Để phát triển nông nghiệp bền vững trong xây dựng nông thôn mới, những năm qua, Đồng Nai triển khai nhiều chính sách ưu tiên, hỗ trợ để phát triển sản xuất sạch, sản xuất an toàn. Tỉnh đã nhân rộng được hàng trăm hécta cây trồng đạt chuẩn VietGAP. Mô hình này cũng không ngừng được nhân rộng trong lĩnh vực chăn nuôi.
Trước cơ hội ngày càng lớn của cả thị trường nội địa và xuất khẩu về thực phẩm sạch, nhiều nông dân đã thực sự có nhận thức mới, mạnh dạn đầu tư sản xuất sạch. Họ cũng chủ động tìm cho mình những hướng đi riêng để có “đầu ra” cho sản phẩm an toàn, nhắm vào kênh bán lẻ đối với khách hàng có điều kiện kinh tế, thu nhập ổn định muốn sử dụng sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn.
Đồng Nai hướng đến mô hình sinh học, sản xuất sản phẩm an toàn
Thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại các vùng sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các địa phương tuyên truyền, định hướng cho người sản xuất sử dụng các loại phân bón, thuốc trừ sâu cho cây trồng. Ngoài ra, sử dụng kháng sinh và thức ăn cho vật nuôi ít tác động đến môi trường đất, nước, không khí mà vẫn đảm bảo năng suất, chất lượng.
Từ nhiều nguồn vốn, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng hơn 1,1 ngàn bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật, trung bình mỗi năm thu gom 6,3 tấn chất thải nguy hại, hỗ trợ xây dựng hàng ngàn công trình khí sinh học, triển khai dự án ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, khuyến khích và có cơ chế hỗ trợ cho các mô hình sản xuất nông nghiệp theo quy trình GAP.
Ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đưa ra danh mục thuốc bảo vệ thực vật khuyến cáo sử dụng, trong đó ưu tiên các loại thuốc có nguồn sinh học; tăng cường thanh kiểm tra về hoạt động buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn cho nông dân sử dụng phân hóa học cân đối để hạn chế đất chai cằn, ô nhiễm môi trường.
Ông Trần Văn Phi, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, thời gian qua, Hội Nông dân các cấp thường xuyên lồng ghép chương trình bảo vệ môi trường nông thôn vào các cuộc họp, tập huấn để nâng cao ý thức cho các hội viên. Tại nhiều cánh đồng, Hội đã phối hợp với các công ty sản xuất - kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật đặt những thùng thu gom chai lọ, bịch đựng thuốc và định kỳ thu gom tiêu hủy. Ngoài ra, Hội vận động nông dân áp dụng các mô hình sản xuất an toàn, thu gom rác thải.
Từ cách làm trên, môi trường nông thôn ở nhiều nơi đã được cải thiện tốt hơn, nhưng nguy cơ ô nhiễm vẫn hiện hữu. Đó là nhiều bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật không đáp ứng được các tiêu chí đề ra (bể kín, có đáy, nắp đậy), việc thu gom rác ở các bể chứa thất thường dẫn đến nguy cơ ô nhiễm từ bể chứa; số lượng người nông dân sử dụng phân và thuốc hóa học vượt mức an toàn nhiều. Một lượng lớn khí ở hầm biogas chưa được sử dụng như một nguồn năng lượng tái tạo. Do đó, muốn môi trường nông thôn thực sự xanh, người nông dân phải thay đổi thói quen, áp dụng quy trình sản xuất sạch, theo hướng hữu cơ, sử dụng các loại phân bón, thuốc ít gây hại cho môi trường.
Mai Quỳnh