Các làng nghề nuôi cá chép đỏ kém sôi động
Người dân làng cá chép đỏ Thủy Trầm kéo lưới thu hoạch cá. Ảnh Việt An |
Thời điểm này, các làng nghề nuôi cá chép đỏ quây lưới, đưa ra thị trường phục vụ nhu cầu tín ngưỡng Tết ông Công ông Táo.
Tuy nhiên, trong sự thay đổi của thị trường, vào những ngày này, khu chợ giao dịch thua mua cá chép đỏ làng Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ không sôi động lắm. Ngoài đồng, một số ao nuôi cá trước đây nay được chuyển sang trồng rau và canh tác khác.
tại ao cá nhà anh Hà Công Thật có ba người đang dọn lưới mẻ cuối cùng để kịp xuất bán cho khách. Anh Thật ở trên bờ vừa giữ lưới vừa giúp vợ chuyển cá từ bên ao vừa hút cạn nước sang ao bên cạnh để làm sạch.
Người đàn ông này cho biết, ao nhà rộng hơn 1 sào, thả 6.000 cá giống từ tháng 5-2023, đến nay thu hoạch được khoảng 70kg chép đỏ thành phẩm, loại khoảng 3 ngón tay, đủ điều kiện phục vụ người dân dịp Tết ông Công ông Táo.
Tuy nhiên, năm nay thị trường cá chép đỏ kém sôi động, giá bán chỉ khoảng 80.000/kg, giảm sâu so với mức 100.000-150.000 đồng năm ngoái. "Tính cả tiền cá giống, tiền thức ăn, tiền công chăm sóc rồi tiền phí vận chuyển bán cho các tiểu thương chắc nhà tôi lãi vài triệu bạc" - anh Thật cho biết.
Tại khu vực chợ cá Thủy Trầm, chị Hiền một tiểu thương cho hay, thường thì ngày 21 và 22 tháng Chạp các thương lái đổ về làng nhiều hơn. Nhưng năm nay tập quán thương mại có nhiều thay đổi. Người mua đặt hàng qua điện thoại, hộ nuôi cá thì thu hoạch vận chuyển đến tận nơi, không phải giao dịch trực tiếp ở chợ nữa.
"Theo mức giá năm nay, mỗi cân cá chép đỏ được khoảng 60 con, tính trung bình khoảng hơn 1.000 đồng/con mua tại gốc. So với năm ngoái, thời tiết năm nay thuận lợi hơn, chỉ có một lần ngập lụt. Và như quy luật thị trường, cứ khi nào thời tiết thuận lợi thì giá lại thấp đi" - chị Hiền nói.
Làng Thuỷ Trầm năm nay cung ứng ra thị trường khoảng hơn 40 tấn cá chép đỏ, tương đương khoảng hơn 2 triệu con. Từ những ngày 19-20 tháng Chạp, các hộ nuôi cá đã chuẩn bị máy bơm, cùng lưới và thùng để bơm nước, thu hoạch cá. Đến nay, phần lớn các hộ nuôi đã thu hoạch cá xong, đưa ra thị trường.
Chị Nguyễn Thị Nhiễu, ở làng Hội Am, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng, đưa cá chép đỏ ra khu vực ngã tư giao Quốc lộ 37 và Quốc lộ 17B để thuận tiện bán cho thương lái (Ảnh: Thái Phan). |
Làng nghề ương cá giống Hội Am ở xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng có lịch sử lâu đời. Mỗi năm làng nghề này cung cấp ra thị trường hàng chục tấn cá chép đỏ.
Trong số những hộ có diện tích ao nuôi cá chép đỏ lớn ở làng Hội Am, có gia đình chị Nguyễn Thị Nhiễu. Chị Nhiễu cho biết, vụ này, gia đình chị có 7 sào ao nuôi cá chép đỏ, dự kiến thu về hơn 1,4 tấn cá. Để thuận lợi cho việc tiêu thụ, từ ngày 20 tháng Chạp, gia đình chị bắt đầu đánh bắt cá đưa vào vây tướt để sống chờ thương lái đến thu mua.
So với năm trước, năm nay thương lái thu mua với giá thấp hơn (50.000 đồng - 60.000 đồng/con loại 30 con/kg so với 80.000 - 100.000 đồng). Mặc dù vậy, sau khi trừ chi phí mua giống, thức ăn, nhân công chăm sóc, gia đình chị Nhiễu thu lãi khoảng 7 triệu đồng/sào, cao hơn nhiều so với cấy lúa, trồng rau màu hay nuôi cá thịt.
