Chuẩn bị tới đến 23 tháng Chạp - Tết ông Công, ông Táo, người nuôi cá chép đỏ tại những thủ phủ nuôi cá chép đỏ hối hả thu hoạch. |
Tất bật đánh bắt phương tiện ông Công ông Táo
Chỉ còn một ngày nữa là đến 23 tháng Chạp - Tết ông Công, ông Táo, người mua cá chép đỏ đổ dồn về thủ phủ nuôi cá chép đỏ tại thị trấn Tân Phong (huyện Quảng Xương). Để phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp này, các hộ nuôi cá chép đỏ tại thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương đang tất bật chuẩn bị cho những mẻ cá ra thị trường.
Với 5 sào diện tích mặt nước nuôi cá giống và cá thương phẩm, nắm bắt nhu cầu tiêu thụ cá chép đỏ của người dân tăng đột biến dịp cuối năm, do vậy hàng năm cứ vào khoảng tháng 7 âm lịch, gia đình anh Nguyễn Văn Tiến (phố Bái Trúc, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương) bắt đầu thả cá chép đỏ để kịp tiêu thụ sau nhiều tháng chăm sóc.
Những mẻ lưới cá chép đỏ trị giá trăm triệu, cá lên đã có thương lái chờ sẵn. |
Để kịp cung ứng cá cho các thương lái, những ngày này, gia đình anh Tiến phải huy động thêm hàng chục lao động hối hả bơm nước, tát ao, kéo rồng để thu hoạch và phân loại cá. Bắt đầu hút nước thu hoạch cá từ ngày 18 tháng Chạp để cung cấp cho thương lái trên địa bàn. Với 5 sào ao nuôi, năm nay gia đình anh Tiến thu hoạch được hơn 6 tạ cá chép đỏ.
Theo anh Tiến, việc chăm sóc cá chép đỏ phải cẩn thận, công phu để cá không bị dịch bệnh, khi bán cho thương lái cung cấp ra thị trường dịp tết ông Công, ông Táo, cá chỉ vừa bằng ba đầu ngón tay, màu đỏ tươi, rực rỡ. Hiện tại, giá bán cá chép đỏ tại thị trấn Tân Phong trung bình cho thương lái từ 100.000 - 120.000 đồng/kg (loại 20 - 40 con/kg).
Được biết, bắt đầu từ tháng 11 âm lịch đã có thương lái đặt hàng cá chép đỏ. Cá tại đây được tiêu thụ trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Nghệ An, Hà Tĩnh,...
Việc chăm sóc cá chép đỏ phải cẩn thận, công phu để cá không bị dịch bệnh. |
Người dân sẽ tát ao thu hoạch cá trước khi xuất bán khoảng 3 - 5 ngày. Sau khi thu hoạch, cá sẽ được chuyển vào các bể xi măng để thải ra ngoài hết lượng phân và thức ăn còn trong cơ thể, đồng thời làm cho cá quen với môi trường chật trội, oxy thấp khi vận chuyển.
Cá chép đỏ đẹp, vừa ý, lúc xuất phải đạt tiêu chuẩn khoảng 30 - 40 con/kg. Muốn có cá tốt, khâu đầu tiên là phải chọn được cá bố mẹ khỏe. Nổi tiếng với nghề nuôi cá chép đỏ, hàng năm cứ vào khoảng tháng 11 âm lịch, các thương lái khắp nơi lại tìm đến các trại nuôi cá chép đỏ tại thị trấn Tân Phong đặt mua cá.
Cá chép đỏ đất Tổ vẫn có sức hút đặc biệt
Người dân làng Thủy Trầm gắn bó với nghề nuôi cá chép phục vụ người dân ngày Công, ông Táo đã nhiều đời nay. Làng Thủy Trầm (Phú Thọ) là làng nuôi cá chép đỏ lâu đời và lớn nhất miền Bắc. Ở đây có tới 75% số hộ nuôi cá chép đỏ. Chuẩn bị đến Tết ông Công, ông Táo nhưng bà con đã bắt đầu hút ao, chuyển cá vào trong chuẩn bị xuất bán đi các địa phương.
