Thân mọc đứng, cao 1-1,5m, lá mọc vòng, hẹp ngang. Hoa màu đỏ, mọc rủ xuống. Quả mọng, màu xanh tím. Cây mọc hoang ở Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang.
Củ hoàng tinh phải được chế biến mới dùng được vì rất ngứa. Có hai cách chế biến:
Cách 1: Củ đã gọt bỏ vỏ ngoài, rửa sạch, không bổ đôi, xếp vào chõ, đồ chính hoặc cho vào nồi, đổ nước xâm xấp, đun gần cạn, phơi khô. Làm nhiều lần như vậy đến khi củ mềm, mặt trong và mặt ngoài đều đen, không dính tay là được. Cuối cùng, phơi thật khô.
Cách 2: Củ đã gọt vỏ, rửa sạch, để nguyên, đun với nước mật mía và gừng (cứ 1kg hoàng tinh dùng 250ml mật và 250g gừng). Làm nhiều lần, được 9 lần thì tốt, đến khi hết nước mật là được. Khi dùng, thái mỏng.
Củ hoàng tinh được chế biến theo hai cách trên lấy tên thuốc là thục hoàng, có thể chất mềm, dẻo, màu đen, vị ngọt, mùi thơm, với thành phần hóa học chủ yếu là manose, polysaccharid, 4 saponin steroid là các kingianosid A, B, C, D.
Dược liệu có tính bình, vào các kinh tỳ, phế, thận, có tác dụng bổ khí, dưỡng âm, kiện tỳ, nhuận phế, ích thận, chữa tỳ vị hư nhược, suy kiệt, mệt mỏi, miệng khô, kém ăn, phế hư, háo khát, tinh huyết bất túc, nội nhiệt, tiêu khát.
Theo tài liệu cổ, Tuệ Tĩnh (Nam dược thần hiệu) đã dùng riêng vị thục hoàng nấu nước uống hoặc tán bột ăn với cháo chữa các chứng hư tổn suy nhược. Hải Thượng Lãn Ông (Vệ sinh quyết yếu) lại dùng thục hoàng phối hợp với thương truật, địa cốt bì, trắc bách diệp, thiên môn ngâm rượu uống cho mạnh gân cốt, làm đen tóc.
Củ hoàng tinh. Ảnh Internet
Theo kinh nghiệm dân gian, thục hoàng thường được dùng phối hợp với các vị thuốc khác trong những trường hợp sau:
Thuốc bổ chống mệt mỏi, sinh tân dịch: thục hoàng 25g, ba kích 20g, đảng sâm 10g, thục địa 10g. Tất cả thái mỏng, ngâm với 1 lít rượu 350, thỉnh thoảng lắc đều. Khi dùng, pha thêm 100ml siro đơn. Ngày uống 3 lần trước 2 bữa ăn và khi đi ngủ, mỗi lần một chén nhỏ. Hoặc thục hoàng 10g, ý dĩ 10g, sa sâm 8g, sắc với 200ml nước còn 50ml, uống làm một lần trong ngày.
Chữa thiếu máu: thục hoàng 20g; hà thủ ô, thục địa, rễ đinh lăng, mỗi vị 10g; tam thất 8g. Tất cả tán bột, mỗi ngày dùng 10g sắc uống.
Chữa yếu sinh lý: thục hoàng 20g; hà thủ ô, ý dĩ, rễ đinh lăng, hoài sơn, kỷ tử, long nhãn, cám nếp, mỗi vị 12g; trâu cổ, cao ban long, mỗi vị 8g; sa nhân 6g. Sắc uống ngày một thang.
Chữa ho ra máu: thục hoàng 50g, bách bộ 25g, bạch cập 25g. Tất cả tán bột, rây mịn, luyện với mật làm viên. Ngày 3 lần, mỗi lần 6g.
Ở Trung Quốc, thục hoàng cũng được dùng phổ biến để chữa những bệnh sau:
Chữa đau thắt ngực, bệnh mạch vành tim: thục hoàng, côn bố, mỗi vị 15g; bá tử nhân, thạch xương bồ, uất kim, mỗi vị 10g; diên hồ sách 6g, sơn tra24g. Ngày dùng một thang, sắc uống, chia làm 3 lần. Mỗi đợt điều trị 4 tuần.
Chữa đái tháo đường: thục hoàng 20g, sinh địa 20g, hoàng kỳ 20g, trạch tả 10g, hoàng liên 10g, nhân sâm 10g, địa cốt bì 10g. Tất cả tán bột, rây mịn. Ngày dùng 3 lần, mỗi lần 5g.
Chữa huyết áp thấp: thục hoàng 30g, đảng sâm 30g, cam thảo (chích) 10g. Sắc nước uống ngày một thang.
Chữa rối loạn thần kinh thực vật: thục hoàng 180g; câu kỷ, sinh địa, bạch thược, hà thủ ô, mỗi vị 90g; đương quy, hoàng kỳ, đảng sâm, táo nhân (sao), mỗi vị 60g; mạch môn, cúc hoa, hồng hoa, bội lan, xương bồ, viễn chí, mỗi vị 30g. Tất cả ngâm với 6.000ml rượu trắng trong 2-4 tuần. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 5-10ml.
Theo Sức khỏe & Đời sống