Sức mua yếu, nhiều mặt hàng giảm giá tới 80% dịp cận Tết Bộ Công Thương: Dự kiến sức mua dịp Tết Giáp Thìn 2024 tăng trên 10% Thái Nguyên: Tiêu hủy hơn 300kg hàng hóa nhập lậu |
Đẩy mạnh ưu đãi, ưu tiên hàng Việt Nam phục vụ Tết Nguyên đán 2024. |
Dự trữ lượng hàng hóa trị giá 40.900 tỷ đồng phục vụ Tết
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, nhu cầu tiêu dùng trong 1 tháng Tết của người dân Hà Nội tiêu thụ gạo 97.650 tấn; thịt lợn hơi 19.500 tấn lợn; thịt bò 5.400 tấn; thịt gia cầm 6.500 tấn; thủy sản 5.420 tấn; thực phẩm chế biến 5.420 tấn; rau củ 52.400 tấn; trứng gia cầm 130 triệu quả; trái cây 52.400 tấn.
Mặc dù nhu cầu cao nhưng hiện ngoài một số mặt hàng như thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thủy sản nước ngọt… Hà Nội có khả năng tự cung ứng, còn các nhóm hàng còn lại khả năng đáp ứng khoảng 20 - 70% nhu cầu vì vậy việc dự trữ hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong thời điểm trước, trong và sau Tết là điều cần thiết.
Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Giáp Thìn, ngành Công Thương Hà Nội đã lên phương án dự trữ lượng hàng hóa trị giá 40.900 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết năm 2023. Trong đó, ưu tiên hàng Việt Nam và đặc sản vùng, miền. Cụ thể, TP Hà Nội dự trữ 58.500 tấn thịt lợn, 292.000 tấn gạo, 19.500 tấn gia cầm, 16.200 tấn thịt bò, 390 triệu quả trứng, 325.500 tấn rau củ, 16.260 tấn thủy sản, 16.260 tấn thực phẩm chế biến, 1500 tấn bánh kẹo…
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp thông tin, để chủ động nguồn hàng phục vụ Nhân dân trong dịp Tết, trong năm 2023 TP Hà Nội đã triển khai tổ chức trên 100 hoạt động, sự kiện giao thương, xúc tiến thương mại (trong đó, Sở Công Thương duy trì tổ chức khoảng 40 sự kiện). Qua đó, đã hỗ trợ kết nối, tiêu thụ trên 5.000 sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP của Hà Nội và các tỉnh vào hệ thống phân phối; hỗ trợ kết nối tiêu thụ khoảng 500.000 tấn hàng hóa từ các tỉnh, TP.
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp, thời điểm hiện tại, giá bán các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết tương đối ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến. Giá thịt lợn hơi có dao động tăng nhẹ so với tháng trước, giá rau ăn lá và rau trái mùa tăng nhẹ do ảnh hưởng của mưa dài ngày, tuy nhiên nguồn cung vẫn tương đối ổn định, đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn.
Các doanh nghiệp đã đẩy mạnh bán hàng qua kênh online, triển khai thanh toán điện tử, giao hàng tận nơi cho khách hàng và chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố, sẵn sàng cung ứng đưa ngay hàng về Hà Nội khi có nhu cầu sử dụng cao và có biến động xảy ra. Đến thời điểm hiện tại, hàng hóa phục vụ Tết tại các hệ thống phân phối dồi dào, đa dạng sẵn sàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
“Hiện nay, hệ thống bán lẻ trên địa bàn đã tổ chức nhiều chương trình bán hàng với mức khuyến mãi hấp dẫn đối với các mặt hàng Tết như khuyến mãi giảm giá ưu đãi lên đến 50%, bốc thăm trúng thưởng, giá sốc kèm tặng quà, các lễ hội trái cây, dùng thử sản phẩm...) góp phần tăng kích cầu tiêu dùng trên địa bàn dịp Tết 2024” - ông Nguyễn Thế Hiệp chia sẻ.
Cùng với việc xây dựng kế hoạch, chủ động các giải pháp đảm bảo nguồn cung hàng hóa; đề đảm bảo thuận tiện cho người dân Thủ đô tiếp cận, mua sắm hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, hàng hóa Tết sẽ được phục vụ tại 29 trung tâm thương mại; 137 siêu thị; 453 chợ; 2.000 cửa hàng tiện lợi; hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, thị trấn; 159 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông lâm sản an toàn trên địa bàn; 926 chuỗi, cơ sở cung ứng nông lâm, thủy sản của 43 tỉnh, thành phố; 85 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn.
