Nuôi cá chép Koi muốn thành công phải nắm được bí quyết phòng bệnh. |
Từ đam mê trở thành tỷ phú cá Koi Đất Cảng
Ở Hải Phòng người chơi cá chép Koi không xa lạ khi nhắc đến Vũ Xuân Tăng. Trại cá chép Koi của anh Tăng ở xã Mỹ Đức (huyện An Lão) có quy mô gần 2ha nuôi thủy sản và cá Koi. Trung bình hàng năm, gia đình anh Tăng cung cấp ra thị trường miền Bắc (từ Nghệ An trở ra) hơn 3 vạn cá giống và thương phẩm, thu về hàng tỷ đồng.
Để có được cơ ngơi và sự thành công như hôm nay, anh Tăng cũng nếm trải đủ cay, đắng, ngọt, bùi với cá Koi, đã có thời điểm tưởng như mất đi cả cơ nghiệp vì dịch bệnh.
Chuyện bắt đầu từ ngày anh Tăng xuống khu vực đầm hoang dọc ven sông Văn Úc (thuộc địa bàn xã Mỹ Đức) để khởi nghiệp. Vay mượn đủ đường, cộng với vốn tích lũy mới được 600 triệu đồng và rồi đốt hết vào cá Koi.
Sau vụ đầu tiên, bị lũ cuốn gần hết sạch, anh Tăng cải tạo lại ao nuôi, nhưng vừa ổn định tai họa tiếp tục ập đến, đó là năm 2014, sau khi thả giống được một thời gian, anh Tăng được bạn bè tặng cho 1 con cá Koi Trung Quốc, có màu vàng rất đẹp để lai giống. Tưởng bắt được vàng nhưng nào ngờ, chú cá Koi đó đã lấy đi 1/3 sản nghiệp của gia đình anh, khi trực tiếp gieo mầm bệnh và làm chết gần hết số cá Koi trong ao.
“Lúc đó, do chưa có kinh nghiệm, kiến thức, anh em cho một con cá Koi Trung Quốc về làm giống, cá màu vàng rất đẹp, mình chủ quan không cách ly, sau đó bị con rận kí sinh trên con cá đó gây bệnh và lây lan ra cả ao. Dù mình đã tắm muối rồi nhưng sau vẫn bị chết, lúc phát hiện ra ảnh hưởng gần như cả đàn cá, con nào cũng gầy. Lần đó tôi gần như sạt nghiệp”, anh Tăng ngậm ngùi nhớ lại.
Anh Vũ Văn Tăng được mệnh danh là tỷ phú cá Koi ở Hải Phòng. |
Anh Tăng chia sẻ, so với cá Koi Nhật Bản, cá chép Koi Việt Nam có đặc điểm dễ nuôi, ít bệnh tật, môi trường sống cũng giống như cá thịt thương phẩm nhưng lợi nhuận cao, trung bình giá giao động từ 250 - 300 nghìn đồng/kg.
Nuôi cá chép Koi Việt Nam không mất quá nhiều thời gian, khi đã đưa nhiều công nghệ vào chăm sóc, cho ăn, hoàn toàn có thể làm thêm việc khác. Với chi phí khoảng 60.000đ/kg, người nuôi cá có thể lãi gấp nhiều lần so với các loại cá thương phẩm khác.
“Giá thức ăn cho cá chép Koi thường cao và không thể bán xô cả một lúc, lượng mua cũng không nhiều, phải bán lác đác trong cả năm mới hết nhưng giá trị kinh tế thì không cần bàn cãi, tính tổng thể thì lợi nhuận là khổng lồ”, anh Tăng bộc bạch.
Theo anh Tăng, hiện nay, thị trường cá chép Koi còn rất lớn, tuy nhiên giống thuần chủng không còn nhiều, người nuôi cần tìm giống thuần chủng lai tạo giống tốt để nâng cao giá trị. Do vậy, gia đình anh đang hoàn thiện hồ sơ để xin làm trại ương giống, đồng thời mua cá chép Koi Nhật Bản về để tạo ra những giống thuần chủng, đẹp. Sau khi đã hoàn thành được việc đăng kí nhãn hiệu, sẽ hướng tới xuất khẩu, trước mắt là các nước Đông Nam Á.
“Nuôi cá Koi không khó và lãi rất lớn, thị trường trong 5 năm tới vẫn còn thoải mái, tôi mong muốn cơ quan chức năng quan tâm hơn, có chiến lược để giúp chúng tôi tạo ra được thương hiệu cá Koi Việt Nam để xuất khẩu”, anh Tăng chia sẻ.
Bí quyết để cá Koi sang chảnh nuôi là trúng
Gắn bó với nghề nuôi cá chép Koi anh Tăng cũng thấu hiểu nỗi lo của những người đam mê loài cá này. Với kinh nghiệm tích lũy được anh muốn chia sẻ với cộng đồng để mọi người cùng áp dụng giúp cho ngành nuôi cá chép Koi Việt Nam phát triển bền vững.
