Vào 23 tháng Chạp, ngoài mâm cỗ cúng các gia đình sẽ chuẩn bị cá chép để thả. Ảnh Việt Linh |
Theo quan niệm dân gian, trong lễ cúng ông Công ông Táo không thể thiếu cá chép. Loài vật này sẽ hóa rồng, đưa ông Táo về trời và đem lại thành công, thịnh vượng cho gia chủ. Vậy tại sao lại chỉ thả cá chép mà không phải con vật nào khác?
Theo phong tục văn hóa cổ truyền của người Việt, cứ đến 23 tháng Chạp hàng năm là mọi gia đình làm mâm cúng tiễn ông Công ông Táo về chầu trời. Họ tin rằng, Táo quân cưỡi cá chép bay về trời để báo cáo những việc đã làm và chưa làm được trong năm vừa qua trình báo với Ngọc Hoàng. Sau đó, đến đêm giao thừa, các Táo mới trở lại trần gian tiếp tục công việc trông coi bếp lửa gia đình.
Giải thích về lý do cũng như ý nghĩa phóng sinh cá chép, ông Nguyễn Cung Hà Phó Chủ nhiệm bộ môn Cận Tâm Lý thuộc Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người; Phó giám đốc trung tâm nghiên cứu và ứng dụng văn hóa Á Đông cho biết: "Các gia đình thả cá chép trong ngày 23 tháng Chạp là dựa trên sự tích cá chép vượt vũ môn và hóa rồng. Trong tất cả các loài sống dưới nước chỉ có cá chép là có thể vượt qua vũ môn lên trời và hoá thành rồng được.
Tương truyền rằng, cá chép khi muốn trở thành con rồng phải qua 3 kỳ thi. Mỗi kỳ thi như vậy là lên gần trời hơn một chút, phải qua những ghềnh thác cao. Bài thứ nhất là phải búng đuôi qua một cái thác cao, hiểm trở. Khi cá chép búng qua được thì đuôi thay đổi, có sức mạnh hơn. Qua bài thứ 2, sóng gió mưa vần vũ dữ dội hơn nhưng cá chép vẫn vượt qua. Lúc này, một nửa mình cá chép đã hóa rồng. Sau khi búng qua được bài thi thứ 3 thì toàn thân cá chép hóa thành rồng".
Các hộ nuôi cá chép đỏ làng Phủ Yên, xã Yên Lập, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc tích cực chăm sóc, phòng bệnh cho cá chép đỏ |
Nắm được nhu cầu thị trường về cá chép vào dịp 23 tháng Chạp hàng năm, hàng chục hộ gia đình ở các thôn, xóm thuộc xã Yên Lập, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung công sức chăm sóc những đàn cá chép đỏ trong khu ao nuôi của gia đình để kịp giao cho khách.
Từ cuối tháng 11, đầu tháng 12 âm lịch, làng nuôi cá Phủ Yên lại rộn ràng chuẩn bị vào mùa thu hoạch cá chép đỏ. Trên các ao nuôi, người nông dân đang tất bật thả lưới, đánh giá và phân loại cá để lên kế hoạch nuôi phù hợp.
Năm nay, ước tính sản lượng cá chép đỏ của làng tăng mạnh so với năm trước, là nguồn cung cấp dồi dào cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh, thành lân cận như Hà Nội, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái…
Gia đình bà Khổng Thị Thu ở thôn Phủ Yên 1 đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề nuôi cá. Với tổng diện tích mặt nước hơn 2 ha, quanh năm ao nuôi đủ các chủng loại cá như trắm, trôi, mè...
Tuy nhiên, đến tháng 7 âm lịch hằng năm, gia đình bà sẽ bắt đầu thả cá chép đỏ giống xuống ao nuôi kết hợp. Sau khoảng 5 tháng nuôi thả chăm sóc, cá chép đỏ sẽ được thu hoạch với trọng lượng 20-30 con/kg, kích cỡ vừa phải, khỏe, vây nhọn, vẩy ánh, có màu đỏ rực như màu cờ.
