Tàu cá khai thác xa bờ cập cảng Đá Bạc (TP. Cam Ranh) để tiêu thụ thủy sản. |
Trước đó, ngày 27/10/2021, Tổng cục Thuỷ sản đã có buổi làm việc trực tuyến với EC, qua đó, phía EC tiếp tục khẳng định Việt Nam đã rất nỗ lực và có sự quan tâm chỉ đạo sát sao từ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đối với 4 nhóm khuyến nghị của EC gồm: Khung pháp lý; quản lý, theo dõi, giám sát tàu cá; truy xuất nguồn gốc và chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản cho biết, những nội dung rà soát, sửa đổi trong khung pháp lý của Việt Nam về cơ bản đều được EC đồng thuận cao. Với nhóm khuyến nghị về truy xuất nguồn gốc, thời gian qua hàng hoá xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu có mức độ sai sót và bị trả lại rất ít so với những năm trước và Việt Nam đang thực hiện tương đối tốt nội dung khuyến nghị này.
Về nhóm khuyến nghị thực thi pháp luật, hiện nay các địa phương cũng đang thực hiện rất tích cực trên cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con ngư dân. Đối với những trường hợp vi phạm hoặc tái phạm, các địa phương cũng tăng cường công tác xử phạt để tiến tới nhanh chóng chấm dứt tình trạng vi phạm trong khai thác, đặc biệt là vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài.
Việt Nam đang nỗ lực trong việc gỡ "thẻ vàng" thủy sản |
Ông Nguyễn Quang Hùng cho biết, dự kiến, nếu dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, trong quý I/2022 EC sẽ sang kiểm tra trực tiếp tại các cảng cá của các địa phương, qua đó sẽ đưa ra những khuyến cáo mới cho lộ trình gỡ “thẻ vàng” IUU của Việt Nam.
"Với những nỗ lực và chuyển biến tích cực tôi tin phía EC sẽ không rút thẻ đỏ mà sẽ tiếp tục cảnh báo “thẻ vàng” đến khi nào chúng ta chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài và thực hiện 4 nhóm khuyến nghị của EC.
Phía EC đánh giá chúng ta đang đi đúng hướng và có những tiến bộ rất tích cực và những chậm trễ trong việc khắc phục 4 nhóm khuyến nghị là do có những yếu tố khách quan vì số số lượng tàu cá của chúng ta rất lớn và nghề cá của Việt Nam là nghề cá truyền thống quy mô nhỏ vì vậy việc khắc phục 4 nhóm khuyến nghị cần phải có thời gian và lộ trình hợp lý", ông Hùng cho biết thêm.
Theo thông kê của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2021, xuất khẩu hàng hóa của ngành NN&PTNT đã được mở rộng ra nhiều thị trường hơn, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đạt mức cao kỷ lục trên 48,6 tỉ USD.
Đặc biệt, năm 2021, có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, trong đó có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỉ USD là gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo, caosu.
Dù gặp nhiều khó khăn, những thủy sản vẫn giành vị trí "á quân", xuất khẩu thủy sản cũng đã vượt qua 3 tháng "đóng băng" do COVID-19, "trở mình" ngoạn mục đưa về giá trị kim ngạch 8,9 tỉ USD, tăng 5,6% về trị giá so với năm 2020. Đây là mức trị giá cao nhất từ trước đến nay.
Dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2022 sẽ tiếp tục tăng, đạt 2,1 triệu tấn, trị giá 9,2 tỷ USD, tăng 4% về lượng và tăng 3,5% về trị giá so với năm 2021 nhờ nhu cầu nhập khẩu thủy sản thế giới ở mức cao và những ưu đãi từ các FTA.