Chia sẻ về bí quyết chăm sóc cá chép Koi, anh Tăng cho biết: Các loại bệnh thường gặp ở cá Koi như bị loét thân, rụng vảy, đốm trắng, lở môi, loét, sán da… Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do không thường xuyên vệ sinh, cải tạo hồ cá koi dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, do không xử lý vi sinh và những sinh vật ngay từ đầu khi chưa thả cá hoặc không cách ly cá mới khi mua về để dẫn đến lây bệnh cho đàn cá cũ.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới cá Koi bị mắc bệnh là do ô nhiễm nguồn nước. |
Bên cạnh đó, thức ăn cho cá Koi không rõ nguồn gốc, hết hạn, hoặc chưa được xử lý trước khi cho cá ăn hoặc hệ thống lọc nước trong hồ cá ngoài trời, trong nhà không đạt chuẩn hay bộ lọc không đủ công suất so với thể tích hồ, sự thay đổi thất thường độ pH, nhiệt độ trong hồ… cũng là nguyên nhân gây bệnh cho cá.
Để phòng bệnh tốt cho cá, phải thường xuyên vệ sinh hồ, kiểm tra độ phát triển của tảo, rong rêu trong hồ để có biện pháp xử lý kịp thời cũng như luôn phải quan tâm tới độ pH trong hồ từ 7 - 7.5 pH và nhiệt độ hồ cá phải để ở mức phù hợp 30 - 32 độ C.
Trong quá trình nuôi, cần thường xuyên theo dõi chế độ sinh hoạt của cá Koi, nếu trên cá có dấu hiệu bất thường như lười bơi, bơi chậm, bỏ ăn hay trên cơ thể có nhiều vết bất thường ngay lập tức cách ly cá để theo dõi và hỏi về bệnh của cá để có biện pháp xử lý sớm tránh lây nhiễm cho cả đàn.
Từ kinh nghiệm thực tế, anh Tăng cho rằng, muốn cá Koi mau lớn và khỏe mạnh trước tiên phải chọn được giống tốt, giống xấu và yếu ớt dù có chăm sóc kỹ lưỡng đến mấy cũng không thể phát triển đạt yêu cầu được. Điều này sẽ quyết định 50% sự khỏe mạnh, lớn nhanh của cá.
Anh Tăng lưu ý, người mới nuôi cá Koi chưa có kinh nghiệm nên để ý lựa chọn những con cá có hình dáng cân đối, không dị hình, không xây xát, màu sắc tươi sáng, khỏe mạnh, bơi lội, phản ứng nhanh nhẹn. Sau khi mới mua về, cá cần phải nuôi ra một bể khác để tập thích nghi với môi trường mới, giúp cá hết mầm bệnh, thời gian nuôi trong khoảng 14 ngày, khi cá khỏe mạnh mới được mang thả vào hồ lớn chung.
Ngoài ra, người nuôi cũng cần lưu ý, cá Koi mới mua về cần phải chuẩn bị thêm thùng có chứa hệ thống lọc và sục khí oxy, pha cùng khoảng 5kg muối. Muối này sẽ pha cùng 1000 lít nước và 1g tetra nước hoặc tắm cho cá bằng thuốc tím.
Một sai lầm mà người chơi cá Koi hay gặp phải đó là cho cá ăn quá nhiều. |
Đối với cá Koi cũ trong hồ nuôi, nếu như hồ cá có chứa cá đang bị bệnh cần phải xử lý sạch nước trước khi thả thêm cá mới vào hồ. Còn nếu như cá nuôi trong hồ đã ổn định tốt nhất không nên cho thêm cá mới mua vào hồ bởi có thể khiến mầm bệnh xuất hiện và lây lan. Trong trường hợp nếu như hồ cá có cá bị bệnh cũng không nên mua thêm cá mới về thả khi chưa xử lý sạch bệnh hoặc mầm bệnh trong hồ.
“Một sai lầm mà người chơi cá Koi hay gặp phải đó là cho cá ăn quá nhiều, mặc dù nó rất thú vị giúp kết nối giữa người chơi và cá. Những điều này lại làm cho đàn cá dễ mắc bệnh, cá sẽ bị béo phì nhìn không còn thon gọn uyển chuyển và còn gây ra ô nhiễm cho hồ cá Koi vì thức ăn bị thừa đọng lại trong hồ không được xử lý hết”, anh Tăng chia sẻ.
Trải qua thời gian nghiên cứu và nuôi thành công cá chép Koi, anh Tăng đúc kết kinh nghiệm: cá Koi thường mắc bệnh vào mùa xuân, nếu thời tiết lạnh sẽ hay bị bệnh nặng, rất khó chữa. Thứ hai là khi thay đổi nhiệt độ môi trường (nắng và mưa), nhất là thời điểm mưa bất chợt và mưa dài ngày sẽ khiến vi sinh trong bể bị loãng, nếu chế độ ăn không phù hợp sẽ gây nên bệnh.
Giá trị cá Koi lớn nên thường được đầu tư nhiều tiền, từ thức ăn cho đến các trang thiết bị kèm phục vụ cho việc nuôi. Do đó, nếu cá chết thiệt hại chưa bao giờ nhỏ. Bởi vậy để thành công với con cá sang chảnh này, người nuôi cần nắm bắt các kỹ thuật nuôi và phòng bệnh, khi đầu tư nuôi cũng phải tuân thủ các tiêu chuẩn và hơn hết là sự kiên trì, chịu khó học hỏi để đến thành công./.