Về ‘thủ phủ’ nuôi loài cá đỏ rực tìm hiểu bí quyết kiếm trăm triệu mỗi vụ Kinh ngạc với mô hình nuôi cá chép Koi lai, ếch nhàn lại chi phí thấp, thu 8 tỷ đồng/năm |
Làng nghề nuôi cá chép đỏ Thủy Trầm - 'thủ phủ' cá chép đỏ miền Bắc bước vào vụ cá Tết Ông Công, Ông Táo. |
Mỗi vụ Tết kiếm trên 50 triệu đồng
Gia đình bà Trần Thị Tài có thâm niên nuôi cá đỏ mấy chục năm. Năm nay, gia đình bà dự kiến thu được hơn 2 tạ cá chép đỏ, được thương lái đặt hàng hơn tháng trước, sau khi trừ chi phí, cho thu nhập trên 50 triệu đồng. Bà cho biết: Trước kia nuôi cá đỏ khó khăn, bây giờ được làm mương máng, nước sạch về tận ao nên nuôi cá thuận lợi.
Còn tại gia đình ông Nguyễn Công Thủy năm nay thả trên 3 tạ cá chép đỏ. Cá nhà ông được thương lái đặt cách đây hơn 1 tháng, dự kiến cho thu nhập hơn 40 - 50 triệu đồng triệu đồng. Theo ông Thủy cho biết, một số gia đình có điều kiện thích mua cá chép đỏ loại to từ 1-2 kg/con, có con hơn 2kg để thả phóng sinh. Ngoài ra, cá khoảng từ 40 - 50 con/kg thường được nhiều người ưa chuộng hơn. Nguồn thu từ các chép đỏ đã giúp chúng tôi cải thiện kinh tế gia đình.
Nghề nuôi cá chép ở làng Thủy Trầm đã có từ trên 60 năm nay. |
Nghề ươm nuôi cá chép đỏ ở làng Thủy Trầm bắt đầu từ những năm 1960 và phát triển cho đến bây giờ. Năm 2011, UBND tỉnh Phú Thọ đã công nhận làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm và đầu tư cơ sở vật chất phát triển làng nghề.
Theo ông Bùi Văn Chữ, Trưởng làng nghề sản xuất cá chép đỏ Thủy Trầm cho biết: “Người dân Thủy Trầm nuôi cá chép đỏ từ khoảng những năm 70. So với giống cá ở các nơi khác, cá chép đỏ Thủy Trầm có các ưu điểm là hình thức đẹp, màu đỏ rực rỡ như màu cờ, có đôi mắt xanh đen, khỏe mạnh, không có đốm trên thân cá”.
Dù nghề nuôi chép đỏ cũng phát triển ở một vài địa phương khác, tuy nhiên cá chép đỏ Thủy Trầm được đông đảo người dân cả nước ưa chuộng nhất, do có mầu sắc đỏ đậm, nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp và giá cả hợp lý.
Hiện nay cả làng có trên 30 ha nuôi cá chép đỏ của 250 hộ dân, trong đó sử dụng trên 1.140 lao động tại chỗ. Thông thường, cá giống sẽ được tiến hành nuôi từ tháng 6, người nuôi cá chăm sóc sao cho đến khi cá thu hoạch có kích cỡ khoảng 3 ngón tay là vừa đẹp.
Bí quyết tạo nên thương hiệu cá chép đỏ Thủy Trầm
Những năm trở lại đây, nghề nuôi cá phát triển, đem lại hiệu quả kinh tế cao nên các hộ gia đình trong làng đã tích cực dồn điền, đổi thửa, củng cố xây dựng bờ ao, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật theo hướng công nghiệp, nhờ vậy năng suất và sản lượng ngày một tăng.
Hàng năm, người dân bắt đầu nuôi cá chép đỏ từ tháng 6 âm lịch để phục vụ Tết ông Công ông Táo. Người nuôi cá chăm sóc sao cho đến khi cá thu hoạch có kích cỡ khoảng 3 ngón tay là vừa đẹp. Sau khi đánh bắt từ ao, cá bắt được nhanh chóng được chuyển sang một lưới ở ao bên cạnh để giúp cá không bị ngạt bùn. Thời gian còn lại vẫn nuôi các loại cá thương phẩm khác.
Ngoài những kinh nghiệm bí truyền, người nuôi cá chép Thủy Trầm cũng năng động đưa những dòng cá chất lượng cao về nuôi. |
Ngoài kinh nghiệm được lưu truyền giữa các thế hệ trong gia đình, trong quá trình thâm canh, huyện, xã cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn tại địa phương để tăng thêm hiểu biết thâm canh, áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi cá cho bà con nơi đây. Điều đáng nói là qua thời gian, người dân trong làng đã tự tìm chọn những con cá đẹp về màu sắc, ngoại hình, khỏe về thể chất để nhân giống, chủ động và đảm bảo được nguồn cung cá bột tại địa phương.
Với các đặc điểm này, cá chép đỏ Thủy Trầm được nhiều người ưa thích, từng bước có chỗ đứng và khẳng định được thương hiệu trên thị trường.
Từ cuối năm 2017, UBND xã Tuy Lộc đã quyết định thành lập Hợp tác xã cá chép đỏ và dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thủy Trầm với mục đích hỗ trợ người dân sản xuất, kinh doanh cây, con giống nói chung và con cá chép đỏ nói riêng. Tháng 12/2018, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ đã công bố và bàn giao văn bằng chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Cá chép đỏ Thuỷ Trầm” cho Hợp tác xã.
Đây là bước tiến lớn, giúp cá chép đỏ Thủy Trầm được chứng nhận bảo hộ độc quyền nhãn hiệu, là căn cứ pháp lý khẳng định giá trị thương hiệu của sản phẩm trên thị trường.
Từ đây, người dân Tuy Lộc có thể đẩy mạnh sản xuất, kết nối tiêu thụ, mang cá chép đỏ tiếp tục vươn xa. Năm nay, sản lượng cá làng nghề dự kiến cung cấp ước tính khoảng 50 tấn, đáp ứng nhu cầu mua cá của bà con nhân dân các tỉnh.
Cá chép đỏ Thủy Trầm được nuôi trên đất tổ Hùng Vương nay đã “vượt cổng làng” đến với người dân ở mọi miền Tổ quốc. |
Cá chép đỏ Thủy Trầm được nuôi trên đất tổ Hùng Vương nay đã “vượt cổng làng” đến với người dân ở mọi miền Tổ quốc, đáp ứng nhu cầu của mọi người dân trong ngày 23 tháng Chạp hằng năm.
Trong thời gian tới, để đẩy mạnh phát triển sản xuất cá chép đỏ, xã Tuy Lộc đang hướng người dân đến việc hợp tác sản xuất ổn định để phát triển làng nghề theo hướng bền vững. Song song với đó, xã sẽ quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp cho làng nghề; tích cực tổ chức chuyển giao các công nghệ sản xuất, nuôi trồng mới, hiệu quả, đảm bảo môi trường cho các hộ dân nhằm giúp nâng cao năng suất.
Chỉ còn chưa tới 10 ngày nữa là Tết Ông Công, Ông Táo, dịp này làng cá chép đỏ Thủy Trầm lại nườm nượp từng đoàn xe vào lấy hàng. Đa số cá hộ nuôi cá đã có thương lái đặt hàng trước cả tháng. Dù hai năm gần đây ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19, kinh tế khó khăn, nhưng nghề nuôi cá tại ‘thủ phủ cá chép đỏ’ miền Bắc vẫn đảm bảo thu nhập ổn định cho người dân./.