Chợ cá Yên Sở tấp nập người bán nhưng ít khách mua
Chợ cá lớn nhất miền Bắc đã tấp nấp người bán nhưng ít khách mua. Ảnh Giang Huy |
Trước ngày ông Công, ông Táo (23 tháng chạp), chợ cá Yên Sở, quận Hoàng Mai sôi động hơn nhờ tiểu thương và khách tìm tới mua cá chép đỏ.
Chị Nguyễn Thị May, tiểu thương kinh doanh tại chợ cá Yên Sở cho biết: "Tôi nhập cá từ Nam Định, Thái Bình lên, chất lượng cá chép đỏ năm nay cũng đẹp hơn, màu sắc bắt mắt hơn. Tuy vậy, do cung vượt cầu nên giá cá chép đỏ năm nay rẻ hơn so với mọi năm".
"Giá cá chép đỏ những năm trước đắt nhất phải được 100.000 - 250.000 đồng/kg nhưng năm nay loại đẹp chỉ được giá 80.000 - 90.000 đồng/kg, những loại không chọn thì 60.000 đồng/kg", chị May nói.
Chị May cho biết thêm, dù sắp đến ngày ông Công, ông Táo nhưng sức mua tăng chậm, một phần vì năm nay ngày ông Công, ông Táo rơi vào ngày thường nên người tiêu dùng không cầu kỳ như năm ngoái. Một phần vì kinh tế khó khăn nên mọi người cũng có tâm lý tiết kiệm hơn.
Tại chợ cá Yên Sở, tiểu thương chỉ bán buôn, không bán lẻ. Ảnh Giang Huy |
Cả chợ có hơn 70 hộ kinh doanh, nhưng thương lái đến mua thì thưa thớt. Tuy với mức giá rẻ hơn nhiều so với năm ngoái, nhưng nhiều tiểu thương khẳng định việc bán ra cực kì khó khăn.
Bên cạnh cá chép sống, những năm gần đây, các loại cá chép được làm từ thạch, bánh cũng thu hút người dân săn đón. Dịp tết ông công, ông táo năm nay, tiệm bánh của chị Lan Anh đã nhận hơn 100 đơn hàng bánh cá chép.
Dù là cá chép thật hay mô phỏng hình ảnh cá chép, người dân luôn mong muốn những chú cá chép này vượt vũ môn hóa rồng. Thế nhưng việc thả cá như thế nào để vừa có ý nghĩa, vừa bảo vệ môi trường là vấn đề được đặt ra. Nhiều tấm biển với những khẩu hiệu khác nhau được treo tại ao hồ với mong muốn người dân “Thả cá đừng thả túi ni lông”.
Táo Quân có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành sự tích “Hai ông một bà” là vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Hàng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp, gia đình Việt thường làm mâm cơm cúng để đưa tiễn Táo Quân lên chầu trời. Đây là khi Táo quân lên trời báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của các gia đình. Theo quan niệm của người Việt, Táo quân không chỉ là vị thần cai quản mọi hoạt động của gia chủ mà còn là vị thần ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ, giữ bình yên cho gia đình gia chủ. Vì vậy, tục cúng ông Táo mang ý nghĩa cầu mong cho sự ấm no, đầy đủ, sau đó mới đến ý nghĩa thờ "thần Bếp" chuyên cai quản việc bếp núc. Vào ngày này, người dân làm mâm cơm để bày tỏ lòng biết ơn với các vị thần. Đồng thời, đây cũng là dịp để người người, nhà nhà trở về sum họp, quây quần sau một năm làm ăn vất vả. Đặc biệt trong mâm cơm cúng, người Việt thường chuẩn bị thêm cá chép (khoảng 2-3 con) đựng trong chậu nước. Sau khi cúng trong, người dân sẽ đem thả phóng sinh ở sông, hồ. Việc chuẩn bị cá chép mang ý nghĩa chuẩn bị phương tiện để ông Táo cưỡi về trời. Ngoài ra, còn có ngụ ý "cá vượt Vũ môn" hay "cá chép hóa rồng", cá chép mang ý nghĩa biểu tượng cho sự thăng hoa, tinh thần vượt khó, sự kiên trì và bền bỉ để đi tới thành công. |