Đẩy mạnh ưu đãi cho người tiêu dùng
Nhiều ưu đãi cho người tiêu dùng. |
Tại Hà Nội, một số doanh nghiệp như: Công ty CP Bánh mứt kẹo Hà Nội, BRG Mart, Big C... chia sẻ, lượng dự trữ hàng hóa, thực phẩm tăng 2,5 lần so với những tháng trong năm, các đơn vị kỳ vọng tăng trưởng tăng 20 - 30%. Hệ thống siêu thị triển khai nhiều chương trình ưu đãi, bình ổn giá, trợ giá bán hàng không lợi nhuận cho người dân. Ưu tiên kiểm soát chặt chẽ đầu vào ATTP, bảo đảm chất lượng cho người tiêu dùng. Hệ thống siêu thị sẽ bán hàng đến 18h30 Tết và mở cửa trở lại vào 8h ngày mùng 3 Tết.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở sản xuất các mặt hàng phục vụ Tết có kế hoạch sản xuất đảm bảo nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn thành phố; các đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa thiết yếu có kế hoạch khai thác nguồn hàng hợp lý, tổ chức các điểm bán hàng đảm bảo đầy đủ hàng hóa, giá cả ổn định phục vụ người dân; tổ chức triển khai các chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng.
Để đảm bảo tổ chức triển khai các hoạt động phục vụ Tết Nguyên đán 2024 hiệu quả, theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, Sở đã chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, gắn kết thương mại điện tử với loại hình thương mại truyền thống; tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận và sử dụng các hình thức bán hàng trực tuyến mở rộng khả năng tiếp cận, mở rộng thị trường và giúp người tiêu dùng tiếp cận hàng hóa nhanh chóng, thuận lợi; phối hợp với các sàn thương mại điện tử lớn, uy tín trên địa bàn Thành phố hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp, cá nhân tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu dùng.
Còn tại TP.HCM, hiện các mặt hàng đặc sản Tết đã được các nhà bán lẻ ồ ạt tung ra với đa dạng chủng loại sản phẩm và phong phú mẫu mã cho mùa kinh doanh Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Cụ thể, tại hệ thống bán lẻ Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) từ nay đến ngày 24/1/2024 sẽ có hơn 2.000 mặt hàng Tết được giảm giá từ 50% trở lên; cùng hàng triệu quà Tết trao tận tay khách hàng thành viên.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc Marketing Saigon Co.op, cho biết khách hàng mua sắm Tết 2024 tại hệ thống sẽ được trải nghiệm luân phiên hoạt động khuyến mãi, giảm giá thuộc chương trình "Đến Co.op chở Tết về". Ngoài ra, đặc sản nhiều vùng miền như hạt điều Bình Phước, cá dứa Cần Giờ, lạp xưởng Sóc Trăng, bánh tét Trà Vinh, nước mắm lú Bình Thuận, tôm khô, hạt điều lụa, hạt mắc ca, bánh phồng tôm… rất dồi dào và được dùng trong giỏ quà Tết.
Đối với nhà cung cấp thịt heo hàng đầu TP.HCM là Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN) cũng đang triển khai chương trình khuyến mãi Tết Giáp Thìn 2024 trên toàn hệ thống Cửa hàng giới thiệu sản phẩm VISSAN, hệ thống siêu thị Satramart và Satrafoods. Theo đó, từ nay đến 9/2/2024, khách hàng sẽ nhận được ưu đãi “mua 2 tặng 1” và “mua 1 tặng 1” khi mua các sản phẩm như nem chua, xúc xích Cocktail sụn giòn, giò lụa, lụa bì...
Ngoài ra, VISSAN cũng là đơn vị nhiều năm góp phần bình ổn giá cả thị trường thực phẩm và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho cộng đồng đối với các sản phẩm phục vụ Tết, như: chả lụa que, chả lụa bì ớt xiêm...
Ông Trương Minh Tứ, Giám đốc Vận hành chuỗi siêu thị thực phẩm Kingfoodmart, cho biết đã chuẩn bị nguồn hàng thiết yếu lên đến gần 300 tỷ đồng trong 2 tháng đầu năm 2024, tăng 150% so với ngày thường. Trong các tuần đầu tháng 1/2024, sức mua tại hệ thống này đã tăng hơn 30%, là động lực để siêu thị nỗ lực hơn nữa, bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa và dịch vụ chất lượng cho khách
"Hơn nửa đầu tháng 1/2024, tại Kingfoodmart đã tiếp đón lượng khách đến tham quan và mua sắm rất nhộn nhịp. Cụ thể, siêu thị đã tiếp đón gần 300.000 lượt mua sắm, tăng hơn 100% so với thời điểm cùng kỳ tháng trước", đại diện Kingfoodmart cho hay.