Bà Thu chia sẻ: “Năm nay, gia đình tôi nuôi khoảng 2 tấn cá chép đỏ, sản lượng nhiều gấp đôi năm trước. Dù còn khoảng 3 tuần nữa mới đến thời điểm thu hoạch, nhưng hiện tại các thương lái đã sớm đặt mua cá. Cũng bởi có kinh nghiệm nuôi cá lâu năm, nên gia đình tôi luôn tính toán số lượng nuôi cá chép đỏ cũng như đầu ra nên không lo cá không bán được”.
Cách nhà bà Thu không xa, trang trại cá của gia đình ông Phan Văn Minh với diện tích hơn 2.000 m2 cũng nuôi cá chép đỏ. Nhìn lớp lớp cá chép đỏ quẫy tung bọt trắng, ông Minh phấn khởi chia sẻ: “Năm nay khí hậu, thời tiết thuận lợi, nên cá chép đỏ sinh trưởng, phát triển tốt, không bị mắc bệnh như năm trước.
Dự kiến năm nay gia đình tôi sẽ thu hoạch khoảng 1 tấn cá chép đỏ. Tùy vào nhu cầu thị trường, hằng năm, giá thương lái thu mua cá chép đỏ sẽ giá dao động từ 80 - 100 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ đi chi phí, chỉ riêng nuôi cá chép đỏ, gia đình tôi thu nhập từ 100-150 triệu đồng/vụ”.
Ông Bùi Văn Hòa, ở thôn Phủ Yên 1, xã Yên Lập cho biết, gia đình có khu ao rộng 2 ha để nuôi các loại cá. Trong số đó, có nghề nuôi cá chép đỏ gia đình đã duy trì được 15 năm trong một phần khu ao của gia đình khoảng 7.000 m2. Mỗi năm gia đình ông Hòa cung ứng ra thị trường khoảng trên dưới 2 tấn cá chép đỏ và thời điểm bán nhiều nhất, tập trung vào ngày 19 đến 22 tháng Chạp hàng năm.
Đặc điểm của cá chép đỏ là nuôi thời gian ngắn khoảng 4 đến 5 tháng và lúc thu hoạch đưa ra thị trường cá chép đạt 25 đến 30 con/kg, đây là tầm vóc cá đang được người dân ưa chuộng. Giá cá chép đỏ bán buôn cho các tiểu thương từ nới khác về lấy tại ao, hồ giao động ở mức 80-120 nghìn đồng/kg. Thông thường người nuôi cá chép đỏ có mức lãi chiếm tới 50% doanh thu và mức lời này cao hơn so với các loài tôm, cá khác.
Những năm gần đây, mỗi năm gia đình ông Bùi Văn Hòa cung ứng cho thị trên dưới 2 tấn cá chép đỏ vào dịp trước ngày Tết ông Công, ông Táo thu về trên dưới 200 triệu đồng; trong đó lời khoảng 100 triệu đồng/năm từ con cá chép đỏ. Ngoài ra, mỗi năm gia đình ông Hòa còn thu lời khoảng 1 tỷ đồng từ việc nhân cá giống và nuôi cá thịt tại diện tích ao nuôi của gia đình.
Ông Bùi Thanh Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Lập, huyện Vĩnh Tường, cho hay, hiện toàn xã Yên Lập có khoảng 300 hộ gia đình tham gia nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích ao nuôi khoảng 60 ha; trong đó có khoảng 30 hộ nuôi cá chép đỏ ở các thôn Phủ Yên 1, Phủ Yên 2, Phủ Yên 3... Mỗi năm, các hộ dân ở các thôn trong xã Yên Lập cung cấp cho thị trường chục tấn cá chép đỏ phục vụ Tết ông Công, ông Táo (Ngày 23 tháng Chạp).