Cá chép đỏ có ăn được không?
Một vấn đề được rất nhiều người quan tâm là trong những ngày cúng ông Công ông Táo liệu có thể ăn cá chép đỏ? Cá chép là loại cá nước ngọt rất phổ biến tại Việt Nam. Loại cá này không chỉ chế biến được nhiều món mà còn là thực phẩm chứa nhiều dinh dưỡng và có thể dùng làm thuốc hỗ trợ điều trị và bồi bổ sức khỏe.
Theo Lương y Bùi Đắc Sáng - Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội, nếu xét về ẩm thực và dinh dưỡng thì cá chép đỏ cũng giống như cá chép thông thường, cũng có giá trị dinh dưỡng cao và nếu muốn vẫn hoàn toàn có thể ăn được với những con có trọng lượng lớn (khoảng 1kg trở lên). Hơn nữa, cá chép đỏ thường lớn chậm hơn cá chép trắng, thời gian nuôi lâu hơn, ăn thức ăn sạch hơn nên có thể thịt sẽ ngon hơn.
Tuy nhiên, xét dưới góc độ tâm linh, truyền thống thì cá chép đỏ thường được dâng cúng vào ngày 23 tháng Chạp để tiễn ông Công ông Táo về trời. Vì được cho rằng, cá chép đỏ có thể vượt được vũ môn hóa rồng, mọi người không sử dụng loại cá này làm thực phẩm. Thực tế, cá chép đỏ chỉ được bán dịp cúng Táo quân, chứ không bán thương phẩm đại trà như cá chép trắng.
Lợi ích khi ăn cá chép đỏ
Lương y Bùi Đắc Sáng cho biết, loại cá chép thường sử dụng làm thực phẩm là cá chép trắng, có thể nấu được nhiều món như hấp, om, nấu cháo, nướng… Các nghiên cứu của y học hiện đại đã chỉ ra rằng, 100 gam cá chép chứa 275 calo và các chất dinh dưỡng gồm: 12.2g chất béo; 2.4g chất béo bão hòa; 142.8g cholesterol; 107.1mg natri; 725.9mg kali; 38.9g protein; 5% vitamin C; 9% canxi; 15% sắt; 16% vitamin B1;…
Từ những giá trị dinh dưỡng trên, ông Sáng cho rằng cá chép là vị thuốc quý có thể hỗ trợ điều trị nhiều bệnh và bồi bổ cơ thể rất tốt. Theo y học cổ truyền, cá chép có vị ngọt, tính bình, chứa nhiều protein và nhiều vitamin. Ăn cá chép có nhiều lợi ích sức khỏe như tiêu thũng, hạ khí thông nhũ, khai vị kiện tỳ, tạo cảm giác thèm ăn và bồi dưỡng hệ tiêu hóa.
Ông Sáng cho biết, món ăn phổ biến nhất được chế biến từ cá chép là cá chép om dưa. Dù đây là món dễ ăn, ngon miệng nhưng mọi người chỉ nên thỉnh thoảng thưởng thức, không nên ăn quá thường xuyên. Nguyên nhân là do khi om dưa lâu cho mềm thì nhiều chất dinh dưỡng trong cá cũng bị phân hóa nhất là các vitamin, khoáng chất. Đó là lý do vì sao cá om kỹ ăn thường hay bị xơ, bã.
Ngoài ra, dưa cải thường mặn, nếu ăn nhiều sẽ khiến dư lượng muối nạp vào cơ thể, có thể gây hại cho sức khỏe, nhất là với người tăng huyết áp, bệnh thận.
Lương y Bùi Đắc Sáng tư vấn, để cá chép mang lại giá trị và công dụng tốt nhất với sức khỏe, mọi người nên ăn cá chép hấp hoặc nấu cháo cá chép để giữ lại được nhiều giá trị dinh dưỡng.
Một số bài thuốc từ cá chép
An thai: Cá chép 1 con khoảng 500g, để cả vảy, mổ bỏ ruột; gạo nếp 50g, vo sạch; một ít vỏ quýt, gừng tươi. Cho tất cả vào nồi ninh nhừ thành cháo, cho thêm ít muối, ăn nóng.
Chữa phù thũng khi mang thai: Cá chép 1 con khoảng 500g, rửa sạch, bỏ vảy và ruột, cho vào chảo rán vàng cả hai mặt, đổ vừa nước hầm nhỏ lửa, cho thêm 500ml sữa bò, gừng, hành, không cho muối. Hầm cho đến khi nước đặc lại, cá chín nhừ là được. Ăn cá uống nước, dùng 5 - 7 lần.
Hỗ trợ điều trị viêm gan vàng da, phù chân, tiểu dắt: Cá chép 1 con (khoảng 1kg), đậu đỏ 50g, hành, gừng, tỏi, gia vị vừa đủ. Cách làm: Cá chép làm sạch, ướp gia vị, sau đó rán vàng hai mặt. Phi thơm hành, tỏi, gừng rồi cho thêm nước và đậu đỏ vào nấu sôi, thả cá chép vào hầm đến khi đậu mềm nhừ là được. Với bài thuốc này có thể dùng thường xuyên.
Hỗ trợ điều trị ho gà, hen phế quản: Cá chép 1 con khoảng 250g, xuyên bối mẫu tán mịn 6g, nấu canh ăn trong ngày. Ăn liên tục 1 - 2 tuần hoặc ăn thường xuyên rất tốt cho người bệnh ho gà, hen phế quản mạn tính.