Với hơn 6 ha chanh dây, năm nay, gia đình anh Đinh Đức Toàn (làng Ku Ton, xã Ia Pếch, huyện Ia Grai) thu về trên 3 tỷ đồng. |
Cũng như nhiều nông dân khác trên địa bàn tỉnh, anh Đinh Đức Toàn (làng Ku Ton, xã Ia Pếch, huyện Ia Grai) từng điêu đứng khi cây hồ tiêu bị dịch bệnh chết hàng loạt.
Sau bài học đắt giá, gia đình anh rút ra được nhiều kinh nghiệm để canh tác nông nghiệp bền vững. Anh Toàn cho biết: “Năm 2017, toàn bộ diện tích hồ tiêu của gia đình bị nhiễm bệnh rồi chết hàng loạt. Nguồn thu nhập chính không còn, đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Để vực lại kinh tế, ngoài việc tập trung tái canh 2 ha cà phê, tôi trồng thêm chanh dây nhằm lấy ngắn nuôi dài”.
Lúc mới chuyển sang trồng chanh dây, anh Toàn cũng gặp khó khăn do chưa nắm được quy trình kỹ thuật, thuộc tính của cây trồng. Tuy nhiên, nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm và tích cực áp dụng khoa học công nghệ vào trồng, chăm sóc, vườn chanh dây của anh ngày càng xanh tốt, năng suất tăng cao qua từng vụ.
Theo đó, ngoài áp dụng công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước kết hợp bón phân, anh còn chú trọng quản lý sâu bệnh hại bằng các loại thuốc trừ sâu sinh học cũng như ưu tiên sử dụng phân hữu cơ để giữ ổn định cho vườn cây.
Nhờ đó, năm nay, hơn 6 ha chanh dây đã cho thu hoạch 2 đợt, với giá bán dao động 14-22 ngàn đồng/kg, gia đình anh thu về trên 3 tỷ đồng. “Mỗi vụ chanh dây trung bình cho thu hoạch khoảng 4 đợt. Với giá bán như hiện nay, tôi lãi 500-600 triệu đồng/ha, cao gấp 3-4 lần so với trồng cà phê. Lợi nhuận từ cây chanh dây không thua bất kỳ loại cây trồng nào ngoài cây sầu riêng. Nếu không có gì thay đổi, năm tới, tôi tiếp tục trồng khoảng 6 ha chanh dây”-anh Toàn phấn khởi cho hay.
Chanh dây tăng giá ổn định trong thời gian dài tạo sự yên tâm phát triển sản xuất cho nông dân Gia Lai. |
Tại xã Ia Pếch phong trao trồng chanh dây đang phát triển mạnh. Lợi thế của cây trồng này được người dân khai thác nhằm thay thế những diện tích cà phê, sầu riêng bị sâu bệnh cho năng suất thấp.
Trong 4 năm qua, vườn chanh dây 5 ha của gia đình ông Đinh Văn Ước (làng Ku Tong) mang về khoảng 2 tỷ đồng/năm. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông lãi hơn 1 tỷ đồng.
Ông cho biết: Năm 2018, ông tham gia lớp tập huấn về trồng chanh dây do Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai tổ chức. Qua lớp tập huấn, ông thấy trồng chanh dây không tốn nhiều chi phí mà thu nhập lại cao. Vì vậy, đầu năm 2019, ông quyết định phá bỏ 1 ha hồ tiêu kém năng suất sang trồng chanh dây. Vụ đầu tiên do ông chưa có kinh nghiệm nên năng suất thấp.
Không nản chí, ông Ước học hỏi thêm kinh nghiệm và dành thời gian tham quan các mô hình trồng chanh dây hiệu quả ở tỉnh Lâm Đồng, Đak Lak. Năm 2020, ông thuê thêm 4 ha đất để trồng chanh dây. “Đến khi thu hoạch, chanh được mùa, được giá. Đối với loại đủ tiêu chuẩn xuất sang châu Âu, thương lái thu mua với giá trên 40.000 đồng/kg. Đối với loại quả không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thì bán giá 8-10 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí đầu tư, năm 2022, gia đình tôi lãi 1,5 tỷ đồng”-ông Ước chia sẻ.
Vườn chanh dây của ông Trần Tấn Thành (làng O Pếch, xã Ia Pếch, huyện Ia Grai) cho thu nhập khá cao. |
Không chỉ làm giàu cho mình, ông Ước còn hướng dẫn người dân trong vùng tận dụng nguồn đất để trồng chanh dây. Nhiều nông dân đã mạnh dạn làm theo. Đến đầu tháng 8-2022, xã Ia Pếch thành lập Tổ hợp tác sản xuất chanh dây để hỗ trợ nhau về kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm.
Ông Trần Tấn Thành - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất chanh dây-cho biết: “Tổ hiện có 17 thành viên. Chúng tôi liên kết với Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao-Chi nhánh Gia Lai để bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Kỹ thuật trồng, chăm sóc chanh dây cũng đơn giản; sau khi trồng 5-7 tháng là cho thu hoạch. Hiện nay, chanh dây là loại cây được nông dân Ia Pếch lựa chọn”.
Cũng theo anh Toàn, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, anh đã hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để được cấp mã số vùng trồng. Nếu được cấp mã số vùng trồng, sản phẩm chanh dây sẽ được xuất đi Trung Quốc với giá bán cao hơn khoảng 7 ngàn đồng/kg so với giá chanh thường.
Lãnh đạo UBND xã Ia Pếch trao quyết định thành lập Tổ hợp tác sản xuất chanh leo Ia Pếch. |
Theo ông Đào Lân Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai, chanh dây có đầu ra ổn định. Huyện tập trung đầu tư xây dựng các mô hình điểm và thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) liên kết sản xuất chanh dây. Đặc biệt, huyện vận động người dân sản xuất sản phẩm chanh dây an toàn thực phẩm để nâng cao chất lượng và giá trị, hướng đến xuất khẩu.
Cây chanh dây đã từng bước khẳng định được giá trị tại các địa phương của tỉnh Gia Lai. Tỉnh này cũng đề ra mục tiêu mở rộng diện tích chanh dây lên 20.000ha vào năm 2025. Theo đó sẽ tập trung hình thành những vùng chanh dây quy mô lớn gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ. Cây chanh dây không chỉ có lợi thế xuất khẩu mà các doanh nghiệp chế biến sản phẩm từ loại trái cây này cũng có nhu cầu nguyên liệu rất lớn. Điều này sẽ càng tạo sự yên tâm cho người dân đầu tư nâng cao chất lượng trái chanh dây./.