Xuất hiện thêm dòng cá sang chảnh cá Koi để phục vụ dịp Tết ông Công ông Táo. |
Mới lạ với cá Koi cúng ông Công ông Táo
Chợ cá đầu mối lớn nhất Thủ đô ở Yên Sở mỗi ngày tiêu thụ hàng chục tấn cá từ các tỉnh đổ về. Năm nào cũng vậy, trước ngày ông Công ông Táo (23 tháng Chạp), chợ cá đầu mối Yên Sở đỏ rực màu cá chép đỏ - "phương tiện" không thể thiếu trong mâm cỗ cúng theo phong tục tập quán.
Khách hàng tìm tới chợ cá Yên Sở chủ yếu là các khách buôn. Họ mua cá theo cân, về chia thành các túi để bán theo con. Điều đặc biệt nhất, tại chợ đầu mối Yên Sở khoảng 2 năm nay ngập tràn cá Koi - giống cá cảnh nguồn gốc từ Nhật Bản được lai tạo với cá chép đỏ ta.
Thị trường cá chép cúng ông Công ông Táo bắt đầu sôi động. |
Anh Nguyễn Văn Hùng, thương lái chợ đầu mối cho hay, cá chép đỏ, cá Koi lai hầu hết đều từ các huyện Hạ Hòa, Cẩm Khê (Phú Thọ) chuyển lên. Nhiều năm qua, các huyện này tập trung nuôi cá chép chỉ để phục vụ cho ngày tết ông Công ông Táo.
Ngoài Hạ Hòa, Cẩm Khê, các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng cũng là nguồn cung cấp "phương tiện đi lại" của ông Công ông Táo lên chầu Ngọc Hoàng.
Lý giải việc bán cả cá Koi lai phục vụ tết ông Công ông Táo, anh Hùng cho hay, cá Koi thuần chủng giá rất đắt, nhưng khi lai tạo với cá chép đỏ của ta lại rất khỏe, tăng trưởng nhanh, phàm ăn. Người nuôi cá đã chủ động nhân giống thành các F2, F3... để bán, giá cả cũng không chênh lệch so với cá chép đỏ của ta.
Người mua có thể lựa chọn cá chép đỏ hoặc cá Koi lai để cúng ông Công ông Táo. |
Cá Koi sang chảnh bán theo cân để cúng ông Táo
Anh Đỗ Văn Đoàn - người nuôi cá chép đỏ ở làng Hội Am (Cao Minh, Vĩnh Bảo, Hải Phòng) mỗi năm cung cấp ra thị trường một lượng lớn cá Koi dịp Tết ông Táo cho biết: Đây không phải cá Koi thuần chủng mà là các đời F sau. Người nuôi cá ở Hội Am mua cá bột rồi ương dưỡng. Khi cá Koi đạt kích cỡ từ 5 - 10 con/kg thì được xuất bán theo cân. Giá năm nay khoảng 100 - 250 nghìn đồng/kg tùy theo màu sắc, kích cỡ. Bởi vậy người mua chỉ mất vài chục nghìn lá có cá Koi cúng tiễn ông Công ông Táo về trời.
Hiện gia đình anh Đoàn có trên 1ha ao nuôi cá. Ngoài cá chép Koi, anh cũng nuôi cả các loại chép đỏ truyền thống để phục vụ thị trường.
Cá Koi được chuẩn bị để phục vụ khách mua cúng ông Công ông Táo. |
"Đến nay, thương lái trong và ngoài thành phố đã liên hệ với tôi để đặt mua số lượng lớn các loại cá chép dịp Tết ông Công ông Táo. Trong đó cáp chép ta loại 20-30 con/kg có giá 60 - 70 nghìn đồng/kg. cá chép Tam Dương 90 - 110 nghìn đồng/kg. Với mức giá bán này, vụ cá này dự kiến thu lãi 10 đến 15 triệu đồng/sào. Cao gấp 5 đến 7 lần cấy lúa và trồng rau màu" anh Đoàn cho biết.
Cũng như gia đình anh Đoàn, hàng trăm hộ nuôi cá ở Hội Am cũng đang kỳ vọng vụ cá thắng lợi. Hiện có khoảng 400 hộ nuôi cá với tổng diện tích 80ha, trong đó có 10ha dành riêng nuôi cá chép đỏ, cá koi cúng tết ông Công ông Táo.
Cá Koi Cúng ông Công ông Táo có đi ngược văn hóa truyền thống?
Cá Koi cũng thuộc họ hàng nhà cá chép, màu đỏ sắc và đậm hơn cá chép Việt Nam. Cá chép Koi sống khỏe và màu sắc đa dạng. Chính vì vậy không ít người đã thay thế cá chép bằng cá Koi để thả trong ngày cúng ông Công ông Táo.
Nhìn nhận việc thay thế chép Koi để cúng Tết ông Công ông Táo hiện có hai luồng ý kiến trái chiều. Một bên cho rằng việc cúng ông Công ông Táo nên thực hiện theo tục lệ truyền thống của người dân Việt Nam truyền lại qua bao đời nay. Một bên khác lại nói rằng việc dùng cá chép hay đốt vàng mã chỉ mang biểu tượng tâm linh nên cá chép của Việt Nam hay cá Koi Nhật Bản đều không có vấn đề gì. Tùy vào điều kiện của mỗi người.
Tuy nhiên Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nguyễn Hùng Vĩ giải thích: “Sở dĩ cúng cá chép vì theo quan niệm dân gian cá chép hoá rồng và bay lên trời. Vì thế cho nên người dân dâng cá chép để ông Công, ông Táo sử dụng làm phương tiện lên chầu trời. Cá Koi vì thế không đúng truyền thống và tâm linh trong lễ 23 tháng Chạp này, không thể thay thế cá chép".
Có nhiều quan điểm trái chiều về việc sử dụng cá Koi để cúng ông Công ông Táo. |
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cũng cho rằng: “Việc cúng cái Koi của Nhật Bản thay cá chép Việt Nam xuất phát từ nhận thức của người dân. Có thể họ cho rằng cá Koi cũng là cá chép, khác chăng là cá chép Nhật.
Phú quý sinh lễ nghĩa nên giờ gia đình có điều kiện hơn nên thay vì dùng cá chép ta, chúng ta có thể dùng cá chép Nhật cho đẳng cấp. Đây là quan niệm của người dân nên khó có thể phán xét đúng - sai hay khoa học hay không được.
Tuy vậy, thực hiện đúng nghi lễ truyền thống vẫn là cách tốt nhất, không chỉ có ý nghĩa đối với việc giữ gìn văn hóa dân tộc, mà còn phù hợp với thói quen của từng gia đình, tránh tình trạng tạo ra một hình thức nghi lễ mới xa lạ với văn hóa dân tộc”.
Theo PGS Bùi Hoài Sơn, mọi người cần phải hiểu rằng, tuân theo nghi lễ truyền thống của cha ông chính là một nguyên tắc đạo đức, không chỉ trong cách ứng xử với tổ tiên mà còn đối với cả văn hóa dân tộc.
Chuẩn bị tới ngày Tết ông Công ông Táo thị trường cá chép lại sôi động. Những làng nghề nuôi cá chép cũng đang hối hả vào vụ. Theo nhu cầu thị trường các sản phẩm cá chép cũng đa dạng, ngoài cá chép đỏ, giờ có cá Koi... Tất cả chỉ nhằm mục đích có một cái Tết vui vẻ, đủ đầy./.