Ông Nguyễn Công Vui, ở khu 3, xã Tuy Lộc chia sẻ, gia đình ông có 2 ao chuyên nuôi cá chép đỏ. Cũng như mọi năm, năm nay, gia đình ông dự kiến cung cấp ra thị trường khoảng trên 2 tạ cá. Toàn bộ số cá này đã được thương lái đặt mua cách đây hơn 1 tháng, dự kiến cho thu nhập hơn 40 triệu đồng.
Làng Thủy Trầm (Phú Thọ) là làng nuôi cá chép đỏ lâu đời và lớn nhất miền Bắc. |
Ông Hà Công Vụ, Bí thư Chi bộ khu Đồng Minh (thuộc làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm, xã Tuy Lộc) cho hay, gia đình ông nuôi 2 ao cá chép đỏ, mỗi ao rộng khoảng 700 m2. Ông nhẩm tính, với việc cá sinh trưởng tốt và đều như năm nay, cả 2 ao của gia đình ông có thể thu hoạch được khoảng 2 tạ cá.
Chia sẻ về kỹ thuật nuôi cá chép, ông Vụ cho biết, các hộ phải nhiều lần “được, mất” mới rút ra kinh nghiệm cho cá chép đỏ đẻ muộn thành công. Đó là phải hạn chế cho cá ăn, để nước lưu cữu lâu. Tuy nhiên, nếu nước quá bẩn sẽ dẫn đến tình trạng cá bị ngạt khí và chết. Nước bẩn phải được khắc phục bằng việc sử dụng máy sục nước. Đối với cá đến kỳ thu hoạch, trước khi đánh bắt cá từ ao lên, chủ cá chuẩn bị sẵn túi lưới cho vào “ép” để cá thải hết lượng phân và thức ăn trong cơ thể, đồng thời giúp cá quen với môi trường chật chội, oxy thấp khi vận chuyển.
Nghề ươm nuôi cá chép đỏ ở làng Thủy Trầm bắt đầu từ những năm 1960 và phát triển cho đến ngày nay. Những năm trở lại đây, để nghề nuôi cá phát triển, đem lại hiệu quả kinh tế cao, các hộ trong làng đã tích cực dồn điền, đổi thửa, xây dựng bờ ao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật theo hướng công nghiệp, nhờ vậy năng suất và sản lượng ngày một tăng.
Đến với làng Thủy Trầm những ngày này cảm nhận rất rõ không khí hối hả, rộn ràng chuẩn bị cho vụ thu hoạch lớn cuối năm. Các hộ kinh doanh đưa cá lên bể, sẵn sàng chờ thương lái về lựa chọn.
Giá cá chép đỏ hiện nay vào khoảng 80 - 120.000 đồng/kg tùy loại. |
Tại làng Thủy Trầm hiện có gần 500 ao lớn nhỏ chuyên để nuôi cá. Diện tích nuôi cá của làng là 30 ha với hàng trăm hộ dân. Năm nay cá có phần đẹp hơn, giá cả so với năm 2022 cũng không có nhiều biến động. Giá cá chép hiện nay vào khoảng 80 - 120.000 đồng/kg tùy loại.
Ngày mai đã là ngày Tết ông Công ông Táo. Từ nhiều ngày qua, thị trường mua bán phương tiện cho Táo Quân về trời vô cùng sôi động. Những loại cá độc lạ được giới thiệu nhưng thịnh hành nhất vẫn là cá chép đỏ. Để cầu mong may mắn viên mãn người dân có tâm lý tìm mua dòng cá chép ở những thủ phủ nổi tiếng để cá đẹp, khỏe, sống lâu. Nhiều làng quê trở nên trù phú từ nghề đặc biệt này./.