phần việc chính.
Thứ nhất, các nước châu Âu đưa ra 3 chiến lược và 6 nhiệm vụ tập trung với các đối tác xuất khẩu. Lộc Trời đã thực hiện các nhiệm vụ trên từ năm 2016 và đáp ứng được toàn bộ tiêu chuẩn châu Âu yêu cầu, từ sản xuất, bán lẻ cho đến môi trường và lực lượng lao động. Đó là cơ sở để năm 2020 khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, Lộc Trời là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu gạo sang châu Âu. 2 năm sau, Lộc Trời xây dựng thương hiệu riêng và xuất khẩu trực tiếp, không phải qua các đối tác.
Thứ hai, doanh nghiệp quy hoạch vùng trồng, hợp tác với bà con nông dân, với chính quyền địa phương, đảm bảo truy xuất nguồn gốc toàn bộ lúa gạo sản xuất tại Việt Nam và xuất sang châu Âu.
Thứ ba, đây là yêu cầu rất quan trọng của những người bán lẻ tại châu Âu khi mua hàng trực tiếp với các đối tác tại Việt Nam. Đó là sự đồng thuận và chia sẻ quyền lợi với người sản xuất, đặc biệt là bà con nông dân. Sau khi được người bán lẻ tại châu Âu khuyến nghị, Lộc Trời đã thực hiện chính sáchxuyên suốt: khi bán được giá cao, Lộc Trời mua lúa gạo của bà con nông dân với giá cao hơn thị trường.
![]() |
Đợt hàng gần 500 tấn gạo thương hiệu “Cơm Việt Nam Rice” chủ yếu là gạo thơm, trong đó có gạo thơm độc quyền Lộc Trời 28. |
Thứ tư, Lộc Trời cam kết số hoá, ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử. Hiện tập đoàn có 1.200 kỹ sư nông nghiệp làm việc trên đồng ruộng mỗi ngày, 120 máy bay không người lái cũng như hàng ngàn điện thoại thông minh được trang bị cho nông dân để tăng cường ứng dụng công nghệ trong kết nối giữa sản xuất, tiêu thụ.
Hoạt động của tập đoàn đã được số hoá và quốc tế hoá toàn bộ, từ vận hành, điều hành quản lý tổng thể từ văn phòng đến áp dụng quy trình canh tác, giám sát các khâu sản xuất, tiêu thụ hàng hóa đều trên phần mềm và đảm bảo tiêu chí văn phòng không giấy; đồng ruộng không dấu chân. Trong đó, khoảng 110.000 ha lúa tại tỉnh An Giang áp dụng sản xuất không giao dịch tiền mặt.
Bên cạnh đó, một số địa phương đã tổ chức bản đồ số trong canh tác. Đây cũng là việc đầu tiên để tạo ra cánh đồng lớn, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên quy mô lớn.
Thứ năm, tất cả sản phẩm lúa gạo của Lộc Trời đã đạt tiêu chuẩn COP zero - sản xuất không gây ra phác thải khí hậu. Năm 2022, doanh nghiệp được xác nhận là trồng lúa tạo ra được chứng chỉ các-bon và có thể cung cấp được trên thị trường các-bon thế giới.
Tuân thủ các tiêu chuẩn xuất khẩu chính là bí quyết để hạt gạo Việt rộng đường xuất khẩu sang các thị trường lớn. Khi xuất khẩu sang thị trường cao cấp, sẽ gia tăng giá trị hạt gạo và từng bước nâng tầm thương hiệu nông sản Việt Nam./.