Kinh ngạc với mô hình nuôi cá chép Koi lai, ếch nhàn lại chi phí thấp, thu 8 tỷ đồng/năm Nuôi con ngày 23 tháng Chạp gia đình nào cũng mua, nông dân vùng này kiếm bộn tiền |
Thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) được mệnh danh là 'thủ phủ' cá chép đỏ, nơi đây thường tấp nập người mua cá dịp Tết Ông táo. |
Về ‘thủ phủ’ cá chép cúng ông Táo, ao đỏ rực là vui
Nghề nuôi cá chép cúng Ông Táo ở thị trấn Tân Phong đã có hàng chục năm nay, lúc đầu chủ yếu chỉ có ở phố Tân Cổ, nhưng sau khi nhận thấy nghề nuôi cá chép đỏ mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân nên đến nay nghề này đã nhân rộng lên đến trên 50 hộ nuôi với diện tích gần 30 ha, tập trung ở các phố: Tân Cổ, Bái Trúc, Tân Hậu, Tân Hoa. Hộ nào ít nhất thì có 01 ao nuôi, hộ nhiều có 03 đến 05 ao nuôi, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 30 tấn để phục vụ tết Táo Quân.
Với 2,7 ha diện tích mặt nước nuôi cá giống và cá thương phẩm, nắm bắt nhu cầu thị trường tiêu thu cá chép đỏ vào dịp cuối năm, hàng năm, vào khoảng tháng 07 âm lịch, gia đình anh Nguyễn Trọng Chiến, phố Bái Trúc, bắt đầu vệ sinh ao để thả nuôi cá chép đỏ phục vụ thị trường cuối năm.
Gia đình anh Nguyễn Trọng Chiến ở thôn Tân Trúc là một trong những hộ có nghề nuôi cá giống lâu đời, hiện gia đình anh có hàng chục bể nuôi cá chép đỏ phục vụ trong dịp Tết. |
Theo anh Chiến, để cá chép đỏ phát triển đều con, đạt kích cỡ đẹp, vừa ý khách hàng, đòi hỏi người nuôi phải chọn nhập nguồn giống ương nuôi tốt; thức ăn phải sạch sẽ, đầy đủ, hàm lượng dinh dưỡng cao, cho cá ăn đúng giờ, đảm bảo lượng thức ăn, cá khỏe mạnh sẽ có sức đề kháng tốt.
Trước khi thả lứa nuôi mới cần vệ sinh ao sạch sẽ bằng cách rắc vôi bột, phun thuốc diệt khuẩn đáy ao; trong quá trình thả nuôi cần dựa vào tình hình thời tiết để chăm sóc cá đúng quy trình kỹ thuật nhằm đảo bảo cá khỏe mạnh, tỷ lệ sống cao. Trung bình một năm, anh Chiến xuất bán từ 2 tấn đến 2,5 tấn cá chép đỏ, với giá bán dao động từ 130.000-150.000 đồng/kg, cho thu lãi 150 triệu đến 200 triệu đồng.
Với giá bán dao động từ 120 nghìn đồng đến 150 nghìn đồng/ kg cá, đã giúp nhiều hộ dân trên địa bàn thị trấn Tân Phong có cuộc sống khấm khá từ nghề nuôi cá chép đỏ. Trung bình một hộ, sau khi trừ chi phí cho thu lãi từ 50 triệu đến 100triệu đồng/vụ nuôi; những hộ nuôi lớn có thể cho thu nhập vài trăm triệu đồng một năm từ việc nuôi cá chép cúng Ông Táo, cao gấp 5 đến 7 lần so với nuôi các loại cá thương phẩm khác.
Khu nuôi cá chép đỏ của gia đình anh Nguyễn Trọng Chiến. |
Bí quyết thu tiền tỷ ở ‘thủ phủ’ cá chép đỏ
Theo các hộ nuôi cá cho biết: Cá chép đỏ từ khi thả giống đến khi thu hoạch thời gian 05 tháng; trong quá trình chăm sóc đòi hỏi người nuôi cá phải có kinh nghiệm riêng để hãm cá lớn, đảm bảo kích thước đồng đều, không quá to nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Vì thế, khâu quan trọng nhất để cá không lớn đó là ao nuôi phải nhỏ, nước sạch, không quá sâu, thả cá dày, cho ăn thật ít mới khống chế được cân nặng của cá. Trung bình mỗi mét vuông mặt nước thả từ 500 đến 700 con và mỗi ao nuôi có đến hàng vạn con cá; thức ăn cho cá chủ yếu là các loại bột gạo, bột ngô, bột khoai và bột sắn...
Do mật độ thả dày nên cần cho cá ăn đủ bữa và cố gắng phân phối đều thức ăn xuống ao để đảm bảo 90% cá có thể nhận được thức ăn, tránh hiện tượng cá còi; định kỳ bổ sung phân chuồng và phân xanh hàng tháng để tăng thức ăn tự nhiên. Nếu ao cạn nước phải cấp đủ nước vào ao. Trong quá trình nuôi cần căn cứ vào điều kiện thời tiết, sức khỏe của cá để có sự điều chỉnh thức ăn và bổ sung lượng nước vào sao cho hợp lý, giúp cá nuôi sinh trưởng và phát triển tốt.
Cá chép đỏ nuôi ở thôn Tân Trúc có hình dáng đẹp, đỏ đều, cá sống khỏe nên được người dân các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế rất ưa dùng. |
Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên cá chép đỏ của các hộ dân trên địa bàn thị trấn Tân Phong đạt kích cỡ vừa, có màu vàng óng, được người tiêu dùng trên thị trường ưa chuộng. Hàng năm, vào khoảng đầu tháng 11 âm lịch, các thương lái đã đến đặt hàng trước; cá chép thị trấn Tân Phong không những được tiêu thụ ổn định trong tỉnh mà còn được thương lái thu mua mang đi phục vụ thị trường các tỉnh, như: Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình…
Thời gian qua, để tạo điều kiện cho người dân giữ nghề và nâng cao thu nhập, chính quyền địa phương đã có những chính sách hỗ trợ, phối hợp với các chi nhánh ngân hàng đóng trên địa bàn huyện tạo điều kiện về vốn cho người dân kinh doanh sản xuất; đồng thời hỗ trợ quỹ đất để mở rộng thêm diện tích ao nuôi, xây dựng bờ ao kiên cố, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật theo hướng công nghiệp, nhờ vậy năng suất và sản lượng ngày một tăng.
Được biết chỉ tính riêng 2 thôn Tân Cổ và Bái Chúc (thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương), có đến hàng trăm hộ dân nuôi cá chép đỏ, cung ứng ra thị trường hàng chục tấn cá trong dịp cận ngày ông Công ông Táo. |
Với định hướng phát triển của địa phương cùng sự nỗ lực của bà con nông dân, nghề nuôi cá chép ở thị trấn Tân Phong đang dần khẳng định thương hiệu của một “Làng nghề” truyền thống, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân có cuộc sống no đủ, khấm khá, đặc biệt là mỗi dịp Tết đến xuân về.
‘Thủ phủ’ nuôi cá chép đỏ xứ Thanh đang dần khẳng định thương hiệu trên thị trường. nghề nuôi cá ở thị trấn Tân Phong, không chỉ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân nơi đây, mà còn gìn giữ một nét truyền thống vốn có của cha ông để lại. Năm nay điều kiện thuận lợi, người nuôi cá chép ở Tân Phong kỳ vọng một vụ cá Tết bội thu./.